Đào tạo tiến sĩ: Kiểm định bằng bài báo quốc tế

Mỗi bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín vừa thể hiện được trình độ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh (NCS), lại vừa là công cụ để kiểm định chất lượng và giám sát sự trung thực của mỗi luận án tiến sĩ (TS).

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: giaoduc.net

Tại buổi Tọa đàm về Nâng cao chất lượng đào tạo TS do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 10/11, nhiều ý kiến cho rằng mỗi cá nhân muốn làm luận án TS và chính người hướng dẫn NCS làm luận án TS phải có ít nhất 2 bài báo bằng tiếng nước ngoài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Đây chính là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đầu vào, từ đó bảo đảm chất lượng đầu ra của một TS.

Thể hiện năng lực ngoại ngữ

PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo TS cần nhiều yếu tố, nhưng trước tiên phải nâng cao chất lượng từ đầu vào, là những người dự tuyển đào tạo TS. Bởi theo PGS. Vũ Lan Anh, có tuyển sinh được đối tượng giỏi mới có thể đào tạo để trở thành TS tốt. Chúng ta cần tìm ra đối tượng phù hợp với mục tiêu đào tạo TS, đó là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu, đóng góp cho nền khoa học nước nhà và có khả năng hội nhập. Do đó, theo bà Vũ Lan Anh, điều kiện đầu vào của một NCS cần 2 yếu tố: Điều kiện tuyển sinh ngoại ngữ và khả năng nghiên cứu. Điều này có thể căn cứ vào bài báo nghiên cứu, những gì họ đã làm trước khi đăng ký dự tuyển.

PGS. Vũ Lan Anh mong muốn trong tương lai, Bộ nên bổ sung điều kiện đầu vào của NCS là phải có nghiên cứu dưới hình thức bài báo quốc tế hay hội thảo khoa học.

PGS. Vũ Lan Anh cũng cho rằng, không cần yêu cầu NCS phải có chứng chỉ TOEFL, IELTS vì chưa chắc những người đạt chuẩn đó đã có thể viết 1 bài báo khoa học bằng tiếng nước ngoài. Chỉ cần quy định NCS phải có ít nhất 2 bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế, thuyết trình toàn bộ đề tài bằng ngoại ngữ là đủ chứng minh năng lực ngoại ngữ cũng như năng lực tiếp cận, hội nhập với khoa học quốc tế của họ.

Đồng quan điểm này, GS. Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cũng cho rằng, đào tạo TS muốn nâng cao chất lượng, hướng tới hội nhập thế giới thì yêu cầu NCS phải có đầu vào cao như trình độ ngoại ngữ vì ngoại ngữ là công cụ cần thiết để thỏa mãn nghiên cứu.

Nhất trí với những đề xuất trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Cần phải nâng trình độ ngoại ngữ đầu vào. Trước đây, vì quan niệm trình độ ngoại ngữ là điều kiện cho đầu ra nên đầu vào chúng ta đặt thấp. Bây giờ cần thay đổi quan điểm, nâng trình độ ngoại ngữ đủ để NCS có thể đọc tài liệu nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu, để mở rộng quan hệ, tham gia cọ xát trong môi trường học thuật khu vực và quốc tế”.

Chấm dứt tình trạng "đạo văn"

Ngoài thể hiện năng lực ngoại ngữ của các NCS, các bài báo bằng tiếng nước ngoài còn có thể chấm dứt một tình trạng khá nan giải trong làm luận án TS tại Việt Nam, đó là "đạo văn". Theo quy định của Quy chế, nếu một luận án có nội dung trùng lắp với nội dung một luận án khác từ 30 trang trở lên sẽ bị coi là "đạo văn". Tuy nhiên, theo GS. Trần Văn Nhung, "tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng một phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện "đạo văn" cả".

GS. Nhung phân tích: "Một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án có khi không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình. Nhưng nếu đặt ra điều kiện phải có bài báo đăng tạp chí quốc tế thì không sự sao chép ý tưởng hay câu chữ nào có thể lọt qua được vì sẽ phải trải qua nhiều vòng phản biện rất chặt chẽ".

Chỉ ra thêm một tác dụng của bài báo quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho hay: "Việc kết quả luận án được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín là chứng nhận đáng tin cậy, giá trị nhất về chất lượng của luận án tiến sỹ. Do đó, nếu nghiên cứu sinh đã là tác giả chính của 2-3 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI, .. thì cũng là một sự bảo đảm về chất lượng của luận án rồi và khi đó, nghiên cứu sinh có thể được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện kín, bỏ qua cấp cơ sở để làm thủ tục bảo vệ luận án tiến sỹ luôn. Điều này tạo động lực khuyến khích, đồng thời giảm đáng kể quy trình thủ tục cho các NCS".

Xung quanh câu chuyện về điều kiện bài báo quốc tế không chỉ với người dự tuyển mà còn là điều kiện bắt buộc người hướng dẫn NCS phải có, GS. Nguyễn Đình Đức nhận xét, điều này cũng thẩm định, khẳng định năng lực của người hướng dẫn. Qua đó, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng đầu ra cho đào tạo TS của Việt Nam.

Việc người làm TS và người hướng dẫn cùng có các bài báo quốc tế cũng sẽ là một điều kiện cần để việc nghiên cứu khoa học nói chung và các đề tài khoa học của Việt Nam dần tiệm cận, hội nhập với nghiên cứu khoa học quốc tế.

Nguyệt Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/dao-tao-tien-si-kiem-dinh-bang-bai-bao-quoc-te/291290.vgp