Dầu thô lao dốc, chứng khoán vẫn phục hồi trở lại

Bất chấp giá dầu thô giảm trở lại 4%, nhưng chứng khoán Âu, Mỹ vẫn phục hồi tốt trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên điều chỉnh đầu tuần.

Phố Wall phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba (Ảnh minh họa: AFP)

Tưởng chừng phố Wall sẽ tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp khi giá dầu thô lao dốc, kéo nhóm cổ phiếu năng lương giảm mạnh theo. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ trong phiên thứ Ba lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ nhóm cổ phiếu y tế khi UnitedHealth Group Inc đưa ra mức dự báo lợi nhuận tốt hơn cho năm tới.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Dow tăng 23,70 điểm (+0,12%), lên 19.121,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,94 điểm (+0,13%), lên 2.204,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,11 điểm (+0,21%), lên 5.379,92 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng nhanh chóng phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên giảm trước đó, ngoại trừ chứng khoán Anh khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẵn sàng mua lại trái phiếu Italia nếu cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp Thủ tướng Matteo Renzi cuối tuần này bị từ chối.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học cũng hỗ trợ đắc lực cho thị trường trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,47 điểm (-0,40%), xuống 6.772,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,82 điểm (+0,36%), lên 10.620,49 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 41,07 điểm (+0,91%), lên 4.551,46 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, cùng với ảnh hưởng từ phiên giảm trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ, việc đồng yên tiếp tục hồi phục so với đồng USD tiếp tục khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều, trả lại gần hết những gì đã có được trong phiên đầu tuần. Trong khi sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục lên mức cao nhất 11 tháng.

Kết thúc phiên 29/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 49,85 điểm (-0,27%), xuống 18.307,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 95,50 điểm (-0,41%), xuống 22.737,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,92 điểm (+0,18%), lên 3.282,92 điểm.

Trên thị trường vàng, sau phiên phục hồi đầu tuần, giá vàng đã nhanh chóng trở lại đà giảm trong phiên thứ Ba khi giá dầu thô lao dốc, gây áp lực lên giá cả các loại hàng hóa nguyên liệu khác trong đó có vàng.

Kết thúc phiên 29/11, giá vàng giao ngay giảm 5,9 USD (-0,49%), xuống 1.187,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,9 USD (-0,24%), xuống 1.187,9 USD/ounce.

Sau khi phục hồi 2% trong phiên thứ Ba, giá dầu thô nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh 4% trong phiên thứ Năm khi Iran và Iraq bất hòa với Ả Rập Xê út trước khi diễn ra cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) 1 ngày.

May mắn cho giá dầu là nhận được thông tin tích cực từ Mỹ, nếu không đà giảm sẽ còn mạnh hơn nữa. Cụ thể, theo Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 717.000 thùng so với mức dự báo tăng 636.000 thùng. Kho dự trữ tại Cushing Oklahoma tăng 2,3 triệu thùng. Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu của mình vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 29/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,85 USD/thùng (-3,93%), xuống 45,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,86 USD (-3,86%), xuống 46,38 USD/thùng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/dau-tho-lao-doc-chung-khoan-van-phuc-hoi-tro-lai-171103.html