Đáp ứng trình độ thưởng thức ngày càng cao

Chương trình “Hòa nhạc Toyota 2016” sẽ có 4 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tối 5 và 6-8) và Nhà hát TP Hồ Chí Minh (tối 10 và 11-8) với những giai điệu cổ điển trữ tình Nga của thế kỷ XIX. Đây là sự đột phá của chương trình khi nâng cao nhạc mục cho phù hợp với trình độ thưởng thức của khán giả Việt Nam.

Nghệ sĩ piano Vũ Ngọc Linh sẽ trình diễn trong “Hòa nhạc Toyota 2016”.

Mỗi năm, Toyota thường mang đến công chúng hai chương trình hòa nhạc, phân chia khá rõ: “Hòa nhạc cổ điển Toyota” với những dàn nhạc đẳng cấp thế giới biểu diễn trình độ cao, còn “Hòa nhạc Toyota” cộng tác với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam để mang âm nhạc giao hưởng đến gần công chúng luôn có những tác phẩm nhẹ nhàng, quen thuộc. Chính vì vậy nên nhạc mục và cấu trúc chương trình đồ sộ của “Hòa nhạc Toyota” năm nay vừa được Ban tổ chức giới thiệu đã khiến nhiều người bất ngờ. NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lý giải: “Nhiều năm đưa âm nhạc hàn lâm đến với khán giả, chúng tôi hiểu và đo được trình độ thưởng thức của công chúng ngày càng cao hơn. Vì vậy, bữa tiệc âm nhạc lần này sẽ không thua kém bất cứ chương trình cao cấp nào trên thế giới”.

Chương trình sẽ đưa khán giả ngược dòng thời gian về với những giai điệu trữ tình, kinh điển vào thế kỷ XIX ở nước Nga - nơi sản sinh ra những nhà soạn nhạc vĩ đại cho âm nhạc cổ điển thế giới. Nhạc trưởng Honna Tetsuji cũng không giấu được hứng khởi khi dẫn dắt đêm nhạc gồm những tác phẩm đồ sộ và nổi tiếng. Khúc mở màn vở opera “Ruslan và Ludmila” là của nhà soạn nhạc Glinka - người tiên phong của nền âm nhạc cổ điển Nga. Glinka viết vở opera “Ruslan và Ludmila” dựa trên bài thơ của Pushkin, được xưng tụng là “Opera thần tiên” nên phần mở đầu cũng sẽ đưa người nghe vào miền cổ tích lãng mạn, bay bổng, đẹp đẽ của nước Nga. Tiếp theo là bản concerto số 2 dành cho piano cung đô thứ của nhà soạn nhạc Rachmaninov mà giới âm nhạc hàn lâm thế giới đánh giá là một trong những bản concerto cho piano hay nhất và được yêu thích nhất thế kỷ XIX. Bản giao hưởng số 5 cung mi thứ của thiên tài Tchaikovsky sẽ được chơi ở phần kết thúc chương trình. Mặc dù đây không phải tác phẩm nổi tiếng nhất của ông nhưng lại là bản giao hưởng nổi tiếng nhất Thế chiến thứ 2 với tinh thần quyết chiến quyết thắng. Nhạc mục này đòi hỏi trình độ thưởng thức âm nhạc rất cao nhưng đối với công chúng Việt Nam - những người đã gắn bó và hiểu biết về nước Nga, quen thuộc với âm nhạc Nga, thì những tác phẩm này lại hứa hẹn một trải nghiệm tuyệt vời và giàu cảm xúc.

Ngoài sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, “Hòa nhạc Toyota” giới thiệu với công chúng tiếng đàn dương cầm đầy mê hoặc của nghệ sĩ Vũ Ngọc Linh, sinh năm 1982, hiện là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 6 tuổi, Vũ Ngọc Linh đã theo học Trường Năng khiếu âm nhạc Mátxcơva (Nga). Sau đó anh về nước học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2001, Vũ Ngọc Linh giành được học bổng toàn phần tại Mỹ và tại đây, anh gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp âm nhạc. Từng chơi độc tấu rất nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới với công chúng nước nhà nhưng với một tác phẩm Nga thì đây lại là lần ra mắt của Vũ Ngọc Linh. Có hồi hộp nhưng anh tin rằng cảm xúc của anh sẽ thăng hoa trên những phím đàn.

So với các chương trình nghệ thuật khác, “Hòa nhạc Toyota” với chất lượng cao như thế lại có giá vé khá ưu đãi, vừa túi tiền của công chúng Việt Nam. Toàn bộ số tiền bán vé tiếp tục được đưa vào Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/842790/dap-ung-trinh-do-thuong-thuc-ngay-cang-cao