Đau lòng chuyện con gái đưa mẹ đẻ ra tòa

Năm 1997, vợ chồng hai cụ Bùi Thị Đích - Dương Văn Vừng (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) được UBND huyện Yên Lạc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) trên diện tích 3.416m2, trong đó 284m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp.

Cụ Bùi Thị Đích đang trình bày với PV báo NNVN

Lúc đó gia đình có 8 khẩu, gồm vợ chồng cụ Đích; vợ chồng Dương Văn Sơn (con trai hai cụ) - Vũ Thị Phương và con trai của Sơn - Phương là Dương Văn Trường; Dương Văn Hồng (con trai hai cụ); Dương Thị Hương và Dương Thị Lan (đều là con gái hai cụ).

Cũng trong năm 1997, hai cụ đã chia đất canh tác cho từng thành viên trong gia đình, trong đó Dương Thị Hương và Dương Thị Lan được chia thửa đất số 402, tờ bản đồ số 7, bản đồ địa chính xã Tề Lỗ, có diện tích 720m2. So với tiêu chuẩn đất canh tác được Nhà nước giao (mỗi người được 408m2) thì hai bà Hương, Lan mỗi người thiếu 48m2.

Việc chia đất này được tất cả các con, cháu trong gia đình chấp nhận, không ai thắc mắc gì. Và tuy là chia đất, nhưng sổ đỏ vẫn mang tên hai cụ. Năm 2002, cụ Dương Văn Vừng chết không để lại di chúc.

Năm 2004, UBND huyện Yên Lạc chủ trương thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp Tề Lỗ. Gia đình cụ Đích bị thu hồi 1.165m2 đất nông nghiệp (số đo thực tế), và được đền bù 41.311.000 đồng. Riêng thửa đất số 402 của 2 bà Hương, Lan không bị thu hồi.

Theo quy định của UBND huyện, thì cứ 360m2 đất canh tác bị thu hồi, người bị thu hồi sẽ được thuê 100m2 đất sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Tề Lỗ, thời gian thuê 49 năm.

Với diện tích bị thu hồi trên, gia đình cụ Đích được thuê 323,6m2 đất, nhưng phải nộp tiền xây dựng hạ tầng là 311.303.000 đồng. Đối trừ với số tiền bồi thường 1.165m2 đất bị thu hồi (41.311.000 đồng) kia, gia đình cụ còn phải nộp 269.991.600 đồng.

Cụ Đích đã họp toàn thể các thành viên trong gia đình, trong đó có bà Hương, bà Lan, nêu vấn đề: Ai có tiền nộp tiền xây dựng hạ tầng trong cụm công nghiệp Tề Lỗ, thì sẽ được nhận đất thuê. Tại cuộc họp, bà Hương, bà Lan đều trả lời là không có tiền, tùy mẹ và các anh chị quyết định.

Chỉ có hai ông Dương Văn Sơn, Dương Văn Hồng là có tiền ứng ra, nên ngày 15/11/2013, ông Sơn, ông Hồng đã thay mặt cụ Bùi Thị Đích, nộp số tiền 269.991.600 đồng cho Nhà nước.

Cụ Đích tiếp tục họp gia đình một lần nữa, trước sự chứng kiến của họ hàng cùng đại diện của khu vực, hỏi các con:

- Số tiền xây dựng hạ tầng mẹ đã nộp rồi, nếu các con ai có nhu cầu thuê bao nhiêu diện tích trong số 323,6m2 đó, thì trả số tiền tương ứng cho mẹ.

Tại cuộc họp này, hai bà Hương, Lan vẫn khẳng định mình không có tiền, và cũng không có nhu cầu thuê đất. Thấy vậy, ông Sơn, ông Hồng đã đưa thêm cho cụ Đích 200 triệu đồng ngoài số tiền 269.991.600 đồng đã nộp cho Nhà nước, để cụ chuyển hẳn quyền thuê diện tích 323,6m2 đất trong cụm công nghiệp Tề Lỗ cho mình. Cụ Đích đã cho hai bà Hương, Lan mỗi người 50 triệu, nhưng hai bà không nhận.

Nhưng khi ông Sơn, ông Hồng vừa nhận đất, thì hai bà Dương Thị Hương, Dương Thị Lan lại khởi kiện mẹ đẻ của mình là cụ Bùi Thị Đích ra TAND huyện Yên Lạc, đòi cụ phải cho mỗi người 90m2 trong tổng số 323,6m2 đất được thuê đó, bất chấp mẹ mình đã sang tuổi 85.

Không bị thu hồi đất nông nghiệp, lại không nộp một đồng nào trong số tiền xây dựng hạ tầng của 323,6m2 đất trong cụm công nghiệp Tề Lỗ, dù mẹ đã 2 lần mời đến họp để hỏi ý kiến.

Theo lý, thì hai bà Hương, Lan không có một chút quyền nào để đòi hỏi về diện tích đất thuê đó. Thế mà vẫn cứ kiện mẹ ra tòa. Thật là một đòi hỏi, một lòng tham hết sức vô lý, kiểu “con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn”.

Ngày 6/10/2015, TAND huyện Yên Lạc đã đưa vụ kiện ra xét xử. Tòa nhận định: Theo quy định, hai bà Hương, Lan được giao 816m2 đất canh tác. Nhưng hai bà chỉ được hai cụ Vừng - Đích chia cho 720m2, còn thiếu 96m2, mỗi bà thiếu 48m2. Diện tích thiếu đó nằm trong tổng diện tích 1.165m2 đất của cụ Đích bị thu hồi.

Với 48 m2 đất canh tác bị thu hồi, hai bà được thuê mỗi người một diện tích 13,3m2 trong cụm công nghiệp Tề Lỗ. Nhưng diện tích đó quá nhỏ, nên hai bà không thể đứng tên thuê đất riêng. Theo hội đồng định giá, thì giá trị của mỗi m2 đất thuê trong cụm công nghiệp Tề Lỗ là 3 triệu đồng. Trừ phần ông Sơn đã nộp cho Nhà nước, giá trị còn lại của 13,3m2 đất đó là 28.808.000 đồng.

Từ nhận định trên, bản án dân sự sơ thẩm số 10/2015/DSST của TAND huyện Yên Lạc đã tuyên buộc cụ Đích phải trả cho hai bà Hương, Lan mỗi người 28.808.000 đồng.

Đây là một bản án hợp tình hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Nhưng... (Còn nữa)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dau-long-chuyen-con-gai-dua-me-de-ra-toa-post181003.html