Đập xong, chợ vẫn còn tồn tại trên… giấy

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định 1989/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của 47 tiểu thương tại chợ xã Đắk Búk So (còn gọi là chợ 135), huyện Tuy Đức, trong đó khẳng định chính quyền tự ý đập chợ 135 của các tiểu thương mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền...

Chợ huyện Tuy Đức bỏ hoang.

Một một năm trước đây báo Tiền Phong có bài viết: Đập chợ rồi xây chợ bỏ hoang: Dân bị nhắn tin dọa giết (đăng ngày 9/1/2016) phản ánh về việc UBND huyện Tuy Đức tiến hành cưỡng chế chợ Đắk Búk So, đẩy hơn 100 tiểu thương ra đường và lãng phí trong việc đầu tư xây dựng, sau đó tiến hành xây chợ mới gần 7 tỷ rồi bỏ hoang.

Gặp lại chúng tôi, tiểu thương Nguyễn Thị Xê với vẻ mặt hốc hác, cho biết kể từ ngày phải ra đường buôn bán, thu nhập của các tiểu thương hết sức bi đát. “Chúng tôi bán ở cuối đường, người dân chỉ mua chợ ở đầu đường nên sức mua giảm mạnh. Chúng tôi đang suy kiệt, thiệt hại vô cùng lớn kể từ ngày chợ cũ bị dỡ bỏ” – Bà Xê buồn rầu nói.

Người dân tiếp tục khiếu kiện, và không đồng ý cách giải quyết, trả lời của lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức. Họ làm đơn trình bày đến cấp tỉnh. Ngày 16/11/2016 ông Trần Xuân Hải- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ký Quyết định số 1989 về việc giải quyết khiếu nại của các tiểu thương ở chợ Đắk Búk So.

Đầu năm 2016, khi làm việc với chúng tôi lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức khẳng định việc đập chợ là chủ trương đúng đắn, đúng pháp luật. Lãnh đạo huyện lý giải, chợ 135 xây dựng ở nơi gần các trường học, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân vì dân số tăng nhanh; không an toàn cho phòng cháy chữa cháy… Do vậy, sau khi đập bỏ chợ cũ chính quyền đã cho xây dựng chợ mới gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi một số tiểu thương thuê kiốt để kinh doanh, nhưng không có người mua, vị trí ở vùng chiêm trũng, xa dân cư nên đến nay chợ vẫn bỏ hoang, gây nên tình trạng lãng phí ngân sách của Nhà nước. UBND huyện Tuy Đức đang gửi báo cáo đề nghị chuyển đổi công năng của chợ mới sang mục đích sử dụng khác.

Tuy nhiên, Sở Công Thương Đắk Nông khẳng định chợ Đắk Búk So vẫn còn tồn tại trong mạng lưới chợ của toàn tỉnh. Còn quyết định 1989 tỉnh Đắk Nông ghi rõ: “Trước khi chấm dứt hoạt động chợ Đắk Búk So, UBND huyện Tuy Đức không có văn bản gửi Sở Công Thương để xin ý kiến”; dù “Việc di dời chợ là hợp lý, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương chợ 135 có nơi kinh doanh thuận lợi, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và nhất là an toàn tính mạng con người trong quá trinh kinh doanh buôn bán”, nhưng Quyết định 1989 cũng khẳng định việc di dời chợ 135 còn chủ quan nóng vội, chưa thấu tình đạt lý dẫn đến việc người dân đi khiếu nại. UBND huyện Tuy Đức khi đập chợ, đã chưa thực hiện việc hỗ trợ cho tiểu thương. Những sai sót trên có trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, các phòng ban tham mưu và UBND xã Đắk Búk So. Do đó, phải nghiêm túc kiểm điểm những cá nhân, tập thể liên quan.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND huyện Tuy Đức phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính thực hiện hỗ trợ chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho tiểu thương khi chuyển sang địa điểm kinh doanh mới nhằm tránh tình trạng người dân tiếp tục đi khiếu nại.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chánh văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho biết: lãnh đạo huyện đã họp đưa ra phương án trình Sở Công thương, Sở Tài chính nhằm giúp đỡ tiểu thương ổn định nơi kinh doanh mới. “Quan điểm của UBND huyện là thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1989 của UBND tỉnh Đắk Nông. Chúng tôi đang trình Sở Công thương phương án cuối cùng nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống” - ông Minh nói.

Vũ Long

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dap-xong-cho-van-con-ton-tai-tren-giay-1110382.tpo