Dấu hỏi về chủ sở hữu Công ty Vietstar?

Bộ GTVT đang đề nghị Chính phủ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt ( công ty Vietstar). Theo hồ sơ cấp phép, công ty Vietstar là 'công ty mẹ' của công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (VSA) - doanh nghiệp có vốn góp của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, chính Bộ này lại đang đặt dấu hỏi: Ai là chủ sở hữu công ty Vietstar?

BQP đặt dấu hỏi về tính pháp lý của VSA sau khi cơ cấu lại cổ đông

BQP đặt dấu hỏi về tính pháp lý của VSA sau khi cơ cấu lại cổ đông

Được biết, theo quyết định số 882/QĐ-BQP ngày 24/3/2010, cổ đông sáng lập VSA gồm: công ty sữa chữa máy bay A41: 25%; Cty CP Hàng không Ngôi sao Việt 60%, cty CP Tín Thành 15%.

Tuy nhiên, theo bản thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 của VSA thì cổ đông hiện hữu của VSA đã có sự thay đổi của 02 pháp nhân. Cụ thể, xuất hiện công ty Logistic Ngôi sao Việt và Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi sao Việt (Công ty Vietstar). Bộ Quốc Phòng cho rằng đã không được biết 2 pháp nhân mới này xuất hiện từ khi nào vì vậy đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của các công ty này khi tham gia thay thế các cổ đông sáng lập tại VSA.

Việc một doanh nghiệp có 25% vốn góp của Bộ Quốc phòng và được giao thực hiện dự án trên rất nhiều vị trí đất quốc phòng tại các sân bay lớn nhưng chủ sở hữu doanh nghiệp là ai, năng lực của cổ đông hiện hữu như thế nào cơ quan chức năng tham mưu giúp Bộ lại không được biết là điều rất kỳ lạ. Nhất là, được biết, đơn vị tham mưu của Bộ này đã nhiều lần yêu cầu VSA cung cấp hồ sơ chứng minh năng lực của cổ đông hiện hữu nhưng không được phúc đáp.

Cơ cấu Hội đồng quản trị của VSA cũng được cho là trái với quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Sở dĩ tính pháp lý của VSA sau khi cơ cấu lại cổ đông, chuyển đổi loại hình và thay đổi tên gọi của doanh nghiệp này được quan tâm là bởi khi cam kết thành lập VSA, các cổ đông sáng lập thỏa thuận và công nhận công ty A41 có 25% vốn góp không bằng tiền, tương đương 200 tỷ đồng trên tổng số 800 tỷ đồng vốn điều lệ. Trách nhiệm của VSA trước pháp luật là 800 tỷ đồng. Nếu các cổ đông chỉ góp theo tỷ lệ như cơ cấu vốn điều lệ thì vẫn còn thiếu trên thực tế là 25% vốn bằng tiền mặt. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, các bên góp vốn rũ bỏ trách nhiệm đối với 25% vốn góp thì lúc này Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm đối với phần vốn này.

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của VSA cũng không mấy sáng sủa. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2015, VSA trong tình trạng thiếu hụt nguồn tiền nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp này năm 2015 gần bằng không, năm 2014 lỗ. Doanh nghiệp này không đảm bảo khả năng thanh toán hiện hành, tỷ suất thanh toán hiện hành (tài sản ngắn hạn/ nợ ngắn hạn) chỉ đạt 0,36 lần, nhỏ hơn 1. Vốn đầu tư vào công ty con cao nhưng không hiệu quả (đầu tư vào Cty CP kỹ thuật hàng không Ngôi sao Việt 30 tỷ năm 2014 và 2015 nhưng không có lợi nhuận).

Đặc biệt, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, trong thời hạn 03 năm các cổ đông sáng lập phải góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký. VSA được thành lập từ năm 2010 nhưng đến thời điểm báo cáo tài chính năm 2015 vốn góp của các cổ đông hiện hữu mới chỉ có 652/800 tỷ đồng.

Thêm vào đó, như Ngày Nay đã thông tin, việc đầu tư góp vốn của các cổ đông vào VSA đang có sự đầu tư chéo vào nhau, thiếu minh bạch.

Ngày Nay sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Hà Linh

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/kinh-te/dau-hoi-ve-chu-so-huu-cong-ty-vietstar-31513.html