Đâu là con người thực sự của bà Hillary Clinton?

Nếu đánh bại ông Donald Trump trong ngày bầu cử 8/11 tới đây, bà Hillary Clinton sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Từng là Đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng, cuộc đời của người phụ nữ quyền lực này đã trải qua rất nhiều dấu mốc quan trọng.

Dù nổi tiếng khắp nước Mỹ và thế giới, nhưng không nhiều người biết được con người thực sự của bà Hillary Clinton. Nhiều người dân Mỹ tỏ ra không tin tưởng bà. BBC đã có bài viết khám phá hành trình từ Chicago tới Nhà Trắng và nỗ lực lần thứ hai để quay trở lại đây của bà Clinton.

26/10/1947, sinh ra tại Chicago

Dorothy Rodham, 28 tuổi, kết hôn với ông Hugh năm 1942 khi đang mang thai con gái đầu lòng, Hillary. Phải trải qua tuổi thơ khốn khó, bị cha mẹ bỏ rơi, bà Dorothy quyết tâm không lặp lại sai lầm này. Trong khi đó, chồng bà lại là một người nóng tính và có khuynh hướng bảo thủ, ông Hugh từng là hướng dẫn viên thể dục trong Hải quân Mỹ thời Thế chiến thứ II. Cha của bà Hillary luôn thúc đẩy con cái phải đạt được thành công. “Mọi điều mà một người đàn ông làm được thì con cũng có thể làm được” là câu nói ông thường xuyên nhắc nhở bà Hillary.

Cuộc gặp gỡ với Martin Luther King đã có tác động mạnh tới bà Clinton. Nguồn: BBC

15/4/1962: Gặp gỡ Martin Luther King

Tại một buổi tối mùa xuân ở Chicago, một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất ở Mỹ đã có bài phát biểu khuấy động tại sảnh trung tâm thành phố. Sau khi hoàn thành bài nói chuyện về nhân quyền và tương lai của nước Mỹ, ông King đã bắt tay một cô gái 15 tuổi đến từ khu vực ngoại ô Chicago, nơi chủ yếu tập trung nhiều người da trắng thủ cựu.

Hillary Clinton cho biết cuộc gặp gỡ này đã có một tác động mạnh tới bà, ngoài ra còn có một vị mục sư cũng có sức ảnh hưởng không nhỏ tới bà, là ông Don Jones, người đã khuyến khích bà Clinton tới tham dự buổi tối này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn duy trì tình bạn với ông Jones cho đến khi ông mất năm 2009. “Ông ấy đã dạy tôi ý nghĩa của niềm tin vào hành động”, bà phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm ông Jones.

1964: Cô gái của Goldwater

Mặc dù hiện là ứng viên của đảng Dân chủ nhưng bà Hillary từng là thành viên của nhóm Cộng hòa trẻ khi còn đi học và từng vận động cho Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Barry Goldwater. Ông Goldwater, bang Arizona, được mệnh danh là Quý ông bảo thủ”.

Bài luận năm 1960 của ông có sức ảnh hưởng to lớn, góp phần hình thành nên khuôn mẫu làm việc cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan, giúp định hình phần lớn quan điểm chính trị của thành viên đảng Cộng hòa hiện tại. Còn quá trẻ để tham gia bầu cử, bà Hillary sau này đã viết rằng tính cá nhân của Goldwater đã thu hút bà. “Tôi không sinh ra để làm một thành viên đảng Dân chủ”, bà từng nói.

1969: ĐH Wellesley College, đổi phe

Tuy nhiên, phe phái chính trị của bà Hillary đã thay đổi khi bà vào đại học. “Tôi băn khoăn tự hỏi liệu có thể trở thành một người mang đầu óc bảo thủ với một trái tim tự do?”, bà hỏi ý kiến của ông Don Jones.

