Đấu giá quyền sử dụng đất vẫn “vướng” - Bài 2: Người ngoại tỉnh khó “đặt chân”

(PL&XH) - Nhu cầu tham gia đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội của người dân ở các địa phương khác ngoài Hà Nội là rất cao.

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo PL&XH, Ths, LS Quản Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đấu giá số 5 Quốc gia nhấn mạnh, với các điều kiện đặt ra với người tham gia đấu giá QSDĐ được quy định trong Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 14-9-2011 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội thì “vô tình” đã “làm khó” người ngoại tỉnh nếu muốn tham gia.

- Thưa ông, theo tìm hiểu thì thời gian vừa qua, số lượng người dân ở các địa phương khác ngoài Hà Nội tham gia đấu giá chưa nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 24, Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND thì hồ sơ dự đấu giá của người tham gia đấu giá phải bao gồm cả “bản sao hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (nếu hộ khẩu bị thất lạc thì phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền); các giấy tờ chứng minh có việc làm ổn định, đã đóng bảo hiểm xã hội (đối với người không có hộ khẩu tại Hà Nội)”.

Quy định như vậy “vô tình” “làm khó” người không có hộ khẩu tại Hà Nội muốn tham gia đấu giá QSDĐ trên TP Hà Nội. Vì không phải người ngoại tỉnh nào cũng thỏa mãn được các điều kiện về “việc làm ổn định” và “đã đóng bảo hiểm xã hội”. Nhiều trường hợp người dân các tỉnh dù không có việc làm ổn định nhưng bằng nhiều “kênh” khác nhau như qua kinh doanh buôn bán, qua tích lũy, qua nguồn kiều hối từ người thân đang làm ăn sinh sống từ nước ngoài gửi về… họ có được nguồn tiền nhất định và có tìm kiếm cơ hội từ các phiên đấu giá QSDĐ của TP để sớm an cư, ổn định cuộc sống.

“Thêm vào đó, xét trên tình hình điều kiện kinh tế, đời sống của người dân hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội thì nhu cầu của người dân Hà Nội tham gia đấu giá QSDĐ để giao đất hoặc thuê đất là không cao. Do vậy rất khó khăn để đảm bảo khách quan về số lượng người tham gia đấu giá để đủ điều kiện tổ chức phiên đấu giá QSDĐ theo quy định”.

Ths, LS Quản Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đấu giá số 5 Quốc gia. Ảnh: Đỗ An

Đấu giá QSDĐ đã và đang mang lại nguồn thu ngân sách chính của hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay tại nhiều quận, huyện, dù đã có thông báo mời đấu giá nhưng việc đấu giá vẫn không thực hiện được do không đủ số lượng người tham gia theo quy định. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Khác với những tài sản thông thường khác, QSDĐ là tài sản đặc biệt, theo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quản lý, ngoài ra thường là loại tài sản có giá trị lớn, nên cần thiết phải quy định về số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu đối với trường hợp tổ chức đấu giá riêng từng thửa đất hoặc trường hợp tổ chức đấu giá nhóm nhiều thửa đất.

Hiện điểm a Khoản 2 Điều 24 của Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 14-9-2011 của UBND TP Hà Nội cũng đã có quy định: “Số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu phải là 5 đối tượng cho trường hợp đấu giá lần lượt từng thửa đất (các cá nhân tham gia đấu giá cùng một thửa đất không có quan hệ huyết thống là bố, mẹ, con và anh em ruột; không có quan hệ hôn nhân là vợ, chồng).

Nếu toàn bộ số thửa đất được đưa ra tổ chức đấu giá một lần hoặc được chia thành nhóm nhỏ các thửa đất (không nhỏ hơn 10 thửa và có cùng giá khởi điểm) thì số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu phải bằng 2 lần số lượng các thửa đất”.

Nhiều trường hợp nhu cầu người tham gia đấu giá lớn mà việc đấu giá vẫn không thực hiện được. Từ đó các đơn vị tổ chức đấu giá và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, giảm tính hiệu quả trong công tác và tổn thất kinh tế nếu phải hoãn phiên đấu giá.

Vậy có thể khắc phục những bất cập trong công tác bán đấu giá QSDĐ nêu trên thế nào thưa ông?

Theo tôi, hiện nay, quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động đấu giá QSDĐ khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất còn chưa đầy đủ và nhiều hạn chế. Tại mỗi tỉnh, thành, lại ban hành các quyết định riêng điều chỉnh hoạt động này, và tất yếu xảy ra nhiều bất cập, chồng chéo, vướng mắc trong thực thi trên thực tế. Thậm chí, một số các quy định về cùng một nội dung tại các VBQPPL còn chưa có sự thống nhất.

Do đó, để đảm bảo công tác tổ chức bán đấu giá QSDĐ trên địa bàn TP thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới, tôi cho rằng, các cấp, ban ngành có thẩm quyền cần rà soát, xem xét và sửa đổi những quy định pháp luật chưa phù hợp, chưa thống nhất.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(Còn nữa)
Thanh Hải – Đỗ An (thực hiện)

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20140213091326425p0c1002/dau-gia-quyen-su-dung-dat-van-vuong-bai-2-nguoi-ngoai-tinh-kho-dat-chan.htm