SCCP 2017: Triển khai hài hòa cùng phát triển bền vững khối APEC

Ngày 21/8, Cuộc họp Nhóm Tiểu ban thủ tục hải quan lần thứ 2 (SCCP2) bên lề SOM3 đã chính thức bế mạc. Dựa trên những kết quả đạt được và sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên APEC đã mang lại những ấn tượng tích cực về sự phát triển bền vững và hài hòa giữa các nền kinh tế trong khối APEC trong năm 2017.

Sự thành công của cuộc họp SCCP 2017 sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khối APEC. Ảnh: Thanh Thủy.

Thống nhất cùng hành động hài hòa các vấn đề chung

Tại SCCP 2, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi và xây dựng kế hoạch thực hiện đối với 8 nội dung chính, trong đó nhấn mạnh các nội dung như:

Khung kết nối chuỗi cung ứng: SCCP thống nhất cao trong cuộc họp sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan trong phạm vi trách nhiệm của SCCP để hỗ trợ SOM và CTI trong triển khai SCFAP II.

Các thành viên nhất trí việc tiếp tục hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia và sẽ nỗ lực trong việc xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Phát triển Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO): SCCP nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại các nền kinh tế thành viên, nỗ lực hợp tác và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau để thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

SCCP khuyến khích cơ quan Hải quan các nền kinh tế thành viên tiếp tục tăng cường các chương trình quản lý rủi ro để đảm bảo vừa tạo thuận lợi thương mại vừa nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp.

Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan- doanh nghiệp: Bên cạnh việc nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý biên giới, SCCP đề cập đến việc đẩy mạnh đối thoại công-tư nhằm góp phần đạt được các ưu tiên của SCCP trong năm 2017.

Công nghệ thông tin và quản lý rủi ro: SCCP coi đây là công cụ hỗ trợ cần thiết và hiệu quả đối với các hoạt động kiểm soát hải quan. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm hoàn thiện chương trình cải cách và hiện đại hóa hải quan giữa các cơ quan Hải quan trong khu vực được đánh giá là một hoạt động quan trọng mà SCCP sẽ triển khai trong thời gian tới.

Quản lý việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ: SCCP nhấn mạnh việc tạo thuận lợi thương mại phải song hành cùng đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, do vậy, việc gia tăng hợp tác trong các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái được các thành viên xác định là một hoạt động trọng yếu trong hỗ trợ đạt mục tiêu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

Phục hồi thương mại: SCCP sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi thương mại trong khu vực thông qua việc thiết lập mạng kết nối giữa các thành viên APEC và nỗ lực xây dựng các cơ chế trao đổi các thông tin giữa các cơ quan hải quan trong khu vực trên cơ sở các khuyến nghị và hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Tăng cường hợp tác và liên kết giữa SCCP và các ủy ban, nhóm làm việc, tiểu ban khác trong APEC: SCCP tiếp tục xây dựng các hoạt động hợp tác để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý biên giới trong đó có cơ quan Hải quan có thể tăng cường tối đa sự liên kết chặt chẽ trong các hoạt động kiểm soát biên giới, trong mối liên kết với BWG, CTWG, ESCG và một số tiểu ban khác qua các đề xuất như: chống khủng bố, tạo thuận lợi trong các hoạt động đi lại (TFI), các chương trình đảm bảo an ninh, thu thập thông tin đối với việc đơn giản hoá chứng từ và thủ tục liên quan đến quy tắc xuất xứ (MAG), đối thoại hóa học.

Bà Vyara Filipova, đại diện WCO, nhận định: “Các công cụ của WCO đưa ra đã được các nền kinh tế thành viên tiếp nhận và sử dụng trong việc triển khai các kế hoạch hành động. Điều đó cũng cho thấy rằng các nước thành viên đã đảm bảo được sự hài hòa trong triển khai các cam kết và theo tiêu chuẩn toàn cầu”.

Với vai trò là khách mời và là quan sát viên của WCO, bà cho biết sự thành công của cuộc họp vượt xa sự mong đợi và nhấn mạnh: “Chủ tọa SCCP 2017 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Như vậy, SCCP2 đã đảm bảo việc thực hiện 2 mục tiêu lớn của SCCP 2017 trong mục tiêu chung của APEC là tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng được cụ thể hoá trong Kế hoạch hành động tập thể của SCCP (CAP) và chương trình làm việc SCCP 2017.

Khẳng định vị thế

Bên cạnh những thành công đạt được từ các cuộc họp, Việt Nam - trong vai trò chủ nhà và Hải quan Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu quốc tế đến từ các nền kinh tế thành viên.

Bà Vyara Filipova, đại diện WCO cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc họp APEC cũng như đặt chân đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng với cách tổ chức sự kiện rất chuyên nghiệp của Hải quan Việt Nam cùng với sự đón tiếp nồng hậu của người dân Việt Nam. Mọi người đều rất thân thiện và vui vẻ nhiệt tình.

Đối với ông Diego Alejandro Garcia Gonzalez, đại diện Ban thư ký APEC, người đã nhiều lần đến với Việt Nam lại khẳng định: “Mỗi lần đến với Việt Nam, tôi lại có một cảm giác rất mới. Tuy tôi đã đến TP.HCM trước đó, nhưng với cách tổ chức và nội dung chương trình mới lạ, các bạn luôn làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”.

Đại diện Hải quan Papua New Guinea, ông James Kombuk Bire cũng chia sẻ niềm phấn khởi: “Tôi rất cảm mến lòng hiếu khách của Hải quan Việt Nam và con người Việt Nam nói chung. Chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu và được đối xử như “người một nhà” cũng như nhận đươc sự giúp đỡ nhiệt tình".

Ông quả quyết rằng Hải quan Việt Nam đã làm rất tốt từ khâu chuẩn bị đến khâu chạy sự kiện. Khâu hậu cần được chuẩn bị rất chu đáo và tỉ mỉ cũng như phần chuẩn bị cho nội dung cuộc họp cũng được xây dựng và sắp xếp rất hài hòa, đa dạng hóa các chủ đề để đáp ứng được sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên hiện nay.

Với tư cách là chủ tọa mới của kì họp SCCP APEC 2018, ông James Kombuk Bire khẳng định: “Chúng tôi đã học được rất nhiều từ Việt Nam khi đăng cai tổ chức APEC 2017 nói chung và SCCP nói riêng. Đây sẽ là những kinh nghiệm và bài học quý giá để chúng tôi có thể hoàn thành tốt công tác tổ chức APEC 2018".

Thanh Thủy

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dat-nhieu-dong-thuan-trien-khai-cac-noi-dung-quan-trong-cua-apec.aspx