Vì vậy, khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp năm 1969, vị trí chính trị của bà đã được củng cố chắc chắn. Trong bài phát biểu trước toàn trường Wellesley, bà đã thẳng thắn đáp trả lại Thượng nghị sĩ Edward Brooke, khách mời phát biểu ngay trước đó, về vai trò và quyền lợi của sinh viên. Bài nói ứng biến đầy ấn tượng của Hillary đã khiến bà được cả nước chú ý.

Sau khi nhập học khoa luật, ĐH Yale, bà đã gặp gỡ một chàng trai trẻ theo chiều hướng chính trị tự do đến từ Arkansas, đó là William Jefferson Clinton và quyết định thay đổi quan niệm chính trị của mình. Từ đó cho đến nay, bà Hillary là một thành viên đảng Dân chủ.

1972: Vận động cho McGovern

Tại Yale, bà Hillary và ông Bill nhanh chóng trở nên không thể tách rời. Cả hai cùng nhau thuê nhà và sống chung tại New Haven, Connecticut. Cùng lúc đó, họ bắt đầu con đường hoạt động chính trị lâu dài bên nhau.

Năm đó, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ là George McGovern, một người công khai lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong quá trình học, ông Bill và bà Hillary đã quyết tâm vận động tranh cử cho ông McGovern. Dù cả hai đã tới Texas để tham gia các nhiệm vụ của chiến dịch tranh cử nhưng đây lại là một cuộc chiến không thể giành chiến thắng.

Bà Clinton tham gia quá trình điều tra vụ Watergate, liên quan đến Tổng thống Richard Nixon. Nguồn: BBC

1974: Watergate – Điều tra Tổng thống

Vào tháng 1, Hillary đang ở cùng Bill tại Arkansas thì nhận được một cú điện thoại đề nghị một công việc có thể giúp hai người bắt đầu sự nghiệp của mình. Văn phòng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ muốn làm sáng tỏ vụ tham nhũng liên quan trực tiếp tới Tổng thống Mỹ.

Hai năm sau chiến thắng lớn, Richard Nixon đối mặt với tình trạng mất uy tín trầm trọng. Khi đó, John Doar được chỉ định làm người chịu trách nhiệm điều tra vụ việc và ông đã gọi cho bà Hillary. Bill được đề cử cho vị trí Thống đốc, tuy nhiên sau đó ông đã từ chối và bà Hillary chấp nhận. Khi chỉ mới 26 tuổi, bà Hillary đã tham gia nhóm luật sư sàng lọc các bằng chứng để khởi tố vị Tổng thống thứ hai gặp phải tình huống tương tự trong lịch sử nước Mỹ.

11/10/1975: Kết hôn ở Arkansas

Sau khi ông Nixon từ chức, bà Hillary vật lộn với câu hỏi phải làm gì tiếp theo. Viễn cảnh ở Washington tươi sáng hơn nhưng bà yêu ông Bill và Bill thì lại ở Arkansas. Vì vậy, bà đã nhận công việc dạy luật ở ĐH Arkansas, cùng nơi với ông Bill. Ở thời điểm đó, bà Hillary đã nhiều lần từ chối lời cầu hôn của ông Bill. Nhưng sau khi chuyển về Arkansas bà đã đồng ý.

Họ kết hôn ngay tại phòng khách của nhà vào tháng 10/1975. Bà Hillary mặc một chiếc váy cưới mà bà mới đi mua cùng mẹ mình đêm hôm trước. Con gái của hai người, Chelsea, sinh năm 1980.

1978: Đệ nhất phu nhân Arkansas

Bà Hillary làm việc tại Công ty luật Rose còn chồng bà nuôi những tham vọng chính trị của riêng mình khi ông đầu tiên là Giám đốc sở tư pháp và sau đó là Thống đốc bang Arkansas. Bà Hillary trở thành bạn đồng hành của ông Bill, với một lý lịch không giống các phu nhân thống đốc điển hình vì vậy bà nhận được sự chú ý lớn.

Dù chồng có mức lương 35.000 USD/năm nhưng bà Hillary cũng là một người giỏi kiếm tiền trong gia đình. Nhà Clinton đã đầu tư thành công vào nhà ở và bất động sản cùng với người quen cũ, Jim McDougal. Ông Bill từng ra khỏi vị trí thống đốc năm 1980 nhưng đã tái đắc cử năm 1982. Khi đó, bà Hillary mới đổi tên theo họ chồng, thành Hillary Rodham Clinton.

