Dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với I-ta-li-a và Va-ti-căng

Nhận lời mời của Tổng thống I-ta-li-a X.Mát-ta-rê-la và Giáo hoàng Phran-xít, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta hôm nay bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới I-ta-li-a và thăm Tòa thánh Va-ti-căng. Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và I-ta-li-a, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Va-ti-căng phát triển theo hướng tích cực.

Nhân dân Việt Nam vui mừng chia sẻ những thành tựu về mọi mặt mà I-ta-li-a đạt được trong thời gian qua. Nền kinh tế I-ta-li-a đứng thứ chín trên thế giới. I-ta-li-a có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, đó là hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần hai phần ba GDP. Chính sách thương mại của I-ta-li-a hiện nay gắn với chính sách kinh tế chung của Liên hiệp châu Âu (EU). I-ta-li-a đẩy mạnh ngoại thương với các nền kinh tế châu Á mới nổi và các nước ASEAN. Tổng giá trị đầu tư của I-ta-li-a tại nước ngoài tính đến hết năm 2015 là khoảng 630 tỷ USD. Sự phát triển mạnh mẽ của các nước châu Á - Thái Bình Dương thời gian gần đây, đã thúc đẩy các nhà đầu tư I-ta-li-a quan tâm hơn đối với khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Việt Nam và I-ta-li-a chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-3-1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 1990 được củng cố và phát triển rõ nét. I-ta-li-a là nước Tây Âu đầu tiên ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU, cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 1990. Ngày 21-1-2013, Việt Nam và I-ta-li-a đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới I-ta-li-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là các chuyến thăm I-ta-li-a của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3-2014), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (tháng 7-2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 5-2016). Các đoàn I-ta-li-a thăm Việt Nam có Phó Chủ tịch Hạ viện M.Xê-rê-ni (tháng 1-2014), Thủ tướng M.Ren-di (tháng 6-2014), cựu Thủ tướng E.Lét-ta (tháng 1-2015), Tổng thống X.Mát-ta-rê-la (tháng 11-2015). Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao I-ta-li-a khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông - Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp I-ta-li-a từ nay cho đến năm 2020.

Quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch giữa hai nước có bước phát triển mới. Chính phủ I-ta-li-a đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua, năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD. I-ta-li-a đứng thứ 31 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam gồm 77 dự án đầu tư với tổng số vốn 360 triệu USD. I-ta-li-a bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 1990 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm: cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế,... Hằng năm, Bộ Ngoại giao I-ta-li-a dành cho Việt Nam các học bổng học tiếng I-ta-li-a và cao học. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức các tuần văn hóa tại I-ta-li-a và Việt Nam, nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam tại I-ta-li-a gồm khoảng gần năm nghìn người cư trú ổn định và hòa nhập tốt với nước sở tại.

Quan hệ giữa Việt Nam và Va-ti-căng phát triển theo hướng tích cực, đánh dấu bằng nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ta đến Va-ti-căng. Gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (năm 2014), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (năm 2015). Về phía Va-ti-căng, Bộ trưởng Truyền giáo, Hồng y P.Phi-lô-ni và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, thành viên Tổ tư vấn của Giáo hoàng, Hồng y R.Mác đã thăm Việt Nam trong các năm 2015 và 2016.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới I-ta-li-a và thăm Tòa thánh Va-ti-căng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu mốc mới trong quan hệ giữa Việt Nam với I-ta-li-a và Va-ti-căng. Chúng ta tin tưởng chuyến thăm sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a lên tầm cao mới, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Va-ti-căng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31327802-dau-moc-moi-trong-quan-he-giua-viet-nam-voi-i-ta-li-a-va-va-ti-cang.html