Đầu tháng 2.2017 sẽ chính thức thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Sáng 22.11, với 449 số phiếu tán thành, chiếm 91,08% tổng số đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được Quốc hội chính thức thông qua.

Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết, thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử sẽ áp dụng đối với công dân của những quốc gia có đủ các điều kiện: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về phí cấp thị thực điện tử, Nghị quyết quy định: Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là 2 năm, kể từ ngày 1.2.2017. Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; đồng thời, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

Đối với các trường hợp người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử sẽ thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trước đó, trong phiên thảo luận về nghị định này, Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Thái (Kiên Giang) cho rằng, nếu áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử rộng rãi cho tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng cũng như quản lý, thậm chí có thể gây ra lỗ hổng về an ninh quốc phòng vì nước ta hiện nay chưa có đủ kinh nghiệm, điều kiện cơ sở thiết bị cần thiết, cũng như nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ tinh nhuệ chuyên trách để sẵn sàng phục vụ cho công việc này. Do vậy, để đảm bảo khả thi trong quá trình triển khai, đại biểu đề nghị cần phải thu hẹp lại đối tượng áp dụng của dư thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng nhấn mạnh, bản chất của việc cấp thị thực là đưa ra điều kiện để kiểm soát, hạn chế công dân nước ngoài vào nước ta. Như vậy, nếu áp dụng cấp thị thực điện tử rộng rãi cho tất cả người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát về số lượng người nước ngoài cư trú trái phép tại Việt Nam, khó khăn trong việc xác minh thông tin, dữ liệu khai báo đối với những đối tượng ngụy trang mục đích nhập cảnh và hình thành những tụ điểm của tội phạm như thực trạng đã xảy ra ở TP.Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Lo ngại về vấn đề chủ quyền, đai biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) và đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, vừa rồi có chuyện hộ chiếu in đường lưỡi bò vào bìa, nếu bây giờ chúng ta cấp visa, họ đến cửa khẩu của mình rồi đưa hộ chiếu thì trang nhân thân không in đường lưỡi bò, nhưng bìa in hình lưỡi bò, lúc đó chúng ta giải quyết như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh làm các thủ tục đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, xuất cảnh như đối với thị thực rời, không làm thủ tục gì vào hộ chiếu như đang làm thủ tục hiện nay. Người sử dụng hộ chiếu khác có ảnh hưởng đến chúng ta thì chúng ta không đóng dấu vào hộ chiếu đó.

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/dau-thang-22017-se-chinh-thuc-thi-diem-cap-thi-thuc-dien-tu-cho-nguoi-nuoc-ngoai-48615.html