Bill và Hillary kết hôn năm 1975 ở Arkansas. Nguồn: BBC

1992: Tuy hai mà một

Bà Hillary là một người đồng hành năng nổ trong chính quyền của ông Bill tại bang Arkansas. Sự khăng khít của hai người đã trở thành tâm điểm của truyền thông. “Mua một, tặng một miễn phí”, ông Bill nói đùa trong buổi vận động tranh cử ở New Hampshire. Giới truyền thông đã chớp lấy cơ hội để cho rằng ham muốn bí mật của bà Hillary là trở thành “đồng Tổng thống”.

Quan hệ vợ chồng của bà Hillary có phần trở nên căng thẳng khi xuất hiện nhiều cáo buộc về mối quan hệ 12 năm của ông Bill và bà Gennifer Flower. Bill và Hillary đã phủ nhận mọi đồn đoán trên truyền hình và vào ngày 3/11 cùng năm, ông Bill được bầu làm Tổng thống Mỹ và bà Hillary nghiễm nhiên trở thành Đệ nhất phu nhân.

1995: Phụ nữ và chăm sóc y tế

“Không hề có cuốn số tay thực hành nào cho Đệ nhất phu nhân”, bà Hillary viết trong hồi ký của mình. Và bà quyết tâm phục vụ đất nước hết lòng nhưng không mất đi tiếng nói của riêng mình. Ông Bill muốn bà Hillary là một phần trong chính quyền của mình. Bà được giao nhiệm vụ cải cách y tế.

Hàng triệu người dân Mỹ đối mặt với nỗi lo tài chính khi họ đổ bệnh. Song cải cách lại là một vấn đề dễ gây bất hòa và vai trò lãnh đạo của bà Hillary lại càng gây tranh cãi. Điều này đã thất bại, bà Hillary vẫn tiếp tục đấu tranh. Sau đó, tại Bắc Kinh, bà đã có bài phát biểu về vấn đề này, giúp định hình xu hướng cải cách đồng thời đưa quyền lợi của của phụ nữ trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự toàn cầu.

Bà Clinton trở thành Đệ nhất phu nhân bang Arkansas rồi Đệ nhất phu nhân Mỹ. Nguồn: BBC

1996: Chấn động bởi scandal Whitewater

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Clinton, có một vài cáo buộc về các hợp đồng bất động sản trái phép với Jim McDougal của vợ chồng ông Clinton những năm 1970. Điều tra độc lập đã không tìm thấy bằng chứng sai phạm nhưng vẫn được tiếp tục.

Tháng 1/1996, bà Hillary nhận được tráp hầu tòa, trở thành Đệ nhất phu nhân đầu tiên phải tiếp nhận điều tra. Sau bốn tiếng thẩm vấn, bà rời tòa án để đối mặt với các phóng viên đang đợi. Nhiều bài báo đã để ý tới chiếc áo khoác thêu hình con rồng của bà Clinton đến nỗi Nhà Trắng buộc phải lên tiếng đính chính rằng chiếc áo khoác này không mang một ý nghĩa đặc biệt nào.

1998: Người phụ nữ mang tên Lewinsky

Dù các nhà chức trách không tìm được bằng chứng hoạt động phi pháp nào của bà Hillary nhưng lại “đào xới” được mối quan hệ khiến cả bà và thế giới “choáng váng”. Ông Bill tái đắc cử năm 1996 với 49% phiếu bầu nhưng mối quan hệ của ông với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky đã khiến nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng như cuộc hôn nhân với bà Clinton gặp không ít sóng gió.

