Đào tạo ngành Nhân sự: 'Cầu' cao nhưng 'cung' thấp

Đầu tư cho người làm công tác quản trị nhân sự để có nguồn nhân lực chất lượng cao đang được các DN đặc biệt quan tâm. Song, cũng như các ngành nghề khác, sinh viên ngành Nhân sự cũng bộc lộ nhiều điểm yếu chưa đáp ứng được yêu cầu...

Nhu cầu quản lý nhân sự ngày càng tăng

Nếu bộ phận bán hàng mang lại doanh thu, lợi nhuận về cho doanh nghiệp (DN) thì bộ phận nhân sự lại được coi như là hậu phương vững chắc giúp con thuyền của doanh nghiệp tiến lên vững chắc. Sự cần thiết và quan trọng của bộ phận nhân sự còn thể hiện ở việc định hướng và quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng và phát triển lâu dài của DN. Đơn cử, tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia như P&G, Unilever, Samsung, Microsoft,… nhằm đảm bảo nguồn nhân lực luôn dồi dào phục vụ cho các mặt hoạt động của doanh nghiệp, người ta còn bổ nhiệm vị trí Giám đốc nhân sự thay vì chỉ là trưởng bộ phận nhân sự và là một mảng kiêm nhiệm thêm như trước đây. Đây cũng chính là chiến lược, chính sách được nhiều công ty tại Việt Nam áp dụng nhằm chuyên nghiệp hóa trong việc thu hút nhân tài đầu quân cho DN.

Vì ở vị trí quan trọng trong DN và là công việc liên quan đến giải quyết mọi vấn đề của con người nên nghề quản lý nhân sự cũng đòi hỏi các ứng viên có những tố chất riêng nhất định. Ngoài kỹ năng mềm, thì người làm nhân sự còn phải có tính điềm tĩnh, chín chắn, cẩn thận, tinh tế, biết lắng nghe, có mong muốn giúp con người phát triển khả năng của họ.

Sinh viên ngành Nhân sự cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh minh họa.

Sinh viên ngành Nhân sự cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh minh họa.

Đồng thời, vì sự quan trong như trên đã nói mà trong báo cáo về cung – cầu lao động trên thị trường hàng quý và hàng năm của nhiều mạng tuyển dụng trực tuyến như Vietnamwwork, Jobstreet… thì nhu cầu nguồn nhân lực ngành nhân sự luôn chiếm ở tốp đầu của bảng tuyển dụng của DN. Song nguồn cung nhân lực nhân sự tuy dồi dào nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu của DN.

Theo bà Hoàng Thị Thu Trang - Trưởng bộ phận Quản lý chính sách nhân sự của Tập đoàn Vingroup, điểm yếu lớn nhất của sinh viên ngành Nhân sự cũng giống như sinh viên các ngành khác là quá thiếu kĩ năng, chỉ biết “cái gì” chứ không biết “như thế nào”. Chẳng hạn, một em có thể làu làu quy định của một sinh viên nhưng không biết cách tìm một bộ hồ sơ cá nhân trên mạng. Nhiều em chưa tiếp cận được thực tế của một sinh viên nhân sự. Phần lớn các em được tôi hỏi thừa nhận đã “bị ngợp” khi không biết bắt tay vào công việc nhân sự thực tiễn tại DN ra sao. Chưa kể, các em yếu về ngoại ngữ nên mất đi cơ hội được tiếp cận với các công ty nước ngoài hay đối với DN sử dụng lao động nước ngoài (đang là xu thế của nhiều DN Việt hiện nay) thì không có ngoại ngữ thì làm sao phỏng vấn được ứng viên người nước ngoài, dù chỉ là tiếng Anh phổ thông?!

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Hồng Quân - Giám đốc nhân sự khu vực của công ty Piaggio Việt Nam cho biết thêm, nhiều sinh viên lướt web, mạng facebook rất nhanh nhưng lại không có khả năng viết và thuyết trình bằng powerpoint. Điều này cho thấy việc trao dồi kỹ năng sử dụng máy tính của sinh viên cho công việc còn chưa ổn.

Dạy ít, thực hành nhiều

Chia sẻ về việc đào tạo nhân lực ngành Nhân sự của các trường ĐH tại cuộc hội thảo quốc gia về vấn đề này do trường vừa tổ chức ngày 19/10, GS.TS Phạm Quang Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, ngành Nhân sự là một trong những ngành học có nhiều môn tổng hợp nhất tại trường.

Hiện nay, nhu cầu của ngành học này khá cao nên yêu cầu nhà trường phải đổi mới rất lớn. Tuy nhiên lâu nay sinh viên ngành này toàn học những thứ xa vời ở trên cao nhưng đến khi ra trường lại trượt ngã bởi những thứ bình thường nhất. Điều này cho thấy, việc chỉ học thôi chưa đủ mà sinh viên phải cần được trau dồi các kỹ năng mềm (ngoại ngữ, vi tính, khả năng thuyết trình, thuyết phục…) cũng như phải được cọ xát, thực hành trong môi trường thực tế DN nhiều hơn.

Nhấn mạnh hơn về việc này, theo TS Đỗ Xuân Trường - Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), chủ trương của nhà trường là dạy ít nhưng học nhiều. Nghĩa là giáo viên chỉ dạy đủ kiến thức nền tảng, còn lại dành thời gian cho các em đi kiến tập, thực tập tại DN để các em thành thạo công việc ngay từ khi vừa ra trường và có thể chủ động làm được ngay sau khi được tuyển dụng. Còn tại ĐH Hoa Sen, chương trình đào tạo ngành Quản trị nhân lực còn được bám sát với thực tế công việc, dựa trên bảng mô tả công việc của các chức danh cán bộ nhân sự hoạt động tại các công ty trong và ngoài nước. Đặc biệt, với hai kỳ thực tập trong suốt thời gian học sẽ giúp SV tiệm cận với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, sinh viên được tạo điều kiện tham gia các chương trình Quản trị viên tập sự và Customer Development Fresh của Unilever cũng như có cơ hội tham gia vào cuộc thi Nhà nhân sự tài năng. Đây là cuộc thi do ĐH Hoa Sen đăng cai tổ chức giúp SV phát triển những kỹ năng làm việc trong ngành Nhân sự cũng như là cơ hội nhằm giới thiệu CV của mình tới các nhà tuyển dụng lớn, tiềm năng như VNG, Jobstreet, Oxyland, Talent Viet, Metro, Decathline….

Đồng quan điểm, nhiều nhà quản lý nhân sự của các DN cũng cho rằng việc đào tạo nhân lực ngành nhân sự cần có những chương trình đào tạo, tình huống đào tạo sát với thực tiễn đời sống của DN hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian thực tập tại các DN sẽ nhiều hơn trong chương trình học hay cùng với các giảng viên cơ hữu thì các trường cần tăng cường các giờ cho giáo viên thỉnh giảng là những nhà quản lý nhân sự của DN hay chính các cựu sinh viên ngành nhân sự ra trường làm ở các DN để họ chia sẻ và cập nhật được các kinh nghiệm hay.

H.Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dao-tao-nganh-nhan-su-cau-cao-nhung-cung-thap-44083.html