Đâu là xu hướng khởi nghiệp trong tương lai?

Trong tương lai, khoa học dữ liệu sẽ ngày càng quan trọng hơn những ngành khác và đó có thể là một xu hướng khởi nghiệp sắp đến.

Ông Saul Singer trong hội thảo chiều 6-12. Ảnh: ĐT

Ý kiến trên là một phần trong câu trả lời mà ông Saul Singer - nhà nghiên cứu - đồng tác giả cuốn Quốc gia Khởi nghiệp đưa ra đối với câu hỏi của một khán giả về xu hướng khởi nghiệp trong tương lai tại hội thảo "Thất bại để thành công" (Fail2win) diễn ra tại TPHCM chiều 6-12.

Cụ thể hơn, ông Saul Singer chia sẻ, chúng ta đang sống ở một giai đoạn chuyển đổi rất đặc biệt. Mười năm nữa công nghệ sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều và chúng ta sẽ không thể hình dung được sự tăng trưởng như thế nào. Vì vậy, theo ông Singer, sẽ không có một ngành nào hoặc công nghệ nào vượt bậc hơn tất cả.

"Tuy vậy, tôi cho rằng thế giới ngày càng số hóa. Nó đang xảy ra với cơ thể chúng ta, sức khỏe chúng ta, ngay cả sản xuất cũng được số hóa. Nếu thế giới vật lý được cấu thành bởi các nguyên tử thì thế giới số hóa được cấu thành từ dữ liệu. Và người ta cần phân tích những dữ liệu này. Do vậy, ngành khoa học dữ liệu sẽ ngày càng quan trọng hơn những ngành khác", ông Saul Singer chia sẻ.

Trong góc nhìn của nhà nghiên cứu Israel này, khởi nghiệp (startup) phải gồm các yếu tố với bắt đầu nhỏ (start small), nghĩ lớn (think big), nghĩ toàn cầu (think global) và phát triển nhanh chóng (grow fast). Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất trong khởi nghiệp là phải có một đội ngũ (team) mạnh.

Vậy startup có nhất thiết phải có đầy đủ bốn yếu tố như trên? Không phản biện trực tiếp ý kiến của vị khách mời Israel nhưng tại hội thảo, trong phần trình bày ngắn gọn của mình, ông Nguyễn Đức Tài - đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (TGDD), chia sẻ: "Khi mới bắt đầu, TGDD có một đội ngũ tốt, bắt đầu nhỏ và có sẵn tư duy phát triển nhanh. Tuy vậy, thẳng thắn mà nói, chúng tôi không có 2 yếu tố còn lại là nghĩ lớn và nghĩ toàn cầu".

Israel nổi tiếng là một quốc gia khởi nghiệp và các startup ở đó luôn có tư duy toàn cầu khi mới bắt đầu dự án. Điều này, một phần xuất phát từ chính đặc thù của quốc gia này. Theo ông Saul Singer, sở dĩ phải nghĩ đến toàn cầu vì thị trường nội địa của Israel quá nhỏ, chỉ với khoảng 8,5 triệu dân; trong khi đó thị trường ở các quốc gia lân cận gần như bế tắc. "Do vậy, startup chúng tôi không thể không nghĩ đến toàn cầu, hay nói cách khác, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác", ông Singer chia sẻ.

Sau bài nói chuyện của ông Singer và ông Tài là phần trình bày của bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); và ông Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rynan Agrifoods. Trong khi bà Dung chia sẻ về hai câu chuyện thất bại trong quá trình xây dựng và phát triển PNJ thì ông Mỹ đưa ra những lưu ý đối với các bạn trẻ khởi nghiệp.

Trong bài chia sẻ của ông Saul Singer, khi đặt yếu tố đội nhóm bên cạnh vốn, công nghệ và ý tưởng thì đội nhóm là yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp.

Tuy vậy, khi nhìn nhận khởi nghiệp trong bức tranh tổng thể thì theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, thời điểm (market timing) là yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp, bởi lẽ đơn giản, dù anh có một đội ngũ mạnh cho ra đời một sản phẩm mà thị trường chưa sẵn sàng đón nhận thì cũng không được gì.

Một khán giả đặt hỏi dành cho các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: ĐT

Giao lưu với các diễn giả

Tiếp nối ngay sau phần trình bày của từng diễn giả riêng biệt là phần giao lưu hỏi đáp giữa các diễn giả với khán giả cũng như các vị khách mời. Các câu hỏi đặt ra rất đa dạng, ngẫu nhiên và không theo một chủ đề nhất định. TBKTSG Online lược ghi một vài phần hỏi đáp tiêu biểu.

Hiện nay nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp. Vậy có nên cổ vũ phong trào này hay không?