Ban đầu ông chối bỏ mối quan hệ này và bà Hillary tin tưởng ông, đổ lỗi cho thuyết âm mưu của phe cánh hữu. Nhưng vào một buổi sáng thứ 7, bà Hillary tỉnh dậy với tin tức sốc từ phía chồng mình, ông đã thừa nhận vụ bê bối này. “Điều đó có nghĩa là gì? Ông đang nói gì vậy? Tại sao lại nói dối tôi”, bà Hillary nói trong tiếng khóc.

1999: Dám cạnh tranh

Khi chồng mình đang phải chịu nhiều điều tiếng, thì bà Hillary lại hướng về phía trước. Trong khi Thượng viện đang quyết định tương lai của ông Bill, thì bà Hillary đã quyết định bước đi tiếp theo. Khi thượng nghị sĩ New York tuyên bố nghỉ hưu, tên của bà Hillary đã nhanh chóng được giới thiệu thay thế. Nhưng khi đó bà chưa hẳn đã chắc chắn bởi áp lực chính trị và những căng thẳng trong chiến dịch tranh cử đã khiến bà phải suy nghĩ.

Tuy nhiên một bộ phim tài liệu về phụ nữ chơi thể thao đã giúp bà Clinton có được động lực. Tại một sự kiện công cộng, một nữ vận động viên trẻ đã thì thầm vào tai bà rằng: Hãy dám cạnh tranh”. Từ đó đến nay, bà Hillary đã đưa tên tuổi của mình lên một tầm cao mới và giành nhiều thắng lợi, trở thành Đệ nhất phu nhân đầu tiên được bầu vào một cơ quan công quyền.

11/9/2001: Sự kiện tháp đôi

Chỉ chưa đầy một năm khi bà bắt đầu nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ đầu tiên, bà Hillary cùng với toàn bộ người dân Mỹ phải trải qua tình trạng sốc và đau đớn khi khủng bố tấn công tòa tháp đôi ở New York. Gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.

Bà Clinton đã huy động được 21 tỷ USD tiền viện trợ liên bang cho thành phố New York chỉ vài tháng sau vụ việc trên. Và bà tiếp tục đấu tranh để bồi thường cho những người tham gia cứu trợ như cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế, rất nhiều người trong số họ cũng đã qua đời vì các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Cảm giác quyền lực và sự nhanh nhạy với các vấn đề của bà Clinton khi đó đã dành được sự ngưỡng mộ rộng rãi trong các thành viên đảng Dân chủ.

Bà Clinton thất bại trước ông Obama trong nỗ lực tranh cử đầu tiên vào Nhà Trắng năm 2008. Nguồn: BBC

2008: Nỗ lực tranh cử đầu tiên

Tái đắc cử Thượng nghị sĩ một cách dễ dàng vào tháng 11/2006, bà Hillary chuyển sự chú ý một lần nữa đến Nhà Trắng. Tham gia chiến dịch tranh cử như một ứng viên tiền tiêu cho vị trí ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ, bà Hillary đối đầu với Thượng nghị sĩ trẻ Barack Obama.

Tuy nhiên, bê bối từ những năm 1990 tiếp tục làm hỏng danh tiếng của bà Hillary đối với cử tri, các cuộc thăm dò hồi tháng 4 cho thấy 61% người được hỏi cho rằng bà không thành thật. Thông điệp về hy vọng và sự thay đổi đã giúp ông Obama giành chiến thắng cuối cùng, còn bà Clinton buộc phải thừa nhận thất bại trong nỗ lực đầu tiên để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

2009: Ngoại trưởng

Sau khi không giành được vị trí ứng viên của Đảng, bà Hillary thu mình đứng sau chiến dịch của ông Obama. Khi ông đánh bại đối thủ John McCain cũng là lúc bà Hillary nhận được một cú điện thoại từ ông Obama và đề nghị bà làm Ngoại trưởng Mỹ.

Thay vì đồng ý ngay, bà đã liệt kê danh sách các ứng viên tiềm năng khác nhưng cuối cùng bà đã thay đổi suy nghĩ. “Nếu vai trò đảo ngược, tôi cũng cực kỳ muốn có ông Obama trong nội các của mình”, bà nói. Là người phụ nữ thứ ba đảm nhiệm vai trò này, bà Clinton rất tích cực trong các hoạt động đối ngoại khi tới thăm 112 quốc gia và đi gần 2 triệu km. Kinh nghiệm từ thời Đệ nhất phu nhân đã chứng minh được giá trị của bà Clinton trong việc thúc đẩy quan hệ với lãnh đạo các nước trên thế giới.

