Đất mẹ rơi lệ, quê cha héo mòn ngóng tin Đại tá Lê Kiêm Toàn cùng đồng đội

Kể từ khi nghe tin dữ về Đại tá Lê Kiêm Toàn cùng các đồng đội mất tích khi tìm kiếm nạn nhân Su-30, người dân nơi quê huơng ông đứng ngồi không yên...

Hình ảnh Đại tá, phi công Lê Kiêm Toàn – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918, Quân chủng PK-KQ đầy kiêu hùng sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong một chuyến bay huấn luyện. Ảnh:Zing

Bà con tròng làng ngoài họ ai cũng quý mến

Nằm trong số 9 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn hiện vẫn chưa rõ tung tích là Đại tá Lê Kiêm Toàn – Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918, cơ trưởng điều khiển máy bay tuần thám CASA-212 bay đi làm nhiệm vụ tìm kiếm chiếc Su-30 MK2, tới khoảng 13h05 ngày 16.6 thì bị mất liên lạc.

Theo chia sẻ của đồng nghiệp, Đại tá Toàn là một phi công giỏi về chuyên môn và có bề dày kinh nghiệm huấn luyện bay chiến đấu. Sự mất tích của anh cùng 8 người đồng đội khác khiến cho bao người thân và đồng nghiệp bàng hoàng xót thương.

Để cung cấp tới độc giả cái nhìn rõ hơn về chân dung, tính cách của Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn, PV Báo Lao Động đã tìm về thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội – nơi đã sinh ra ông mới thấy được tấm lòng của bà con nơi đây dành cho người lính không quân đầy quả cảm này.

Xuôi theo con đường Lê Trọng Tấn kéo dài rồi đi theo tuyến đường đôi mới làm qua địa phận xã Cự Khê khoảng 5km, dưới cái nắng chói chang của những ngày hè oi ả là hình ảnh của một làng quê đặc trưng thuộc vùng chiêm trũng mang tên Hưng Giáo. Mặc dù đang trong những ngày tất bật thu hoạch và cất mùa lúa mới, nhưng khi được hỏi các thông tin về anh Toàn – phi công lái máy bay thì người dân đều biết.

Bà Nguyễn Thị Bích – hàng xóm của Đại tá Lê Kiêm Toàn xót xa khi nói về người hàng xóm tốt tính như anh Toàn

Bà Nguyễn Thị Bích (50 tuổi) – người cùng thôn kể với PV trong khóe mắt đượm buồn: “Ai chứ anh Toàn thì người trong làng này không ai lạ gì, tính tình anh ấy sống biết trên biết dưới, khiêm nhường lắm nên ai cũng quý. Dù biết cả năm mới về quê một vài lần do bận công tác, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy một cử chỉ nào mang tính “quan cách” của anh ấy cả nên đến giờ này, bà con trong làng ngoài họ ai cũng quý mến anh”.

Theo chỉ dẫn của bà Bích, chúng tôi tìm tới căn nhà thờ Họ Lê Đình nằm cách Chùa Hưng Giáo khoảng 20m. Tại đây, vừa kính cẩn thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang thơm, ông Lê Đình Quảng (66 tuổi) – anh họ của Đại tá Toàn vẫn không quên cầu nguyện cho phúc ấm tổ tiên, dòng họ độ trì cho anh Toàn được tai qua nạn khỏi để về với gia đình, anh em.

Ông Quảng cho biết: “Do cả gia đình anh Toàn thoát li và sống trên Hà Nội nhiều năm, rồi ở trên đó công tác suốt nên anh em cũng không có nhiều thời gian gặp mặt. Thế nhưng, không chỉ là người trong họ mà cả bà con dân làng, không ai là không quý chú ấy bởi bản tính thật thà, hòa nhã, sống biết điều chứ không hề quan cách khi về làng cả. Nhà có 4 anh em thì Toàn là con trai thứ hai, là người duy nhất nối nghiệp cha làm lính không quân từ hồi còn trẻ đến bây giờ”.

