Đấu thầu xây dựng nhà điều hành trung tâm theo kiểu “ao làng”?

Dự án xây dựng nhà điều hành trung tâm Đại học Tây Nguyên sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Chỉ những nhà thầu nào từng tham gia xây dựng công trình tương tự trên địa bàn Tây Nguyên mới đủ điều kiện xét hồ sơ dự thầu, khiến nhiều đơn vị bức xúc với cách đấu thầu rộng rãi nhưng lại theo kiểu “ao làng” này?

Theo Quyết định số 3191/QĐ-BGDĐT ngày 27/8/2015, dự án xây dựng nhà điều hành trung tâm Đại học Tây Nguyên nằm trong khuôn viên nhà trường (số 567 đường Lê Duẩn, EaTam, TP Buôn Mê Thuật) sẽ có quy mô chiều cao 7 tầng, tổng diện tích sàn 7.120m2. Tổng mức đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn trong Chương trình Phát triển giáo dục đại học vay vốn WB.

Dự án này do Đại học Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Đơn vị được nhà trường ký kết thực hiện việc tư vấn lập hồ sơ mời thầu là Trung tâm Kiểm định xây dựng, Sở Xây dựng Đắk Lắk. Nhà thầu thi công sẽ được lựa chọn qua tổ chức đấu thầu rộng rãi công khai.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít công ty xây dựng khi vào mua hồ sơ mời thầu đã phải “kêu trời” về bộ tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm mà chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đưa ra!

Bên cạnh việc đơn vị tham gia dự thầu từng thực hiện hợp đồng xây dựng tương tự về bản chất và độ phức tạp (công trình dân dụng cấp II, chiều cao 7 tầng); tương tự về quy mô công việc (có giá trị hợp đồng thi công xây lắp hơn từ 60 tỷ đồng trở lên), họ còn phải từng thực hiện ít nhất một hợp đồng tương tự về điều kiện hiện trường.

Tương tự về điều kiện hiện trường ở đây chính là thực hiện ít nhất 1 hợp đồng tương tự đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn khu vực Tây Nguyên. Đây là tiêu chí bắt buộc các đơn vị khi tham gia nộp hồ sơ dự thầu phải thỏa mãn?

Nếu sử dụng phương pháp đánh giá về năng lực và kinh nghiệm theo tiêu chí đạt/không đạt, thì tiêu chí trên đương nhiên đã loại bỏ đi rất nhiều đơn vị nhà thầu có kinh nghiệm, uy tín trong xây dựng ngay từ vòng đầu.

Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu xây dựng, việc chủ đầu tư - Đại học Tây Nguyên đưa ra tiêu chí này bản chất cũng chỉ nhằm “bật đèn xanh” cho một nhà thầu nào đó đã từng có hợp đồng tương tự ngay tại Tây Nguyên. Với các tiêu chí “chéo ngoe” buộc phải thỏa mãn như trên, cho dù nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực mạnh, có đội ngũ chuyên gia giỏi và đã thực hiện nhiều dự án lớn có quy mô, tính chất phức tạp hơn nhiều lần cũng tự phải “ngậm ngùi” chào thua nhìn nhà thầu năng lực yếu hơn nhưng chỉ cần thực hiện một hợp đồng tương tự tại Tây Nguyên vào làm.

Điều này là không thể chấp nhận đối với một gói thầu có quy mô lớn như dự án nhà điều hành trung tâm Đại học Tây Nguyên. Chủ đầu tư vì một lý do nào đó đã tự ý “rào cửa”, dường như chỉ muốn đấu thầu quy mô “ao làng” cho công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay WB cả trăm tỷ đồng?

Trong một văn bản gửi Đại học Tây Nguyên đề nghị làm rõ tiêu chí này, ông Lưu Hồng Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP, Bộ Xây dựng cho rằng: “Việc yêu cầu về tính chất điều kiện hiện trường của hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu của bên mời thầu là chưa đúng với nội dung khoản 2 Điều 23 Nghị định 63/NĐ-CP ngày 26/6/2016 của Chính phủ về việc quy định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”.

“Yêu cầu này làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu tham gia đấu thầu, đồng thời tạo lợi thế cho một số nhà thầu khác, gây cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu”, ông Lưu Hồng Giang bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư - ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc, kiến nghị từ các đơn vị tham mua hồ sơ mời thầu về tiêu chí này. Mọi việc lập hồ sơ mời thầu là do bên Trung tâm Kiểm định xây dựng tiến hành, do vậy chủ đầu tư sẽ trao đổi lại với Trung tâm này để làm rõ tính pháp lý của tiêu chí nói trên.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng tiêu chí phải thực hiện ít nhất 1 hợp đồng tương tự đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn khu vực Tây Nguyên là để tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó đã được chủ đầu tư “lựa chọn” từ trước? Có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm trong tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu xây dựng nhà điều hành trung tâm Đại học Tây Nguyên?

Thiết nghĩ, trước những dấu hiệu “không bình thường” trong hồ sơ mời thầu tại dự án xây dựng nhà điều hành trung tâm Đại học Tây Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; WB cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra làm rõ các tiêu chí, xử lý nghiêm cũng như kiên quyết dừng tổ chức đấu thầu nếu có sai phạm để tránh lãng phí vốn vay trong đầu tư công.

Khoản 2 Điều 23 Nghị định 63/NĐ-CP ngày 26/6/2016 của Chính phủ về việc quy định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định: “… Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/xay-dung/dau-thau-xay-dung-nha-dieu-hanh-trung-tam-theo-kieu-ao-lang_t114c6n110263