Dấu son tươi thắm trong lịch sử phát triển TTCK Việt Nam

“Hôm nay, một ngày đẹp đẽ, giữa Thủ đô linh thiêng và hào hoa, TTCK phái sinh Việt Nam chính thức khai trương hoạt động. Thị trường ra đời là một mốc son tươi thắm trong lịch sử phát triển của TTCK, sau 17 năm Việt Nam mở cửa TTCK cơ sở”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu như vậy tại sự kiện khai trương TTCK phái sinh ngày 10/8/2017.

So với thông lệ quốc tế, việc khai mở TTCK phái sinh tại Việt Nam có diễn tiến nhanh hơn

Bước tiến nhanh, trọng trách lớn

Phó Thủ tướng đánh giá, TTCK phái sinh ra đời là 1 trong 3 trụ cột trong cấu trúc của TTCK hiện đại mà Việt Nam đang quyết tâm xây dựng. So với thông lệ quốc tế, việc khai mở TTCK phái sinh tại Việt Nam có diễn tiến nhanh hơn khi chỉ sau 17 năm mở cửa thị trường cơ sở, Việt Nam có TTCK phái sinh, trong khi các nước khác, quá trình này thường trải qua khoảng 30 năm. Để có ngày khai mở hôm nay là một quá trình dài của sự nỗ lực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, ngay từ năm 2007, trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định TTCK phái sinh là bộ phận không thể tách rời của TTCK Việt Nam.

Theo lộ trình đó, đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển TTCK phái sinh và năm 2015 ban hành Nghị định 42/NĐ-CP, chính thức định hình khung pháp lý cho thị trường này đi vào hoạt động.

Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn nhủ nhiều điều thú vị. Theo Phó Thủ tướng, phái sinh là thị trường tài chính bậc cao, thị trường khó tính, thậm chí nhiều người còn gọi đó là thị trường “sang chảnh”.

Chính vì thế, để vận hành được thông suốt, ổn định và hiệu quả, cần rất nhiều sự nỗ lực. Trong ngày đầu khai mở thị trường, sản phẩm đầu tiên được lựa chọn giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số VN-30, nhưng Phó Thủ tướng mong rằng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ sớm nghiên cứu, đưa thêm 2 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số HNX-30 và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vào vận hành. Thậm chí, ông còn mong rằng, sẽ sớm được thấy sản phẩm quyền chọn giao dịch trên TTCK phái sinh Việt Nam.

Bước nhanh hơn lộ trình xây dựng của nhiều TTCK quốc tế khoảng 13 năm, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Bộ Tài chính và ngành chứng khoán, Phó Thủ tướng đồng thời chia sẻ một thông điệp: Chính phủ kiên định chủ trương xây dựng TTCK Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, kiên định chủ trương phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ cân bằng.

Mấy năm gần đây, quy mô của TTCK Việt Nam tăng trưởng nhanh, với vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 57% GDP, còn tổng dư nợ trên thị trường trái phiếu khoảng 24% GDP. Trên nền tảng này, Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là tổng quy mô TTCK Việt Nam (cả trái phiếu và cổ phiếu) sẽ đạt khoảng 110% GDP.

Ở ngưỡng này, quy mô TTCK sẽ tương đương với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, đưa thị trường vốn phát triển cân bằng với thị trường tiền tệ, tín dụng. Khi thị trường vốn mạnh hơn, không chỉ giảm bớt gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống ngân hàng, mà điểm đặc sắc và riêng có của thị trường vốn là giúp các chủ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn dài hạn, vốn chủ sở hữu, cho những khát vọng vươn tầm trên thương trường.

Chính phủ cam kết phát triển thị trường minh bạch

Trước ngày TTCK phái sinh khai mở, chỉ số VN-Index giảm 2,26%, khiến giá trị vốn hóa thị trường mất đi 2 tỷ USD. “Chỉ là một tin đồn, khiến tâm lý nhà đầu tư dao động mạnh và cổ phiếu giảm giá. Thực tế này khiến tôi rất băn khoăn.

Tôi mong rằng, nhà đầu tư hãy tin tưởng vào chúng tôi, tin tưởng vào Chính phủ, Chính phủ cam kết xây dựng TTCK minh bạch, lành mạnh, chỉ đạo ngành chứng khoán giám sát chặt chẽ thị trường để đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.

