Đau đầu để thực hiện nông thôn mới

Cộng đồng các dân tộc ở nông thôn phải vật lộn với khó khăn, thách thức để phấn đấu chuẩn hóa nông thôn mới.

Theo TS. Ngô Văn Hải - Trung tâm Tư vấn Phát triển NNNT (CCARD), chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc ở nông thôn miền núi đang phải "vật lộn" với vô vàn khó khăn, thách thức để phấn đấu chuẩn hóa các tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Con đường được xây dựng trong chương trình NTM ở Quảng Nam.

Trong đó đặc biệt nan giải là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng (Giao thông nông thôn; Hệ thống công trình thủy lợi; Nước sạch); Các tiêu chí về phát triển sản xuất, thu nhập và giảm tỉ lệ hộ nghèo.

TS. Hải cho rằng, xuất phát điểm thực hiện đề án xây dựng NTM ở các địa phương miền núi có nhiều đặc điểm rất đặc thù, tạo ra những khó khăn nhất định trong xây dựng mục tiêu NTM.

Các vấn đề khó khăn được đánh giá gồm diện tích tự nhiên của các xã miền núi, phần lớn là diện tích đồi núi, suối và rừng, 1 xã miền núi có diện tích có thể gấp 5 – 10 lần 1 xã ở vùng đồng bằng.

Sinh kế chính của 98% các hộ gia đình ở nông thôn miền núi là sản xuất nông lâm nghiệp.

Điều kiện giao thông, thủy lợi khó khăn, mức độ thâm canh kém nên giá trị nông sản thu trong 1 năm trung bình chỉ được từ 15-20 triệu đồng/ha đất nông nghiệp.

Mức thu nhâp bình quân trên nhân khẩu từ đó cũng thấp, tỉ lê hộ nghèo ở nông thôn miền núi ở nhiều địa phương vẫn còn 20 – 30%, thậm chí có vùng cao vùng sâu vẫn còn 46 - 50% số hộ ở diện nghèo.

Vùng nông thôn miền núi nếu có doanh nghiệp thì chủ yếu là các doanh nghiệp lâm nghiệp với nhiệm vụ chính là trồng và bảo vệ rừng. Nguồn thu trực tiếp không đáng kể nên các doanh nghiệp này đóng góp tài chính cho quỹ xây dựng nông thôn mới tại địa phương cũng rất khiêm tốn.

Trong khi đó, thời gian thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM và tăng thu nhập, giảm hộ nghèo ở miền núi sẽ phụ thuộc rất chặt chẽ vào khả năng huy động các nguồn vốn tại địa phương. Các nguồn vốn này trong hiện tại là rất hạn chế.

"Khát" vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải vì sao lộ trình xây dựng nông thôn mới ở NT miền núi là khó đạt đích đúng dự kiến.

Giảm tiêu chí nông thôn mới, đẩy "miền núi sớm kịp miền xuôi"

TS. Ngô Văn Hải cho rằng, xây dựng NTM ở địa bàn nông thôn miền núi cần phải có một cách đặt vấn đề đúng mức.

"Chúng tôi thấy rằng việc điều chỉnh giảm mức tiêu chí NTM ở nông thôn miền núi là cần thiết vì một thực tế miền núi, vùng sâu vùng xa luôn luôn và đương nhiên phát triển kém hơn các vùng đồng bằng đông dân. Tuy nhiên, muốn để mục tiêu "đưa miền núi tiến kịp miền xuôi" không phải là khẩu hiệu sáo rỗng và duy ý chí thì trong thực hiện Chương trình NTM" - TS. Ngô Văn Hải nhận định.

TS. Hải lấy một số dẫn chứng như việc soạn bộ tiêu chí đặc thù cho đề án NTM ở khu vực miền núi tại Nghệ An.

Xây dựng đường và kênh mương ở Nghệ An

Năm 2016, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương chỉ đạo các huyện miền núi cao xây dựng NTM từ thôn, bản xây dựng tiêu chuẩn phấn đấu phù hợp dựa trên cơ sở bộ tiêu chí NTM do Trung ương ban hành.

Theo quy định này, thôn, bản chỉ thực hiện 14 tiêu chí NTM, các huyện chỉ đạo các xã lựa chọn thôn, bản để thực hiện; lập kế hoạch, giám sát, kiểm tra, đôn đốc; hàng năm tổ chức thẩm định, đánh giá và quyết định công nhận các xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Tăng cường hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Chính sách hỗ trợ về vốn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình tổ chức sản xuất mới cần chú trọng để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa và miền núi trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm sản; đồng thời nhân rộng mô hình khoa học- công nghệ ở các xã khó khăn.

Tỉnh Hà Giang có kinh nghiệm xây dựng và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển cộng đồng trong chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Năm 2013, UBND tỉnh Hà Giang quyết định hình thành 2 nguồn quỹ, Quỹ phát triển xã và Quỹ phát triển thôn.

Quỹ phát triển cộng đồng xã, được sử dụng chi hỗ trợ cho Quỹ phát triển thôn; cho các hộ, nhóm hộ trên địa bàn xã vay để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo trong trường hợp hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh; Khen thưởng cho các thôn, các hộ dân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình; trang trải các khoản chi phí quản lý quỹ.

Quỹ phát triển thôn được sử dụng cho các hộ dân hoặc nhóm hộ trong thôn vay để tạo thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm; Chi trả thù lao cho người dân nhận khoán bảo dưỡng, duy trì các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương và bảo vệ rừng ...

2 quỹ này được thực hiện thí điểm tại 82 thôn của 41 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/thôn tổng số tiền là 2.460 triệu đồng.

Nguồn quỹ này đã góp phần tích cực trong việc giải quyết được phần nào nhu cầu vốn phát triển sản xuất và tạo thu nhập cho người dân ngay tại địa phương như chăn nuôi vỗ béo đại gia súc, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá, trồng rau màu theo hướng hàng hóa...

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dau-dau-de-thuc-hien-nong-thon-moi-3341094/