Đào tạo liên thông lên đại học: Không thể “vàng thau lẫn lộn”

Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH mà Bộ GD & ĐT vừa ban hành, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/2/2013. Tinh thần của quy định mới này nhằm siết lại kỷ cương đào tạo liên thông, không cho phép tồn tại tình trạng liên thông vô tội vạ, chất lượng sút kém; ở nhiều trường, liên thông còn được ví như “sân sau” để các trường làm kinh tế…

Tuy có gây “sốc” với nhiều sinh viên nhưng quy định mới này được kỳ vọng là một cú hích để siết lại chất lượng giáo dục đại học, nhất là ở hệ đào tạo phi chính quy.

Theo quy định liên thông mới, người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm.

Từ năm 2013, sinh viên học liên thông sẽ được đào tạo theo hình thức tín chỉ, không còn hình thức đào tạo theo niên chế.

Với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Quy định mới còn quy định, cơ sở giáo dục đại học chỉ được tổ chức đào tạo liên thông khi có đủ các điều kiện: Có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học của ngành đào tạo liên thông; có báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại học và triển khai kiểm định chất lượng theo tiến độ do Bộ GD&ĐT quy định; đã công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trên trang thông tin của trường theo quy định.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD & ĐT cho biết, trước đây, liên thông được thực hiện theo Quyết định 06, nhưng sau một thời gian dài thực hiện, Quyết định 06 đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa nói đúng được bản chất của đào tạo liên thông vì liên thông là hình thức đào tạo bảo lưu kết quả của giai đoạn trước để học ở giai đoạn sau, rút ngắn thời gian học tập, giảm được kinh phí đào tạo.

Thực tế nhiều trường không thực hiện đúng tinh thần 06, nên đã xây dựng chương trình đào tạo riêng cho liên thông ở các hệ từ xa, liên kết, vừa học vừa làm, rút ngắn thời gian đào tạo để cấp bằng chính quy như vậy là sai bản chất. Bên cạnh đó, nhiều trường không đủ điều kiện để liên thông nhưng vẫn liên thông trái phép, dẫn đến chất lượng đào tạo sụt giảm. Nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã từ chối nhận sinh viên bằng liên thông.

Cũng theo Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn, Bộ GD&ĐT đã đi khảo sát ở nhiều trường, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, đưa thông tin lên mạng xin ý kiến và lấy ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đó là cơ sở khoa học để cho ra đời thông tư mới này, nhằm đảo bảo chất lượng đào tạo đối với cả người học chính quy và liên thông. Đấy cũng là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho người học, lấy lại uy tín cho người lao động, cho nhà trường.

Mặc dù sinh viên ở nhiều trường đang “sốc” với quyết định liên thông mới với lý do, nếu sau khi ra trường 3 năm, quay lại thi thì kiến thức sẽ rơi rụng hết, coi như chặn đầu ra của sinh viên liên thông; nhưng qua trao đổi với PV Báo CAND, lãnh đạo nhiều trường đại học đều đồng tình với quyết định mới này, dù có trường sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ tới “thu nhập của giáo viên”.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại chia sẻ, quy định mới này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho những trường tư thục, dân lập vốn đã khó khăn về nguồn tuyển sinh. Nhưng nếu vì mục tiêu lớn lao là nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì khó đến mấy cũng phải thực hiện. Quan điểm của GS Đinh Văn Sơn cho rằng, đây là một “luật chơi” mới đối với sinh viên liên thông và chính quy, mà đã là luật chơi thì phải bình đẳng. Bản thân những em học cao đẳng hay trung cấp để liên thông, tức là đầu vào các em đã không đủ điều kiện học đại học hệ chính quy.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu vào của ngành tài chính – ngân hàng hệ cao đẳng, chỉ 10 điểm là có thể đỗ, trong khi cũng ngành ấy hệ đại học của ĐH Thương mại lại lấy tới 22 điểm. Đầu vào quá khác biệt, làm sao đầu ra như nhau được. Không thể vàng thau lẫn lộn. “Giỏi thì đi thẳng, chưa giỏi thì đi đường vòng. Tuy nhiên, khi thực hiện, Bộ nên chú ý khâu thanh tra, kiểm tra, trường nào làm sai phải kiên quyết xử lý, có thể đình chỉ đào tạo liên thông” – GS.TS Đinh Văn Sơn bày tỏ.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Bổng, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho rằng, đã đến lúc phải siết lại liên thông. ĐH Công nghiệp trước đây liên thông thường chiếm chỉ tiêu lớn (khoảng 3.000), nhưng như năm 2012, nhà trường đã chủ động giảm xuống 1.900 chỉ tiêu.

PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho PV Báo CAND biết, đúng là liên thông những năm qua có vấn đề. Để giữ thương hiệu, Học viện Bưu chính viễn thông đã ưu tiên chỉ tiêu cho hệ chính quy, hạn chế tuyển cao đẳng và hạn chế dần chỉ tiêu liên thông.

PGS.TS Lê Hữu Lập còn cho hay, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chưa thể liên thông ngay được mà đòi hỏi phải có kiến thức thực tế, 3 năm đối với các em “đi đường vòng” cũng chưa phải là quá dài. Với đối tượng này, các trường đại học sẽ tổ chức thi liên thông.

Nhưng PGS.TS Lê Hữu Lập băn khoăn, với những em tốt nghiệp chưa đủ 3 năm mà yêu cầu các em dự thi đại học như những thí sinh phổ thông thì sẽ là không tưởng. Khi đó, giá trị bảo lưu kết quả của bản chất liên thông sẽ không được bảo đảm. Bộ nên nghiên cứu lại quy định này!

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/1/189240.cand