Đắp đảo xây Hang Tôm mới thay "Đông Dương đệ nhất cầu"

Từng là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương với biệt danh “Đông Dương đệ nhất cầu”, sau gần 40 năm, cầu Hang Tôm cũ đã kết thúc sứ mệnh lịch sử khi cầu Hang Tôm mới đã chính thức hoàn thành vào tháng 11/2012. Công trình này gắn liền với Thủy điện Sơn La hùng vĩ, đồng thời tạo dựng nên một kỳ tích mới của những người thợ cầu trên dòng Đà giang hung dữ.

Cầu Hang Tôm cũ từng là “Đông Dương đệ nhất cầu”

Hang Tôm - Đông Dương đệ nhất cầu

Ngày đó, muốn từ Mường Lay (Điện Biên) qua sông Đà sang Mường So, Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu) phải đi bằng đò và phà. Mùa cạn nước sông hiền hòa còn đỡ, chứ mùa lũ, sông Đà hung dữ vô cùng. Nhưng có việc thì vẫn phải đi, bất chấp nguy hiểm dập dình. Năm nào cũng có chuyện phà trôi, đò lật, chết người thật hãi hùng.

Đó là câu chuyện ông Lò Văn Tòng, người dân tộc Thái kể cho chúng tôi về những kỷ niệm vượt sông Đà trước khi có cầu Hang Tôm.

Ông Tòng kể, sở dĩ cầu có tên Hang Tôm là do khúc sông này xưa kia có quá nhiều tôm. Cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà lũ lượt lên đó đẻ trứng, cả một khúc sông dày đặc tôm là tôm. Ngày ngày bà con thay nhau lên đó bắt về ăn. Nhưng người dân quanh khu vực này có tục lệ bất thành văn, mỗi nhà chỉ được bắt chừng một tiếng đồng hồ rồi nhà khác tiếp tục.

Cuối những năm 1960, cầu Hang Tôm bắt đầu được tiến hành xây dựng. Ngày đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc cũng qua giúp ta làm cầu. Tuy nhiên, đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong, chỉ còn lại các công đoạn hoàn thiện.

Nhưng cũng phải mãi đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó thật sự là ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Tây Bắc. Hàng ngàn người từ khắp nơi cơm đùm, cơm nắm, đi bộ vài ngày đường đổ về để tận mắt được nhìn, được một lần đi qua cây cầu mơ ước.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường Việt Nam, dù đã được xây dựng cách nay 40 năm, nhưng công nghệ xây cầu Hang Tôm cũ được đánh giá không kém gì công nghệ xây dựng nhiều cầu hiện đại bây giờ. Tuy thi công giữa vùng núi non hiểm trở nhưng đây vẫn được coi là cây cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Khi cầu xây xong, để tránh sự phá hoại của các toán biệt kích địch, hai đầu cầu luôn có một trung đội công an chừng 30 người làm nhiệm vụ túc trực bảo vệ. Về sau trung đội này rút dần còn chừng một tiểu đội.

Hang Tôm như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc. Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch,Tây cũng như ta, đã đổ về đây, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi.

Đến với Hang Tôm, cũng như tên gọi cây cầu, không ai không muốn thưởng thức những con tôm có vị ngọt lừ duy nhất chỉ có ở nơi đây.

Cầu Hang Tôm mới

Đắp đảo làm trụ giữ sông khi xây cầu mới

Cầu Hang Tôm mới được thiết kế để nối liền 2 tỉnh Lai Châu - Điện Biên qua lòng hồ thủy điện Sơn La khi tích nước. Khi cầu mới hoàn thành, toàn bộ cầu Hang Tôm cũ chìm sâu xuống lòng hồ khoảng 20m và chỉ còn lưu lại trong ký ức người dân Tây Bắc và những người ưa khám phá, mạo hiểm.

Cầu mới được chính thức khởi công vào tháng 10/2008. Tuy nhiên, trước khi thi công, các nhà quản lý phải đối mặt với rất nhiều bài toán hóc búa. Ông Nguyễn Văn Dục - Giám đốc điều hành Dự án cầu Hang Tôm (Ban QLDA 1) nhớ lại: Khi mới bắt tay đầu tư cầu Hang Tôm, rất nhiều nhà thầu thi công có uy tín đến nộp hồ sơ. Nhưng chẳng hiểu lý do vì sao mà cứ đến rồi lại bỏ đi không hẹn ngày trở lại. Sau tìm hiểu chúng tôi mới biết, nhà thầu họ khá tinh tường địa thế của Hang Tôm.

“Địa hình vô cùng hiểm trở sẽ gây ra nhiều khó khăn và rủi ro trong thi công. Chính vì vậy, dù áp lực tìm kiếm công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên ngày càng đè nặng với các nhà thầu xây dựng, nhưng họ cũng chẳng dám mạo hiểm đối mặt với rủi ro” - ông Dục nói.

