Đấu tranh với thực phẩm bẩn: Bộ trưởng Y tế kêu gọi lương tri người sản xuất

“Chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt khác phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các luật về ATTP. Chính vì thế mới có chuyện hai luống rau, hai chuồng lợn để ăn riêng và bán riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mức xử phạt đối với tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm còn nhẹ

Mô hình quản lý nào cho ATTP?

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, nguyên nhân những yếu kém, hạn chế trong quản lý an toàn thực phẩm là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực; phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo; hoạt động điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương còn chưa quyết liệt…

Nhấn mạnh điều này trong phần phát biểu của mình tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ví dụ, việc quản lý chất lượng bún đang được tới 3 Bộ chịu trách nhiệm.

“Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN-PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương, rồi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói

Theo đó, để khắc phục những hạn chế trên, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách đủ năng lực và uy tín để hướng tới xu hướng quản lý tiên tiến của thế giới, thống nhất chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm.

“Thực tiễn mô hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta được thực hiện bởi ba bộ là Bộ Y tế, Bộ NN-PTNN và Bộ Công thương, chủ yếu căn cứ vào chức năng sẵn có của các bộ này còn nhiều bất cập, chưa có phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm”, vị này nói.

ĐBQH Hồ Thanh Bình cho rằng cần một cơ quan chuyên trách để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm

Cùng góc nhìn, đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên) đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ. Theo đó, sẽ gộp 3 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của ba Bộ hiện nay để tránh chồng chéo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hiện nay.

Về mô hình quản lý ATTP, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trên thế giới không có một mô hình quản lý ATTP nào thành công cho tất cả các nước. Do đó, mọi đánh giá về vấn đề ATTP đều phải bảo đảm tính cân bằng và sát với từng thời kỳ để từ đó đưa ra mô hình bộ máy tổ chức thực hiện phù hợp.

Theo Phó Thủ tướng, “ở Trung ương chúng ta rất khó có thể tổ chức được một cơ quan thuộc Chính phủ hay một bộ chuyên về quản lý ATTP. Bởi Bộ NN-PTNT lo về nuôi trồng thì sao quản lý được thực phẩm chức năng thuộc Bộ Y tế. Chưa kể ngay trong sản xuất nông nghiệp cũng liên quan đến nước, không khí, đất… Vì vậy ở các nước đều phải có cơ chế là giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành và có một cơ chế điều phối chung”.

Từ hình tội sản xuất thực phẩm bẩn

Theo đại biểu Thái Trường Giang, Báo cáo giám sát cho thấy giai đoạn 2011-2016 chỉ xử lý được một vụ hình sự cho ba bị can trong 90 vụ, 148 bị cáo hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm đưa ra xử lý, con số này thực sự rất ít.

“Tôi thấy dự thảo BLHS 2015 vừa rồi chỉ có mức phạt 20 năm, không có hình thức tử hình hoặc chung thân, tôi đề nghị phải tăng nặng hình phạt”, ông Giang nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hành lang pháp luật của Việt Nam khá là đầy đủ, vấn đề là khâu thực thi và xử phạt còn quá nhẹ, chưa nghiêm minh.

“Mức phạt quá thấp mà không răn đe, chỉ có ngành y tế phạt môt doanh nghiệp nước ngọt là URC 6 tỉ đồng còn ngoài ra các hình phạt khá thấp”, bà Tiến nói và cho rằng ngành y tế sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Tuy nhiên, theo bà Tiến, quan trọng hơn cả là phải kêu gọi lương tri của người sản xuất để họ không vì lợi nhuận mà cố tình làm trái pháp luật, bất chấp đến tính mạng sức khỏe người tiêu dùng.

“Chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt khác phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các luật về ATTP. Chính vì thế mới có chuyện hai luống rau, hai chuồng lợn để ăn riêng và bán riêng”, bà Tiến nói.

Nhấn mạnh thêm về điều này, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của nhiều người sản xuất kinh doanh. Do đó, cần có thái độ tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn, phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác cần phải lên tiếng đấu tranh, tố giác và đáng bị lên án.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thiết phải thiết lập hệ thống đo kiểm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giúp người tiêu dùng phân biệt được thực phẩm an toàn, không an toàn. Việc này không chỉ nằm ở các phòng thí nghiệm của các cơ quan thuộc ngành Y tế, Công Thương, NN-PTNT mà tất cả những phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ở các doanh nghiệp đều được tham gia.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ thanh tranh ATTP ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm ATTP. Qua gần 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức thanh tra liên ngành ở 5 quận với 10 phường thuộc Hà Nội, TP.HCM, sắp tới Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo mở rộng mô hình này tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai…

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/dau-tranh-voi-thuc-pham-ban-bo-truong-y-te-keu-goi-luong-tri-nguoi-san-xuat-64545.html