- Ông Nguyễn Thanh Mỹ: Theo tôi là nên nhưng cần cẩn trọng và chuẩn bị kỹ trước khi khởi nghiệp. Theo thống kê chung, khi khởi nghiệp, 95% thất bại, 5% thành công. Như vậy, khi số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp càng nhiều thì càng có nhiều doanh nghiệp thành công.

- Ông Nguyễn Đức Tài: Nói là nên thì cũng không phải, mà nói là không nên thì cũng không xong. Khi khởi nghiệp mà tỷ lệ thất bại quá cao thì phải nhìn lại. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng sự tự tin của tôi đến từ những thành công. Thành công càng lớn, tự tin càng lớn. Mà trong công việc, tự tin rất quan trọng.

Ngược lại, khi thất bại, sự tự tin giảm sút. Khi đất nước có quá nhiều người thiếu tự tin liệu có tốt không?

Nếu thật sự muốn khởi nghiệp, hãy chuẩn bị thật kỹ. Tôi muốn đưa thêm một góc nhìn mở cho các bạn trẻ. Các bạn muốn trở thành một ông chủ lớn trong công ty nhỏ xíu hay trở thành một ông chủ nhỏ trong một công ty lớn? Giả sử bạn khởi nghiệp với một công ty nhỏ, doanh thu cho nhiều lắm 1 tỉ đồng/năm. Hay bạn sẽ làm một người quản lý đóng góp 0,05% trong doanh thu 2 tỉ đô la Mỹ của một doanh nghiệp lớn?

- Bà Cao Thị Ngọc Dung: Tôi cho rằng khởi nghiệp không nhất thiết là phải lập một công ty cho riêng mình. Khi bạn bắt đầu công việc ở một công ty, bạn phát triển bản thân, thăng tiến nghề nghiệp và giữ những vị trí quan trọng, khi đó bạn tạo ra giá trị cho bản thân, công ty, khách hàng và xã hội. Tôi cho rằng như vậy cũng gọi là khởi nghiệp.

Tôi có chuỗi cửa hàng đồng hồ Galle Watch. Thành lập từ năm 2003, đã có 32 cửa hàng trên cả nước. Hiện tôi gặp khó khăn trong việc mở rộng chuỗi bán lẻ. Giải pháp như thế nào?

- Ông Nguyễn Thanh Mỹ: Tôi nghĩ bạn nên cân nhắc lại mô hình kinh doanh của mình. Vấn đề nằm ở bản chất sản phẩm mà bạn đang bán. Liệu thị trường có còn cần nhiều sản phẩm này?

Liệu bạn có thể mở rộng để to như Thế giới di động? Hay có nhiều khách hàng như PNJ? Tôi cho rằng là không.

- Ông Nguyễn Đức Tài: Trong thị trường bán lẻ, hoặc bạn phát triển lớn, hoặc bạn rời khỏi thị trường. Do vậy, phải làm sao để phát triển lớn; còn không, hãy bán lại cho người khác.

Tôi phản biện ý kiến của anh Mỹ. Tôi cho rằng thị trường vẫn có nhu cầu lớn cho đồng hồ đeo tay. Và tôi đang có ý định xây dựng một chuỗi cửa hàng chuyên bán đồng hồ và mắt kính.

Chúng tôi là Vntrip.vn, một startup chuyên cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến. Làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh và chiến thắng Agoda?

- Ông Saul Singer: Bạn nên suy nghĩ về Facebook. Facebook ra đời sau Myspace, một mạng xã hội từng lớn hơn Facebook rất nhiều. Nhưng ngày nay chẳng còn ai nhớ đến Myspace cả.

Vậy vấn đề là bạn phải biết bạn có gì giỏi hơn đối thủ? Giỏi hơn cỡ nào? Và khác biệt họ ra sao?

Câu chuyện David và Goliath là một ví dụ khác để bạn tham khảo.

- Ông Nguyễn Đức Tài: Tôi nhận thấy Agoda đang bỏ lỡ phân khúc các khách sạn một sao và hai sao. Bạn có thể đánh vào phân khúc ấy rồi đi lên cạnh tranh.

- Bà Cao Thị Ngọc Dung: Doanh nghiệp nhỏ không nên cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp lớn mà nên tìm thị trường ngách mà đi. Ngày nay, chúng ta không chỉ dừng ở một sản phẩm tốt mà còn phải cung cấp được một trải nghiệm tốt cho khách hàng. Bạn là startup Việt, bạn hiểu rõ thị trường bản địa và có thể hoàn toàn tạo được những trải nghiệm riêng biệt cho khách hàng của mình.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154644/dau-la-xu-huong-khoi-nghiep-trong-tuong-lai.html/