“Dấu ấn” của ông Trầm Bê tại Sacombank

Từ khi nắm quyền điều hành tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), ông Trầm Bê và con trai đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng chồng chất trong khó khăn.

Ông Trầm Bê (quê Trà Vinh) được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Năm 2012, ông bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Southern Bank để tham gia HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây, ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngày 13/8/2015, Ngân hành Nhà nước (NHNN) đã đồng ý cho SouthernBank và Sacombank sáp nhập.

Ngày 1/10/2015, Southern Bank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sát nhập theo quy định pháp luật. Cái tên Ngân hàng Phương Nam chính thức bị xóa bỏ. Sacombank tiếp nhận bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank và trở thành ngân hàng lớn thuộc tốp 5 tại Việt Nam với tổng tài sản gần 300 ngàn tỷ đồng.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỉ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

Gia đình ông Trầm Bê đã rời khỏi Sacombank

Ngay sau khi sáp nhập ngân hàng, ông Trầm Bê đã tự nguyện thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT thường trực tại Sacombank vào tháng 11/2015. Tiếp đến, vào ngày 19/08/2016 ông cũng tự nguyện rút khỏi vị trí thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Chánh (BCI), mặc dù vẫn đang sở hữu 2.657.343 cổ phiếu, tương đương 3,06% vốn điều lệ của BCI.

Trước đó, ông cũng đã tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định, điều lệ của hai ngân hàng đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu.

Ông Trầm Bê không còn trực tiếp điều hành Sacombank, nhưng con trai cả của ông, Trầm Trọng Ngân đang nổi lên với tư cách là cổ đông cá nhân nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất tại Sacombank như đã nói ở trên.

Theo số liệu ngày 31/12/2016, ông Trầm Bê sở hữu 27.650.619 cổ phiếu, ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Bê) sở hữu 89.182.687 cổ phiếu, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Bê) sở hữu 27.046.050 cổ phiếu, ông Trầm Khải Hòa (con trai) sở hữu 33.348.285 cổ phiếu, ông Lê Trọng Trí (con rể) sở hữu 2.067.853 cổ phiếu. Như vậy, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179.295.494 cổ phiếu, tương đương 9,94% vốn điều lệ của Sacombank.

Sacombank cũng vừa có báo cáo giải trình về kết quả hoạt động quý 4/2016. Theo đó, trong quý 4/2016, Doanh thu thuần (DTT) của STB là 1.410 tỷ đồng, tăng 497 tỷ đồng so với quý 4/2015, (tương đương tăng 54,43%). Nếu tính cả năm 2016, DTT của Ngân hàng là 5.119 tỷ đồng, giảm 1.495 tỷ đồng so với năm 2015 (tương đương giảm 22,6%). LNST năm 2016 của STB là 372 tỷ đồng giảm 773 tỷ đồng so với LNST năm 2015 (LNST năm 2015 là 1.146 tỷ đồng).

Về tình hình nợ, tổng nợ của STB đến ngày 31/12/2016 là 310.323 tỷ đồng, tăng 40.359 tỷ đồng (tăng 14,95%) so với thời điểm 31/12/2015 (tăng tiền gửi khách hàng, tiền vay NHNN và các tổ chức tín dụng khác); STB có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 13,5 lần tại 31/12/2016, tăng so với mức 11,95 lần tại 31/12/2014.

Tại ngày 31/12/2016, STB có 38.300 tỷ đồng chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn – chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành. Trong đó, 37.300 tỷ đồng là giá trị trái phiếu phát hành bởi VAMC, giá trị này tăng 23.158 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Giá trị trích lập dự phòng của trái phiếu phát hành của VAMC trong năm 2016 là khoảng 300 tỷ đồng. Tỷ lệ trích lập dự phòng này được ghi nhận theo phương án của đề án tái cấu trúc ngân hàng.

Như vậy, sau gần 15 tháng sáp nhập với Southern Bank, Sacombank đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu, trong khi lợi nhuận sụt giảm chóng mặt. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của Sacombank trong tương lai.

Chiều nay 24/2, NHNN đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4 năm 2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sau thông báo của NHNN phát đi, Sacombank cũng có thông cáo báo chí về nội dung này. Đồng thời cho biết, dự kiến Ngân hàng sẽ công bố báo cáo tài chính và tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 04/2017 nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, ổn định tình hình nhân sự và tổ chức, tập trung đẩy mạnh kinh doanh, phát triển hoạt động của Sacombank theo đúng định hướng chiến lược phát triển đã đề ra.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/dau-an-cua-ong-tram-be-tai-sacombank-d54901.html