TTCK phái sinh ra đời, sẽ tạo nên thế “kiềng ba chân”, hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam theo 3 trụ cột: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh. Trên con đường tương lai, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành chứng khoán phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh thể chế là xây dựng định hướng mới cho chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hợp nhất 2 Sở GDCK theo nguyên tắc "1 Sở, 2 sàn", tạo điều kiện tốt nhất và tiết kiệm nhất cho các nhà đầu tư, các thủ thể tham gia TTCK Việt Nam.

Để vận hành thị trường tài chính bậc cao, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông cho người dân hiểu sâu sắc hơn về chứng khoán, đồng thời cần có sự chủ động trong hội nhập khu vực và quốc tế. Sau dấu son khai trương TTCK phái sinh, ông mong rằng, ngày TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ không còn xa nữa.

Lễ khai trương TTCK phái sinh Việt Nam được điều hành trực tiếp bởi Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội, ông Nguyễn Thành Long, kết thúc bằng những cái bắt tay thật chặt, lan tỏa một mong muốn, các thành viên thị trường, các chủ thể cùng nỗ lực, vun đắp xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, để thị trường đã và sẽ tiếp tục phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

TTCK khai trương là một dấu mốc khẳng định sự phát triển và nhu cầu hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng

Từ năm 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam xây dựng Đề án phát triển TTCK phái sinh Việt Nam. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án với quan điểm phát triển TTCK phái sinh là bước đi tiếp theo trong quá trình hoàn thiện cấu trúc TTCK, hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công tác triển khai định hình khung pháp lý, hạ tầng giao dịch, đào tạo nhân sự… đã được triển khai mạnh mẽ. TTCK phái sinh khai trương là một dấu mốc khẳng định sự phát triển và nhu cầu hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam. Tôi có niềm tin rằng, xây dựng cấu trúc hoàn chỉnh sẽ là nền tảng để TTCK phát huy vai trò là kênh dẫn vốn lành mạnh và dài hạn cho nền kinh tế.

Trên con đường tương lai, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành chứng khoán hoàn thiện khung khổ pháp lý, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ TTCK phái sinh từng bước xác lập vị thế của một thị trường tài chính bậc cao, là kênh đầu tư, phòng ngừa và phân tán rủi ro cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo UBCK nâng cao khả năng quản lý, giám sát, giữ vững kỷ luật, kỷ cương thị trường. Tôi tin rằng, việc xây dựng một TTCK phát triển lành mạnh đang và sẽ hỗ trợ hiệu quả tiến trình tái cấu trúc DNNN, tái cấu trúc đầu tư công, bên cạnh việc hình thành nên một kênh dẫn vốn, kênh đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế.

Cùng với thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh ra đời tạo thế kiềng ba chân bền vững

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trần Văn Dũng

Xây dựng TTCK phái sinh là một quá trình của những diễn tiến về tầm nhìn chiến lược và định hình chính sách trải dài từ năm 2007 đến nay. Thị trường khai mở hôm nay trên nền tảng pháp lý đầy đủ với Nghị định 42/2015/NĐ-CP, Thông tư 11/2016/TT-BTC, Thông tư 23/2017/TT-BTC cùng các quy trình, quy chế hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành những hướng dẫn về thuế, phí và cấp phép cho các tổ chức tài chính trung gian đầu tiên tham gia thị trường này. UBCK cũng đã tổ chức 23 khóa đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho 1.800 cá nhân, để sẵn sàng cho ngày khai mở.

Trên con đường tương lai, còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy TTCK hoàn thiện về cấu trúc và chất lượng hoạt động. Về phía UBCK, chúng tôi sẽ tiếp nối những nỗ lực xây dựng thị trường, đồng thời với việc thực hiện công tác giám sát chặt chẽ, trong mục tiêu xây dựng TTCK Việt Nam phát triển công bằng, an toàn và hiệu quả.

Tường Vi

Tường Vi

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/dau-son-tuoi-tham-trong-lich-su-phat-trien-ttck-viet-nam-197005.html