Đặt tên theo Bộ luật Dân sự năm 2015: Phải đúng pháp luật nhưng tôn trọng nguyện vọng của dân

Bước đầu triển khai thi hành Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nhận được phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức trong việc hiểu và áp dụng thống nhất các quy định của BLDS. Trong đó có vấn đề về họ, tên theo quy định tại Điều 26 BLDS năm 2015.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015 nêu rõ: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.

Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”. Qua thực tiễn, hiện có những băn khoăn và hai cách hiểu khác nhau đối với điều khoản này về xác định họ theo tập quán.

Cách hiểu thứ nhất cho rằng việc xác định họ theo tập quán cần được hiểu là họ của con có thể được xác định theo tập quán nhưng vẫn phải theo họ cha hoặc họ mẹ.

Do đó, các trường hợp có tập quán đặt họ, tên không theo họ của cha, mẹ đẻ, kể cả trường hợp mẹ đơn thân sinh con trai, xác định họ của con theo tập quán (không phải họ của người mẹ) là không phù hợp quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, mặc dù có cơ sở pháp lý để các Sở Tư pháp (Thừa Thiên Huế, Phú Yên...) hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết, nhưng những trường hợp này thường gặp phải sự phản ứng của người dân.

Điển hình là trường hợp đặt tên con trai, con gái trong gia đình thuộc Nguyễn Phước tộc, tức thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn.

Theo đó, tên con trai được đặt là Nguyễn Phước hoặc Nguyễn Phúc + 1 trong 20 tên lót + tên. Đối với con gái thì đặt là Tôn Nữ + tên lót + tên. Tuy nhiên, do kỵ húy nên trên thực tế tên của nam không có Nguyễn Phúc hoặc Nguyễn Phước mà chỉ có hai thành phần phía sau (tên lót + tên) còn họ thì được ngầm hiểu.

Trong khi theo quy định của BLDS, con gái hay con trai sẽ mang họ là tên lót của người cha hoặc họ của mẹ thì người dân cho rằng không phù hợp với họ của ông nội, ông cố... và hàng loạt khó khăn khác về mặt hành chính và gia tộc sẽ phát sinh theo khiến dân không đồng tình.

Cách hiểu thứ hai cho rằng, trong trường hợp tập quán (đặc biệt là tập quán của một số ít đồng bào dân tộc thiểu số) có nội dung cho phép xác định họ của con khác với họ của cha, mẹ (chẳng hạn họ của con là tên đệm của cha, họ xác định theo phả hệ mà làng lưu giữ...) thì có thể đặt họ theo tập quán đó.

Ví dụ, đồng bào dân tộc M’nông ở Tây Nguyên có tập quán đặt tên họ không theo họ cha hay họ mẹ mà theo địa danh (như Bon Ding, Bu Prâng, Bu Prăk, Bu M’Blanh, Bu N’Jang...), theo con vật (như Pê (dê), Prus (bò), K’Lăng (trăn), Ya (cá sấu)...) hoặc ghép địa danh với con vật (như Điêng Đu K’Lăng).

Cách đặt tên người M’nông thường theo công thức sau: tên đệm + tên chính + họ (thường không ghi). Về đệm và tên của người M’nông: tên của người con trai thường được ghép với chữ đệm là Điểu, chữ Y, chữ K’ (như Điểu Noi, K’Thanh, Y Rơi), tên của người con gái được ghép với chữ đêm là H’, chữ Thị (như H’Hồng, Thị Mai, H’Rem).

Một số phân nhánh của đồng bào dân tộc Khơ-me đặt tên người cha thành họ của người con (để phân biệt những người cùng tên và có quan hệ huyết thống).

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một số cá nhân đề xuất được đặt tên con (bao gồm cả chữ đệm) bằng cách ghép giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài, như Nguyễn Nhật Randy Thành, Trần Antonio Nam, Close Nguyễn Dean, Nguyễn John, Lê Maika...

Tuy nhiên, Điều 26 BLDS năm 2015 đã khẳng định “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”.

Để giải quyết các yêu cầu này, có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài mà có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, nếu cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì họ của con có thể xác định theo họ của cha hoặc của mẹ là người nước ngoài, nhưng tên gọi (bao gồm cả chữ đệm) phải là tên tiếng Việt, không chấp nhận việc đặt chữ đệm, tên ghép giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 26 BLDS.

Ngược lại, có quan điểm lại cho rằng BLDS cũng như các văn bản khác đều chưa có quy định cụ thể về thứ tự sắp xếp họ, chữ đệm, tên (việc hiểu và sử dụng theo trình tự: họ - chữ đệm - tên chủ yếu là do thói quen).

Nếu hiểu quy định tại khoản 1 Điều 26 BLDS tên bao gồm cả chữ đệm (nếu có) là có phần khiên cưỡng, hạn chế sự lựa chọn của người dân, dễ dẫn đến phản ứng của người dân.

Từ năm 2008 đến năm 2015, pháp luật dân sự, pháp luật hộ tịch cũng đã cho phép đặt tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài khi đăng ký khai sinh cho con theo quy định tại điểm c khoản 1 mục III Thông tư số 11/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

Tiếp nhận những phản ánh trên, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng trong mọi trường hợp, Bộ Tư pháp cần có công văn hướng dẫn các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện nghiệp vụ liên quan đến vấn đề đặt họ, tên đúng với quy định của BLDS năm 2015, đồng thời có sự linh hoạt để đảm bảo tôn trọng nguyện vọng của người dân.

Thư Hoàng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/dat-ten-theo-bo-luat-dan-su-nam-2015-phai-dung-phap-luat-nhung-ton-trong-nguyen-vong-cua-dan-d48537.html