Đào vàng mà lỗ nghìn tỉ: Bài học đau đớn về quản lý tài nguyên

Nhiều bạn đọc bức xúc về cách quản lý tài nguyên của cơ quan chức năng, qua thực trạng nêu trong bài viết Đào vàng mà lỗ nghìn tỉ và Mời khách đến “ăn thịt” mình trên Thanh Niên ngày 13.6.

Công nhân của Besra khai thác quặng trong mỏ vàng tại H.Phước Sơn, Quảng NamẢnh: Hoàng Sơn

Nắm đằng lưỡi

Tập đoàn quốc tế Besra không phải là một tập đoàn non trẻ, họ có bề dày trong khai thác vàng quốc tế, thu hút một bộ máy nhân sự tài giỏi nên tôi nghĩ họ nghiên cứu khá kỹ về luật pháp của VN, từ đó sẽ tìm ra kẽ hở để “tung chiêu” hòng thu lợi càng nhiều càng tốt, đóng tiền cho phía VN càng ít càng tốt. Họ như kẻ nắm đằng cán, còn chúng ta đang nắm đằng lưỡi.

Bùi Thị Thanh Thư (Q.Ba Đình, Hà Nội)

Không thể chấp nhận

Nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì còn du di thời hạn được, ở đây nợ cả thuế tài nguyên thì không thể nào chấp nhận. Thuế tài nguyên là thuế phải nộp ngay lập tức, thế mà đơn vị này chây ì mà vẫn được chấp nhận thì lỗi này thuộc về cơ quan thuế hay cơ quan nào?

Nguyễn Văn Mạnh (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Chúng ta quá dễ dãi

Câu chuyện vàng Bồng Miêu và Phước Sơn chây ì thuế, xin giảm thuế, giãn thuế và gia hạn khai thác... cho thấy sự “yêu sách” của các đơn vị này đối với chính quyền địa phương nói riêng, nhà nước VN nói chung. Vì sao họ đòi hỏi? Vì tiền thuế thì còn nợ, công trình của họ thì bầy hầy ra đó. Nếu họ không khai thác nữa, chuyện dọn dẹp hậu quả họ để lại cũng mệt mà tiền thuế thì chưa chắc thu được. Hai đơn vị này đẩy chính quyền vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy chúng ta quá dễ dãi với Bồng Miêu và Phước Sơn. Và chúng ta càng dễ dãi họ càng lấn tới.

Nguyễn Thiện Minh (Q.6, TP.HCM)

Truy trách nhiệm giám sát

Hoạt động của các tập đoàn nước ngoài tại VN, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản thì phải có cơ quan, đơn vị giám sát. Vậy trách nhiệm của đơn vị giám sát Tập đoàn Besra ở đâu mà để đơn vị này thua lỗ, nợ thuế số tiền khủng đến như vậy? Phải truy trách nhiệm của đơn vị giám sát chứ không thể để câu chuyện như thế này trở thành tiền lệ.

Đào Mỹ Nương (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)

Vậy cuối cùng thì hai công ty khai thác vàng là Bồng Miêu và Phước Sơn mang lại cho VN cái gì? Chẳng được gì cả. Mỏ vàng bị khai thác cạn kiệt, tiền thuế không thu được, đã vậy còn gây bao hệ lụy cho môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực khai thác. Đây là bài học quá lớn cho chúng ta.

Nguyễn Thị Mai Thanh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Theo tôi phải buộc các DN khai thác vàng trả hết nợ thuế mới được tiếp tục khai thác tiếp. Bằng không thì phải tính toán lại, cho nhà đầu tư khác vào khai thác. Chúng ta cần cứng rắn chứ không thể dễ mãi, để họ được đằng chân lân đằng đầu.

Dương Văn Đạo (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

T.T - Duy Khang (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dao-vang-ma-lo-nghin-ti-bai-hoc-dau-don-ve-quan-ly-tai-nguyen-713224.html