Cũng theo ông Dục, vị trí xây cầu Hang Tôm mới cheo leo trên một mỏm núi, hai bên chân cầu gần như dốc đứng, đường đi quá nhỏ hẹp, thậm chí 2 ô tô tránh nhau còn khó. Việc vận chuyển vật liệu lên công trường là cả một bài toán không hề dễ giải.

Dù địa thế hiểm trở như vậy nhưng ông Dục cho biết, đơn vị thiết kế là Công ty cầu lớn - hầm buộc phải chọn vị trí này do đây là địa điểm ngắn nhất nối giữa Điện Biên và Lai Châu. Một phần vì có thể tiết giảm được vốn đầu tư, phần nữa khi cầu hoàn thành sẽ tạo ra một cảnh quan rất đẹp, hùng vĩ chẳng kém cây cầu Đệ nhất Đông Dương xưa.

Sau khi nhiều nhà thầu lần lượt không hẹn ngày trở lại, Ban QLDA 1 phải làm việc với Cienco1, Tổng Công ty XD Thăng Long, là 2 tổng công ty có thế mạnh đặc biệt về cầu chi viện cho các các đơn vị thi công thuộc loại tinh nhuệ nhất để gánh vác nhiệm vụ xây dựng cầu Hang Tôm mới. Khi đó, Cienco 1 đã điều động Công ty Cầu 12 danh tiếng, còn Tổng Công ty XD Thăng Long là Công ty cầu 11 có nhiều kinh nghiệm đến thi công.

Là một trong những người gắn bó với cầu Hang Tôm mới từ ngày đầu, kỹ sư Lương Thế Quyền - Phụ trách thi công cho biết, điều kiện thi công tại đây vô cùng khắc nghiệt. Mọi công nhân ở công trường đều quen nếp sinh hoạt tập thể, làm việc không kể ngày đêm, có khi chỉ được ngủ 2 - 3 tiếng mỗi ngày. Ăn, ở, sinh hoạt cũng khó khăn nhiều bề. Mọi thứ đều thiếu thốn.Nhưng trong lúc khó khăn anh em thợ cầu đều chia sẻ, giúp đỡ nhau như người trong một nhà nên giai đoạn đầu thi công rất thuận lợi.

Khi các nhà thầu đã nắm bắt được địa hình, địa thế thì một bài toán không kém phần hóc búa lại xuất hiện. Đó là giai đoạn khi cầu Hang Tôm chỉ còn khoảng 1 năm nữa là hoàn thành để kịp phục vụ cho việc đóng điện Thủy điện Sơn La. Chỉ còn duy nhất một mùa khô nữa từ khoảng tháng 10/2009 đến tháng 4/2010 là có thể đổ móng trụ cầu. Nếu quá thời gian này, dòng Đà giang sẽ vào mùa lũ tiểu mãn. Đối mặt với những con lũ dữ, chẳng có đơn vị thi công nào, dù kinh nghiệm đến mấy dám đổ trụ dưới lòng sông. Nếu trụ cầu không xong, cầu không hoàn thành đúng thời hạn thì toàn bộ tuyến QL12 huyết mạch nối Điện Biên với Lai Châu sẽ bị cắt đứt hoàn toàn do khi đó Thủy điện Sơn La chính thức xả nước. Và nếu điều đó xảy ra, toàn bộ công sức mấy trăm ngày “ăn sương nằm gió”, ăn rau rừng, uống nước suối chinh phục sông Đà sẽ đổ xuống sông, xuống biển.

Một quyết sách nhanh như điện nhưng vô cùng sáng suốt được chủ đầu tư và các nhà thầu thống nhất đưa ra: Tiến hành ngay việc làm trụ giữ sông bằng biện pháp đắp đảo. Mọi nguồn lực, máy móc, thiết bị, con người đều được dồn hết vào công trường với tinh thần không có đường lùi” - ông Dục xúc động khi nhắc đến thời điểm lịch sử ấy.

Với quyết sách đúng đắn đó, tháng 11/2012, cầu Hang Tôm đã về đích an toàn, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đúng ngày xả nước thủy điện Sơn La, đứng trên bờ nhìn những trụ cầu cao đến 58m sừng sững, hiên ngang giữa làn nước chảy xiết, những người thợ xây cầu Hang Tôm không dấu được cảm xúc nghẹn ngào. Bao nhiêu công sức đã được đền đáp và tặng thưởng xứng đáng. Dòng Đà giang hung giữ hoàn toàn bị chinh phục để nối thông QL12 huyết mạch.

Cầu Hang Tôm mới là loại cầu bê tông đúc hẫng cốt thép dự ứng lực được xây dựng cách vị trí cầu cũ chừng 600m về phía thượng lưu. Cầu dài hơn 362m, gồm 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên 4 trụ và 2 mố với chiều cao từ đáy sông Đà lên mặt cầu tới trên 70m, trong đó có 2 nhịp dầm thông thuyền giữa sông dài 120m, 2 nhịp biên 73m.

Đ.Thắng - T.Mạnh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201311/dap-dao-xay-hang-tom-moi-thay-dong-duong-de-nhat-cau-413698/