Dấu chấm hết cho mâu thuẫn lợi ích

Thủ tướng đã ký ban hành nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.5. Với Nghị định này, thị trường vàng Việt Nam sẽ chứng kiến những thay đổi lịch sử. Đó là sẽ có khoảng 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ phải ngưng kinh doanh vàng miếng; Nhà nước độc quyền hoạt động sản xuất vàng miếng mang thương hiệu mới SBV; Vàng sẽ được thêm vào dự trữ ngoại hối quốc gia... NCĐT đã trao đổi với ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, về những vấn đề này.

Không ít người cho rằng Nghị định 24 sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh vàng miếng của nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý cũng như việc mua bán vàng của người dân. Ông nghĩ như thế nào về những ý kiến này?

Nghị định 24 nối tiếp việc triển khai Nghị quyết 11 của Thủ tướng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định tình hình vĩ mô. Trong đó, hướng tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, thu hẹp mạng lưới tiệm vàng. Thoạt nhìn, Nghị định sẽ ảnh hưởng đến người dân và các cơ sở kinh doanh vàng, bởi vẫn có nhiều người cho rằng mạng lưới rộng là tốt. Nhưng thị trường vàng tự do hiện nay xấu nhiều hơn tốt. Với Nghị định 24, thị trường vàng sẽ đi vào ổn định.

Như vậy, Nghị định 24 là thiết thực?

Hiện nay, khi có biến động về giá, người dân liền đổ xô đi mua vàng. Bên cạnh đó, còn những vấn đề khác như tiệm vàng có khai thuế đầy đủ, có bán ngoại tệ chui hay không. Khi Nghị định 24 được ban hành, nếu doanh nghiệp có vốn đủ 100 tỉ đồng, nộp thuế nghiêm chỉnh thì được kinh doanh vàng miếng. Doanh nghiệp nào luôn tìm cách trốn thuế thì nay đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Còn đối với người dân, khi cần vàng miếng, họ có thể đến ngân hàng. Việc mua bán đều có chứng từ, ngân hàng hạch toán vào doanh thu, có doanh thu thì nộp thuế. Mọi thứ rạch ròi như vậy, không có lý do gì để không khuyến khích.

Nếu là một tờ giấy có ghi số đồng và được Ngân hàng Nhà nước phát hành, chúng ta gọi nó là tiền. Nhưng còn vàng thì tự nó đã có giá trị. Vậy việc Ngân hàng Nhà nước muốn đóng thương hiệu SBV lên vàng miếng có thực sự cần thiết?

Để giải quyết tình trạng lộn xộn của các thương hiệu vàng miếng hiện nay, Nhà nước quy về một thương hiệu là SBV. Nhà nước nay có 2 vai trò: độc quyền phát hành tiền và độc quyền phát hành vàng. Không ai cấm điều đó cả. Vàng miếng giờ có một thương hiệu duy nhất và theo chuẩn quốc gia. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu đó và nâng tầm nó lên.

Trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện như thế nào?

Hiện nay, tất cả các thương hiệu vàng trong nước khi xuất khẩu ra nước ngoài đều bị xem là vàng tạp chất. Và đối tác nước ngoài sẽ phải nấu chảy để kiểm định lại hàm lượng vàng. Vì thế, làm sao để quốc tế công nhận chất lượng vàng Việt Nam là đích mà thương hiệu SBV cần hướng đến. Tiếp đó, khi độc quyền về vàng, Nhà nước sẽ có động cơ để đưa giá vàng trong nước và thế giới lại gần với nhau hơn.

Chúng ta đã không giải quyết được chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Lý do là các công ty tư nhân kinh doanh vì lợi nhuận. Giá vàng càng chênh lệch thì họ càng được lợi. Còn Nhà nước không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà ưu tiên ổn định, điều tiết thị trường. Chính vì vậy, sắp tới, chênh lệch giá có thể sẽ ít hơn so với hiện nay.

Ông vừa đề cập đến vấn đề quản lý chất lượng vàng. Vậy nguyên nhân nào khiến chất lượng vàng Việt Nam không được tốt?

Nhân đây, tôi cũng xin nói Ngân hàng Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên trong ngành vàng Việt Nam được nhận cùng lúc 2 giấy chứng nhận ISO 9001:2008 của Tổ chức Công nhận Việt Nam và ISO/IEC 17025:2005 của QMS Australia về giám định chất lượng vàng. Nói về vàng, ACB tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng đã đi đầu trong kiểm định. Câu trả lời ở đây là mâu thuẫn lợi ích. Chính vì mâu thuẫn quyền lợi mà người ta không làm kiểm định, dẫn đến vàng Việt Nam có chất lượng kém trong một thời gian dài.

Ông có thể nói rõ hơn về mâu thuẫn lợi ích trong ngành vàng?

Thị trường vàng vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp làm vàng thiếu tuổi. Đóng mác vàng 75% nhưng thực chất là 68%, thậm chí 65%. Còn về trọng lượng, doanh nghiệp sản xuất một miếng vàng ra, cam kết sai số trọng lượng là luôn luôn dương. Sai số của Việt Nam vẫn còn kiểu cộng - trừ. Cộng - trừ đối với sản phẩm rẻ tiền thì chấp nhận được. Còn vàng rất đắt, nên không cho phép dùng sai số trừ. Doanh nghiệp làm vàng ra, đem cân thấy sai số trừ nhỏ thì cho qua. Nếu mỗi miếng vàng trừ một ít trọng lượng như vậy, trong khoảng 20 năm, tiền đẻ ra sẽ rất đáng kể. Rõ ràng, khi doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kiểm định chất lượng thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn quyền lợi.

Ông có đề xuất nào để nâng cao chất lượng thương hiệu vàng Việt Nam?

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng mô hình kiểm chứng độc lập đã được triển khai thành công tại Thụy Sĩ. Mục đích là đảm bảo chất lượng vàng luôn đồng nhất và theo tiêu chuẩn quốc gia.

Nhà nước sẽ phải làm gì sau khi đã thiết lập một trật tự mới cho thị trường vàng với Nghị định 24?

Rất có thể sau Nghị định 24 là đề án huy động vàng trong dân. Hội đồng Vàng Thế giới đã ước tính số vàng của người dân Việt Nam ít nhất là 500 tấn. Hình thức huy động có thể là thông qua chứng chỉ vàng. Khi đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân kinh doanh chứng chỉ đó, vừa có lãi, lại vừa an toàn hơn giữ vàng trong nhà.

Cùng với việc huy động vàng, Nhà nước sẽ phải tính đến chuyện làm gì với số vàng huy động được. Có thể bổ sung làm tăng dự trữ vàng quốc gia, có thể dùng để can thiệp thị trường, hoặc bán vàng tài khoản ở nước ngoài... Song điều quan trọng nhất là Nhà nước phải chứng minh được năng lực quản lý tài sản của mình. Nhà nước đã công nhận quyền sở hữu vàng của người dân, nhưng khi người dân không tin tưởng Nhà nước thì họ vẫn cứ giữ vàng ở nhà.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12147