Dấu ấn những công trình “áo giáp” Tổ quốc

QĐND - Thành tích, chiến công của Cục Công trình quốc phòng (CTQP) trong 55 năm qua luôn gắn với những công trình phòng thủ, công trình phục vụ chiến đấu từ nơi chiến trường ác liệt, biển, đảo tiền tiêu, đến biên cương của Tổ quốc. Bằng trí tuệ, sức lực, máu xương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh công trình đã thầm lặng, không quản hy sinh, gian khổ, xây dựng, củng cố hệ thống CTQP, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

QĐND - Thành tích, chiến công của Cục Công trình quốc phòng (CTQP) trong 55 năm qua luôn gắn với những công trình phòng thủ, công trình phục vụ chiến đấu từ nơi chiến trường ác liệt, biển, đảo tiền tiêu, đến biên cương của Tổ quốc. Bằng trí tuệ, sức lực, máu xương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công binh công trình đã thầm lặng, không quản hy sinh, gian khổ, xây dựng, củng cố hệ thống CTQP, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thầm lặng chiến công

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ cơ quan chức năng “thị sát” một công trình quốc phòng do Cục CTQP thiết kế, Xưởng 10 công binh (Quân khu 3) thi công, với yêu cầu cao về tiến độ, kỹ thuật, chất lượng. Cán bộ, kỹ sư Cục CTQP đã tính toán khoa học, khẩn trương hoàn chỉnh thiết kế và trực tiếp chỉ đạo thi công, có nhiều giải pháp hiệu quả xử lý nền đất yếu, sụt trượt, cát, nước đùn... ở địa bàn ven biển.

Nhiều công trình quốc phòng trên địa bàn toàn quốc, công trình xây dựng đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông… đều có sự đóng góp trí tuệ, công sức, máu xương của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục CTQP, tiền thân là Phòng Công trình (thuộc Cục Công binh, nay là BTL Công binh), thành lập ngày 7-11-1956. Mặc dù nhiều lần thay đổi về tổ chức, biên chế, tên gọi, nhưng 55 năm qua, Cục CTQP luôn hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của cơ quan đầu ngành về xây dựng CTQP và chỉ đạo kỹ thuật xây dựng CTQP toàn quân...

Có lẽ do nhiệm vụ đặc thù, Đại tá, Cục trưởng Lê Đình Tân khá kiệm lời khi nói về công việc của đơn vị. Lật giở những trang sử truyền thống, chúng tôi được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phòng Công trình sớm được giao giải quyết các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, đặc biệt là các công trình bảo vệ, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng; công trình cất giấu, bảo quản vũ khí khí tài… Các CTQP được thiết kế, xây dựng luôn bám sát thực tiễn về địch, điều kiện của ta, có giá trị khoa học, thực tiễn cao, góp phần giảm thương vong cho bộ đội, nâng cao hiệu quả chiến đấu...

Tư lệnh Binh chủng Công binh trao Quân kỳ Quyết Thắng cho Cục Công trình quốc phòng (tháng 12-2010).

Cán bộ, chiến sĩ công binh công trình vinh dự được Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng công trình phục vụ nơi làm việc của Bác; công trình bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài của Người trong những năm chiến tranh ác liệt. Hai đề tài về các giải pháp công nghệ xây dựng công trình bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (nhóm tác giả phần lớn là cán bộ Phòng CTQP) đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Tiếp cận công nghệ, trang bị tiên tiến

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng CTQP, công trình bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, tháng 12-2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định về tổ chức lại Phòng Công trình, thành Cục CTQP, với chức năng giúp Tư lệnh Binh chủng Công binh thực hiện chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng quản lý về CTQP trong phạm vi cả nước, thực hiện chức năng đầu ngành về xây dựng CTQP trong toàn quân, chỉ đạo kỹ thuật xây dựng CTQP... Mặc dù biên chế có hạn, khối lượng công việc lớn, các CTQP yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng; hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhưng Cục CTQP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

Cục CTQP đã chủ trì thẩm tra, thẩm định hồ sơ các công trình chiến đấu chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu về chiến thuật, kỹ thuật; tham mưu, đề xuất và chủ trì biên soạn hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp quy, các giáo trình, tài liệu huấn luyện chuyên ngành; kiểm tra, chỉ đạo công binh toàn quân thi công công trình chiến đấu; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng công trình phòng thủ dân sự…

Các thế hệ cán bộ công binh công trình đã nghiên cứu, giải quyết thành công nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp, như thi công công trình dưới mực nước ngầm nhiễm mặn, ở vùng đồng bằng ngập nước; thi công đường hầm qua đồi cát...Gần đây, Cục CTQP đã tham gia chỉ đạo, định hướng nghiên cứu thiết kế, chế tạo các trang thiết bị cơ giới hóa đồng bộ quá trình thi công đường hầm khâu độ vừa và nhỏ; nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ đào hầm không khe hở thi công, khoan nổ tạo viền nhẵn gắn với áp dụng thiết bị bơm bê tông, ván khuôn di động thi công cho hàng chục đường hầm đạt hiệu quả cao, an toàn, tiết kiệm.

Đại tá, Cục trưởng Lê Đình Tân cho rằng: Đơn vị có “vốn quý” là đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngành CTQP có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn giỏi, được đào tạo cơ bản, nhiều đồng chí có trình độ sau đại học. Cùng với kế thừa kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, luôn chú trọng xây dựng nguồn lực, đơn vị tích cực nghiên cứu, học tập, tiếp cận công nghệ, trang thiết bị xây dựng tiên tiến; thực hiện tốt phương châm “bí mật, chất lượng, an toàn, tiến độ, tiết kiệm”, góp phần hiệu quả tăng cường khả năng, thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, 5 năm liền (2006-2010) Cục CTQP đạt đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD; được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý; mới đây được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Nhiệm vụ thầm lặng, nhiều gian khó, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục CTQP luôn tự hào đã góp sức xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống công trình quân sự, công trình phòng thủ - những “áo giáp”, “lá chắn” bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài và ảnh: Phạm Quân - Chiến Thắng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/165576/Default.aspx