Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thị trường

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức dạy nghề cho hơn 4,5 nghìn lao động nông thôn. Nhờ đó, nông dân một số địa phương đã phát triển nghề, tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống. Tăng kỹ năng, kinh nghiệm Định hướng theo nhu cầu thị trường Đinh Nguyệt

(Baonghean) - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức dạy nghề cho hơn 4,5 nghìn lao động nông thôn. Nhờ đó, nông dân một số địa phương đã phát triển nghề, tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống.

Tăng kỹ năng, kinh nghiệm

Xã Nam Lộc (Nam Đàn), trước đây bà con nông dân có nghề chăn nuôi bò thịt theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu nuôi kiểu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng từ năm 2013, được học lớp chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với xã tổ chức, số hộ chăn nuôi bò quy mô tăng lên 30 hộ. Gia đình bà Đậu Thị Hà (xóm 4) trước đây chỉ nuôi bò thịt, sau khi được đào tạo nghề, bà đã mở rộng chăn nuôi bò sinh sản.

Bà Hà cho biết: “Chúng tôi được học kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, phòng bệnh nên biết cách trộn, ủ chua thức ăn giúp bò tăng trọng nhanh hơn... Nhờ vậy, hiệu quả chăn nuôi cao hơn; mỗi năm gia đình tôi bán 2 lứa bò thịt và bò con, thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm”.

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề chăn nuôi mà nhiều hộ gia đình ở xã Nam Thanh (Nam Đàn) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, toàn xã có khoảng 139 trang trại chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao. Nhiều hộ có kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, hạn chế chi phí đầu tư, phòng dịch bệnh; tăng thu nhập, đồng thời cung cấp lợn giống cho bà con địa phương. Ở các xóm Đông Lĩnh, Nam Sơn xã Hùng Tiến, sau khi được học nghề trồng nấm, 20 hộ đã thành lập được hai tổ, nhóm hộ sản xuất nấm... Nghề này vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có, vừa mang lại nguồn thu khá ổn định; mỗi năm hai tổ trồng nấm thu khoảng 36 triệu đồng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân Phúc Thành (Yên Thành).

Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cho nông dân Phúc Thành (Yên Thành).

Từ năm 2011 đến nay, Trạm Khuyến nông Nam Đàn đã tổ chức được 11 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 lao động nông thôn ở các xã Nam Thanh, Hùng Tiến, thị trấn, Nam Hưng, Nam Tân, Nam Lộc; với các nghề: sản xuất rau an toàn, chăn nuôi bò, nuôi gà, nuôi lợn và trồng nấm. Trao đổi về hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Hoàng Thị Ánh - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Sau các lớp đào tạo nghề, bà con nông dân đã biết ứng dụng các kiến thức được học để phòng và trị các bệnh thường gặp ở gà, lợn, không phải nhờ cán bộ thú y của xã. Biết phối trộn các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm theo từng độ tuổi, biết chọn giống và thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò; hiểu rõ kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, một số học viên được nhận vào làm công nhân tại các trang trại trên địa bàn.

Tại Yên Thành trước đây nghề trồng nấm có truyền thống tại một số xã Sơn Thành, Nam Thành, Long Thành. Sau khi huyện mở lớp dạy nghề cho nông dân, bà con có thêm kinh nghiệm sản xuất nấm trên địa bàn. Đến nay, nghề trồng nấm đã được phát triển mới ở một số xã như: Xuân Thành, Phúc Thành, Hậu Thành...; mỗi xã có từ 10 -15 hộ trồng nấm. Ông Đặng Ngọc Thư - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Yên Thành cho biết: Thời gian qua, huyện đã tổ chức được trên 17 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, nấm, chăn nuôi lợn... Nông dân sau khi học nghề có thêm nhiều kiến thức, đặc biệt biết cách tạo ra sản phẩm rau sạch cạnh tranh thị trường. Sau các khóa học, nhiều nông dân đã tự tạo việc làm cho mình.

Sau 5 năm triển khai Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 159 lớp với 4.972 học viên tham gia học 11 nghề sản xuất. Ngoài các lớp đào tạo nghề, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các công ty để xây dựng mô hình, hội thảo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Nhờ vậy, nông dân đã dần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang đầu tư phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn. Nhiều hộ gia đình biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống.

Định hướng theo nhu cầu thị trường

Mặc dù các lớp đào tạo nghề đã cung cấp cho nông dân kiến thức sản xuất, kỹ thuật sản xuất chăn nuôi nhằm ứng dụng nâng cao năng suất, thu nhập, nhưng theo ông Cao Xuân Tuấn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khó khăn hiện nay là đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức, nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quy hoạch, định hướng nghề đào tạo phù hợp với tình hình sản xuất, điều kiện kinh tế của địa phương. Chưa có cơ chế chính sách cụ thể để tạo điều kiện hỗ trợ người học trước và sau khi học nghề. Đặc biệt chưa có sự quan tâm, vào cuộc có hiệu quả của các doanh nghiệp, công ty, nhà máy... trong việc hỗ trợ đào tạo, thu hút lao động và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau học nghề.

Nhiều lớp đào tạo nghề đã cung cấp cho nông dân kiến thức sản xuất, ứng dụng nâng cao năng suất, thu nhập.

Thực tế, những học viên nông dân được tham gia lớp đào tạo nghề chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, bởi vậy, họ thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nghề. Ví như, ở huyện Quỳ Hợp, vùng đồi núi thuận lợi phát triển chăn nuôi hàng hóa. Sau khi huyện tổ chức 8 lớp dạy nghề chăn nuôi lợn, gà cho bà con một số xã vùng sâu, vùng xa, họ đã triển khai mô hình khá hiệu quả. Thế nhưng, để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất với quy mô, theo hướng hàng hóa, bà con nông dân miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Phan Thanh Tâm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quỳ Hợp, không chỉ thiếu nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đầu ra các sản phẩm của bà con cũng chưa ổn định.

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là hướng đi phù hợp với nhu cầu của nông dân và định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề phải xuất phát từ nhu cầu ngành nghề của nông dân, nhu cầu của thị trường. Cần gắn các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông với dạy nghề để nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề cho người học. Các ngành, địa phương cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo, sử dụng lao động và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho những nông dân sau học nghề, giúp họ có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế.

Đinh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201611/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-gan-voi-thi-truong-2754499/