Đắp chiếu nửa chừng 'siêu bệnh viện', vẫn vội vã xin thêm dự án

Không chủ động được vốn dẫn đến dự án “siêu” bệnh viện chậm tiến độ, đội giá. Việc đội giá khiến tình trạng thiếu vốn lại càng trầm kha… Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn “xây - chờ - xin” đẩy biết bao công trình sử dụng vốn ngân sách lâm cảnh sống dở chết dở, bỏ hoang hóa, xuống cấp, gây lãng phí, phẫn nộ trong công luận. Thế nhưng, thay vì phải giải quyết dứt điểm, thái độ thường thấy của các chủ đầu tư là… “né”. Sau đó, họ vẫn xin tiền trung ương hoặc chi tiền của địa phương để triển khai các dự án khác. 

Dự án bệnh viện 700 giường có nguy cơ “chết yểu” tại Nam Định. Ảnh: LN

10 năm chưa xong 1 bệnh viện

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định (phường Lộc Hạ - TP. Nam Định) chỉ thiếu non vài tháng là tròn 10 năm “kỷ niệm” ngày khởi công. Tại lễ động thổ rực rỡ cờ hoa với đầy đủ ban bệ, một mốc thời gian chắc nịch đã được các bên trịnh trọng công bố, ngày 15.1.2011. Đó chính là thời điểm công trình trọng điểm này dự kiến được hoàn thành, sau đúng 1.140 ngày được các bên trúng thầu là Cty cổ phần xây dựng 504 - Vinaconex và TCty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cùng song song thi công.

Trên bản đồ quy hoạch, dự án bệnh viện tọa lạc có diện tích 9,3ha, được thiết kế hiện đại, quy mô lớn nhất cụm các tỉnh đồng bằng sông Hồng, bao gồm tổ hợp nhiều khu nhà cao tầng, có sân đỗ trực thăng trên nóc… Thế nhưng đã gần 1 thập kỷ trôi qua, những gì hiện hữu là một công trường dang dở, ngổn ngang các khối nhà rêu mốc; bêtông vứt chỏng chơ; khung cột thép để lộ thiên hoen rỉ, ngập bủm giữa ao tù nước đọng; lau lách mọc lút đầu người… xen lẫn đó thấy lác đác một vài công nhân làm việc cầm chừng.

Có mặt tại khu vực này những ngày tháng 7.2017, ngoài cơ sở hạ tầng của toàn khu đô thị đã tương đối hoàn thiện và đồng bộ, dự án “siêu” bệnh viện sừng sững như một điểm nhấn buồn của sự lãng phí bởi thép chờ rỉ sét, tường gạch xỉn màu rêu phong…

Một vài người dân địa phương cho biết, do công trình nằm xa khu dân cư nên trong nhiều năm trời, họ đã không ít lần chứng kiến nơi này trở thành tụ điểm náu mình cho đám hút chích, tệ nạn xã hội… Theo ông Quỳnh (tổ 12, phường Lộc Hạ): Nhà nước thu đất làm bệnh viện thì ai cũng vui. Thế nhưng họ chỉ làm ồ ạt được vài năm rồi bỏ bẵng đấy. Từ đầu năm rồi thì làm lại được một ít nhưng cũng cầm chừng, rất chậm.

Dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định bị bỏ hoang đã lâu. Ảnh: L.N

Không hẹn ngày về đích

Theo tài liệu PV Báo Lao Động tiếp cận được, Dự án bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định được trình xin ý kiến của Thủ tướng từ năm 2004. Ngày 25.4.2004, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm có văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Nam Định thực hiện triển khai. Theo đó, dự án sẽ do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, ban đầu có giá trị 598,5 tỉ đồng nhưng đến cuối 2009 được điều chỉnh lên 850,8 tỉ đồng. Dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 của Quốc hội và Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tại buổi làm việc với PV Bao Lao Động sáng 13.7, ông Vũ Khắc Đông - Phó trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định - giải thích ngắn gọn: “Do không có tiền”. Ông Đông khẳng định, mặc dù có tổng mức đầu tư “khủng”, nhưng trên thực tế, T.Ư mới chỉ “rót” về khoảng 265 tỉ đồng và suốt từ năm 2012 đến nay, không thêm một đồng vốn nào. Ông Đông tính toán theo thời giá hiện tại, có thể dự án đã “đội” thêm 60-70%, lên trên 1.300 tỉ đồng…

Cũng tại buổi làm việc, vị Phó trưởng Ban cung cấp cho PV một văn bản nêu rõ các mốc thời gian: Tính đến hết kế hoạch năm 2009, tổng vốn TPCP bố trí đối với dự án là 190 tỉ đồng. Trong kế hoạch vốn TPCP năm 2010, dự án không được bố trí vốn TPCP vì không thuộc danh mục đầu tư tại Nghị quyết số 881/NQUBTVQH 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, dự án tiếp tục không đủ điều kiện để bố trí vốn TPCP giai đoạn 2012-2015.

“Đến nay dự án chưa được hoàn thành nên chưa khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận. Việc tiếp tục bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 để dự án hoàn thành là cần thiết. Việc đầu tư cho dự án có thể xem xét nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 và hoặc nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ngân sách địa phương” - văn bản kết luận.

Mặc dù khẳng định việc tiếp tục bố trí vốn là cần thiết song cũng theo văn bản này, đối với nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020, dự án trọng điểm này một lần nữa… “hụt” tiêu chuẩn. Còn đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách T.Ư thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020, UBND tỉnh Nam Định dự kiến phân bổ cho hai dự án y tế khác là Bệnh viện cổ truyền tỉnh (giai đoạn 2) và Trung tâm da liễu nên không thu xếp vốn cho bệnh viện 700 giường… Điều này đồng nghĩa với việc tạm tính đến năm 2020, cơ hội về đích của công trình đầy kỳ vọng này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Thế nhưng, dù trăm lần giãi bày, ngàn lần kêu than đi nữa thì vẫn có một sự thật tại dự án này vừa bị cơ quan thanh tra phanh phui. Đó chính là cách sử dụng và điều tiết nguồn vốn khó hiểu, để giờ đây chính chủ đầu tư lâm cảnh khốn khổ là “thả gà ra đuổi”…

LONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dap-chieu-nua-chung-sieu-benh-vien-van-voi-va-xin-them-du-an-686011.bld