Ông Lê Đình Quảng bên bàn thờ dòng họ Lê Đình tại thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội)

“Do đặc thù nhiệm vụ nên chú ấy cũng ít về thăm quê, chỉ có các dịp giỗ chạp họ, Tết hay các ngày lễ của địa phương có báo trước thì mới bố trí về. Toàn là người rất có tâm và sống tình cảm với anh em, họ hàng lắm. Vợ chú ấy cũng công tác bên ngành Biên phòng nên cuộc sống gia đình cùng hai cô con gái rất đầm ấm. Hôm 1.5 vừa rồi chú ấy cũng về và gặp tôi nói chuyện rất vui vẻ. Thế mà giờ thì người vẫn còn ở nơi đầu sóng biển Đông”, ông Quảng xót xa kể lại.

Vẫn cố giấu tin Đại tá mất tích

Là trưởng dòng họ Lê Đình tại thôn Hưng Giáo, ông Lê Đình Điền (52 tuổi) cũng bộc bạch, dù trên giấy tờ làm việc của phi công Toàn là Lê Kiêm Toàn, nhưng nếu xét về gốc gác tại địa phương thì anh Toàn vẫn nằm trong dòng họ Lê Đình – vốn có nguồn gốc từ Thanh Hóa.

“Kể từ hôm 16.6, lúc TV phát sóng lên truyền hình về thông tin anh Toàn và 8 đồng đội khác mất tích cùng chiếc máy bay trong khi đi tìm kiếm máy bay Su-30 MK2 tại vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, anh em trong họ và bà con chòm xóm ai ai cũng lo lắng, bàng hoàng trước tin này. Anh Toàn vốn là một phi công giỏi, có năng lực bay tìm kiếm cùng với đội hình của Lữ đoàn 918 trong lần bay phối hợp tìm kiếm máy bay MH-370 của Malaysia hồi mấy năm trước rồi. Anh ấy là người có uy tín, được anh em trong cơ quan rất tín nhiệm”, ông Điền nói.

Trưởng họ Lê Đình thắp hương lên ban thờ gia tiên, cầu mong cho Đại tá Lê Kiêm Toàn và các đồng đội sớm trở về.

Xác nhận với chúng tôi, ông Lê Tiến Công - Phó Chủ tịch xã Tam Hưng cho hay, dù gia đình anh Lê Kiêm Toàn không sống thường xuyên ở địa phương và hiện đang ở bên quận Long Biên, gần sân bay Gia Lâm cùng với bố mẹ già và vợ con, nhưng mỗi khi địa phương hay dòng họ có việc gì là anh Toàn cũng hay về góp sức đóng góp cho quê hương.

Qua tìm hiểu được biết cả cha mẹ của Đại tá, phi công Lê Kiêm Toàn đều đã hơn 80 tuổi, sức khỏe không còn được tốt nên hiện vẫn chưa biết thông tin anh Toàn mất tích. Mọi người trong gia đình sợ các cụ không chịu được khi nghe tin dữ nên tìm mọi cách để giấu đi, cố kéo dài càng lâu càng tốt.

Gia đình Đại tá vốn có truyền thống cách mạng, sống hiếu nghĩa nên rất được người dân quý mến. Bản thân anh Toàn cũng là một người con hiếu thảo, khi bất chấp khó khăn từ nhỏ để quyết theo nghiệp phi công giống cha mình rồi thành công như ngày hôm nay.

“Hiện giờ chỉ mong có một phép nhiệm màu xảy ra, để lực lượng tìm kiếm và các cơ quan chức năng sớm tìm được các anh ấy về với quê hương, gia đình cho vơi bớt nỗi mong ngóng đến quặn lòng trong những ngày qua”, ông Điền cho biết thêm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dat-me-roi-le-que-cha-heo-mon-ngong-tin-dai-ta-le-kiem-toan-cung-dong-doi-564402.bld