Đất lành, chim đậu

(TBKTSG) - Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất có số lượng công nhân lớn, lại lao đao vì thiếu hụt lao động, do công nhân sau khi về quê ăn Tết, đã “một đi, không trở lại”. Một cuộc cạnh tranh mang tính giành giật mới lại bắt đầu giữa các doanh nghiệp để thu hút lao động nhằm bổ sung cho lực lượng bị thiếu hụt. Những cuộc giành giật (thường là thiếu lành mạnh) này sẽ gây tốn kém cho các doanh nghiệp tham gia vì mỗi bên buộc phải đưa ra chế độ lương bổng và những chính sách đãi ngộ hấp dẫn để lôi kéo người của “đối phương”. Đó là chưa kể, doanh nghiệp buộc phải bỏ thêm chi phí để đào tạo những công nhân mới tuyển do chưa quen nghề. Điều đáng nói là chỉ sau một năm, khi Tết đến, điệp khúc cũ lại lặp lại khiến nhiều doanh nghiệp phải “xấc bấc xang bang” vì không đủ nhân lực để thực hiện các hợp đồng sau Tết.

Nguyễn Hữu Long

ông Nguyễn Hữu Long.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ phía người lao động, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ phía người sử dụng lao động do chính sách sử dụng thiếu nhất quán và thiếu quan tâm đến đời sống người lao động. Khi cần, các chủ doanh nghiệp chấp nhận đưa ra mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn ở những tháng đầu. Sau đó thì bằng nhiều cách và với nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp bắt đầu “bóp” lại, làm cho mức thu nhập và các chế độ phúc lợi của người lao động không còn hấp dẫn nữa. Nhiều công nhân trong tình cảnh đó buộc phải chấp nhận làm việc đến hết năm để nhận lương tháng 13 và thưởng Tết sau đó mới ra đi tìm cơ hội mới.

Để giữ người, không cách nào khác hơn là xây dựng doanh nghiệp thành một vùng “đất lành” thực sự để người lao động an tâm “đậu” mãi.

Nhưng cũng có một số doanh nghiệp giữ được người lao động quay lại sau Tết là nhờ vào một số chính sách không lấy gì làm đặc biệt mà họ áp dụng:

- Áp dụng mức lương, thưởng và các chế độ phúc lợi tương đối tốt hơn mặt bằng chung ở các doanh nghiệp cùng ngành, cùng địa bàn (không nhất thiết phải quá cao).

- Cố gắng phân bố đủ và đều việc cho công nhân làm, bố trí làm ngoài giờ với mức độ phù hợp để tạo điều kiện cho công nhân có thêm thu nhập.

- Chú trọng công tác SHE: Safety (an toàn) - Health (sức khỏe) - Environment (môi trường) nhằm duy trì một môi trường làm việc tốt và trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động.

- Xây dựng quan hệ lao động tốt giữa cấp quản lý và công nhân; tuyệt đối loại bỏ chế độ kỷ luật hà khắc, bóc lột quá sức; huấn luyện cho các cấp giám sát, quản lý cách thức cư xử, giao tiếp đúng mực với công nhân; thể hiện sự quan tâm đến đời sống công nhân và lắng nghe nguyện vọng của họ.

- Xây dựng các công trình phục vụ ăn uống, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ cho công nhân.

- Xây dựng nhà ở cho công nhân hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho công nhân ở gần nơi làm việc.

- Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, xây dựng đội nhóm cho công nhân.

- Bố trí xe đưa công nhân về quê ăn Tết và đón công nhân trở lại làm việc.

- Dành một khoản tiền nhỏ để “lì xì” đầu năm khi công nhân quay lại làm việc sau Tết.

“Đất lành, chim đậu” là câu nói xưa mà ông bà ta vẫn dùng để chỉ sự gắn bó của con người với vùng đất yên bình mà họ đến an cư, lạc nghiệp. Người lao động chắc chắn sẽ tiếp tục gắn bó với những doanh nghiệp mà họ xem là “đất lành” cho dù có lúc cũng gặp khó khăn chung.

Để giữ người, không cách nào khác hơn là xây dựng doanh nghiệp thành một vùng “đất lành” thực sự để người lao động an tâm “đậu” mãi.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/blogdoanhnhan/110107/