Đào tạo nhân tài:Nhà nước có thể hành xử như tư nhân?

Muốn hành xử như khu vực tư, trong khi chính quyền lại không hề có cơ chế tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm của khu vực tư.

Từ chuyện lùm xùm về việc dùng tiền ngân sách cử người đi đào tạo đến việc đề xuất “đấu giá” nhân tài ở Đà Nẵng, ông Giản Tư Trung - Người sáng lập Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) và là tác giả của cuốn sách có nhiều ảnh hưởng “ĐÚNG VIỆC - một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã chia sẻ với Đất Việt góc nhìn của ông về câu chuyện gây nhiều dư luận này.

Ông Giản Tư Trung - Người sáng lập Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)

PV:- Thưa ông, tại một hội thảo bàn về vấn đề sử dụng nhân tài, Đà Nẵng đưa ra đề xuất nên có hình thức chuyển nhượng nhân tài do thành phố đào tạo cho khu vực tư nhân. Việc chuyển nhượng này được xem như một cuộc “đấu giá” và chi phí đào tạo sẽ được trừ dần vào lương của người đó. Ông bình luận thế nào về ý tưởng trên?

Ông Giản Tư Trung: - Câu trả lời của tôi cũng đơn giản thôi: Đào tạo hay tuyển dụng nhân sự hay nhân tài... tất cả đều phải dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là pháp luật và thứ hai là quy luật. Mọi lùm xùm, tranh chấp hay kiện tụng giữa chính quyền và người được cử đi đào tạo nước ngoài đều có nguyên nhân chính xuất phát từ việc không tôn trọng quy luật (quy luật về đào tạo và tuyển dụng) và/hoặc không chặt chẽ về pháp luật (hợp đồng ký kết giữa hai bên thiếu chặt chẽ và/hoặc không tôn trọng quy luật).

Về pháp luật, là bao gồm những thủ tục pháp lý, các cam kết trong hợp đồng thỏa thuận giữa chính quyền Đà Nẵng với người được cử đi đào tạo. Đây là cơ sở ràng buộc giữa “nhân tài” với bên đầu tư chi phí đào tạo nhân tài (là phía chính quyền Đà Nẵng - PV) trước và sau khi cử người đi đào tạo. Hai bên cứ theo hợp đồng mà hành xử. Trong trường hợp có sự thay đổi so với hợp đồng đã ký thì phải có sự thỏa thuận giữa hai bên về sự thay đổi này, nếu không thì sẽ phải chịu sự chế tài theo hợp đồng này. Còn nếu theo hợp đồng mà cũng không ràng buộc được nhau thì, hoặc là cái hợp đồng này không chặt chẽ, hoặc là hợp đồng chặt chẽ nhưng công tác hành pháp không nghiêm.

Đó là về pháp luật còn về quy luật thì sao? Quy luật ở đây là quy luật cung-cầu của thị trường lao động. Nếu hợp đồng được ký kết mà không dựa trên quy luật cung-cầu của thị trường lao động thì hợp đồng đó cho dù có chặt chẽ mấy cũng không khả thi trên thực tế.

Do vậy, việc chuyển nhượng nhân tài cho khu vực tư nhân sử dụng sẽ cần lưu ý đến mấy vấn đề sau:

1/ Nhà nước xem những người này là nhân tài và cử đi học, nhưng khu vực tư nhân có xem những người này là nhân tài không? Và nếu xem là nhân tài thì tài về cái gì? Chữ “tài” là một tính từ, nó sẽ ko có nhiều ý nghĩa nếu không đi kèm một danh từ là tài về “cái gì”, chặn hạn như tài lãnh đạo, tài quản lý, tài đá bóng, tài vẽ tranh, tài ca hát…

2/ Chuyển nhượng như thế thì có hợp pháp không? Tức là có vi phạm hợp đồng mà hai bên (nhà nước và “nhân tài”) đã ký kết không?

3/ Chuyển nhượng như thế có phù hợp quy luật cung cầu của thị trường lao động không? Tức là, người lao động có được tự do lựa chon công việc phù hợp với mình? Người tuyển dụng có được tự do tìm hiểu và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình? Và với sự tự do đó thì hai bên có thể gặp nhau không? Có thể xảy ra trường hợp, nhân tài X muốn vào công ty A nhưng công ty A lại không muốn tuyển dụng nhân tài X; Ngược lại, công ty A muốn tuyển dụng nhân tài Y nhưng nhân tài Y lại không muốn đầu quân cho công ty A.

Tôi cho rằng việc đấu giá “nhân tài” ở đây là không phù hợp lắm. Chẳng qua chính quyền đã bỏ tiền ra cử người đi học nhưng người đó lại không làm cho chính quyền (vì nhiều lý do khác nhau) nên chính quyền muốn lấy lại tiền đã đầu tư. Tôi nghĩ, thay vì sáng tạo ra cách “đấu giá” hay gì gì đó để lấy lại tiền thì hãy cứ theo hợp đồng đã ký mà xử nhau. Nếu nhân tài đã ký cam kết với chính quyền, nhưng nhân tài lại không thực hiện cam kết thì nhân tài phải bồi thường theo quy định trong hợp đồng mà hai bên đã ký. Nếu nhân tài không thực hiện cam kết, cũng không chịu bồi thường thì chính quyền cứ kiện ra tòa. Đúng sai có tòa án phán xử. Còn nếu nhân tài không thực hiện cam kết, cũng sẵn lòng bồi thường vi phạm, nhưng không có tiền bồi thường thì cứ để cho nhân tài tự tìm việc và kiếm tiền trả lại cho chính quyền. Nếu sau thời hạn bao nhiêu năm mà vẫn không trả thì chính quyền sẽ kiện nhân tài ra tòa.

PV:- Hội thảo diễn ra trong bối cảnh có nhiều nhân tài tại Đà Nẵng sẵn sàng "dứt áo ra đi" vì không được vào biên chế hoặc môi trường làm việc không phù hợp. Thông tin từ phía Đà Nẵng cũng cho biết, họ tiếp nhận 12 nhân tài thì chỉ có 4 người được vào biên chế, 8 người đang chờ đợi. Có người vào làm 7 năm vẫn phải xin nghỉ vì không được vào biên chế. Quan điểm của ông về việc này? Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến Đà Nẵng loay hoay với thực tế nêu trên?

Ông Giản Tư Trung: - Theo tôi, nguyên nhân khiến chính quyền cứ loay hoay với thực tế này là vì, chính quyền cứ muốn hành xử như khu vực tư, trong khi chính quyền lại không hề có cơ chế tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm linh hoạt và hiệu quả của khu vực tư.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dao-tao-nhan-tainha-nuoc-co-the-hanh-xu-nhu-tu-nhan-3321761/