Bà CLinton giải trình trước Ủy ban Quốc hội về vụ bốn công dân Mỹ thiệt mạng tại Benghazi. Nguồn: BBC

2012: Mạng sống của bốn công dân Mỹ

Mặc dù nhận được sự tán dương của rất nhiều thành viên đảng Dân chủ nhưng quãng thời gian tại Bộ Ngoại giao của bà Clinton không phải là không có sóng gió. Ngày 11/9/1012, những kẻ tấn công đã nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, giết chết 4 công dân Mỹ, trong đó có đại sứ Mỹ tại Libya, Chris Stevens.

Đảng Cộng hòa và giới truyền thông bảo thủ đã lên tiếng xúc phạm, chỉ trích chính quyền ông Obama và đặc biệt là Ngoại trưởng Hillary Clinton đã không có những cảnh báo an ninh sớm trước khi vụ tấn công xảy ra. Giữa lúc chịu nhiều chỉ trích, bà Clinton quyết định từ chức vào tháng 2/2013, tuy nhiên cuộc điều tra vẫn được tiếp tục.

2015: Bê bối thư điện tử

Các cuộc điều tra vụ Benghazi không tìm thấy nhiều bằng chứng về những sai phạm của bà Clinton nhưng một ủy ban thứ hai đã được giao nhiệm vụ tiếp tục điều tra sâu hơn. Trong quá trình này, một bê bối khác lại nổi lên đó là việc bà Hillary sử dụng thư điện tử cá nhân để giải quyết công việc khi còn làm Ngoại trưởng.

Nhiều người cho rằng việc sử dụng email cá nhân đã làm rò rỉ các thông tin an ninh mật và bà Clinton buộc phải giao nộp hàng chục nghìn thư điện tử. Các nhà chỉ trích cánh hữu yêu cầu bà Clinton phải bị điều tra và truy tố hình sự. Tuy nhiên đến tháng 7/2016, FBI tuyên bố bà Clinton không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng những đối thủ chính trị của bà vẫn tiếp tục yêu cầu điều tra.

Những người ủng hộ ông Trump yêu cầu bà Clinton phải bị truy cứu hình sự và bỏ tù vì bê bối thư điện tử. Nguồn: BBC

2016: Đánh bại Bernie

Năm 2015, bà Clinton tuyên bố lần thứ hai tham gia chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng. Là ứng viên nổi bật nhất, một lần nữa bà tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, các cử tri trẻ sau đó đã nhanh chóng đứng về phía ông Bernie Sanders. Dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng ông Bernie vẫn chưa thể vượt qua bà Hillary trong cuộc đua giành vị trí ứng viên của đảng Dân chủ. Tháng 7/2016, bà Clinton chính thức thành người phụ nữ đầu tiên được một đảng lớn đề cử tranh cử Tổng thống Mỹ.

11/2016: Ngày bầu cử Tổng thống

Vào ngày 8/11 tới, hàng triệu công dân Mỹ sẽ đi bầu cho Tổng thống tiếp theo, sẽ là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump? Trước đây, từng có một vài ứng viên trong lịch sử có bề dài kinh nghiệm và chặng đường hoạt động chính trị lâu dài như bà Clinton. Nhưng dù cho như vậy, nhiều người vẫn tỏ ra không chắc chắn về những mục đích của bà.

Bà Clinton không phải là Donald Trump và đối với nhiều người dân Mỹ chỉ cần như thế là đủ để họ bỏ phiếu cho bà. Nhưng cũng còn nhiều người khác sẽ không bị bà thuyết phục dễ dàng như vậy.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dau-la-con-nguoi-thuc-su-cua-ba-hillary-clinton-post213229.info