Đảo Jeju - Thiên đường trăng mật

(TGĐA) - Với dân làm phim, đảo Jeju là phim-trường-không-tường lớn nhất xứ Hàn. Với các cặp tình nhân, Jeju chính là thiên-đường-trăng-mật. Phong cảnh trên đảo Jeju lãng mạn y như… trong phim, và không khí trong lành đến mức, tưởng chỉ có ở chốn thiên đường thật sự. Lần nào cũng vậy, khi máy bay hạ xuống Jeju, tôi vẫn háo hức như lần đầu hò hẹn... Jeju như một cô gái đương thì căng tràn sức sống...

Những "mỹ nhân ngư" tuổi 60

Cô bạn người Jeju, học cùng đại học với tôi, khẳng định đó là ba điều tạo nên sự khác biệt và quyến rũ của vùng đảo quê mình.

Các nhà địa chất mê đảo Jeju bởi nơi đây vẫn còn những vách đá, dung nham, hang động… được hình thành từ khoảng 300 ngàn năm trước.

Jeju không quá lạnh như Seoul hay Daegu, Gwangju… vì là đảo cực nam của Hàn Quốc. Tuy nhiên, với những bạn Hàn quen sống trong “đất liền”, gió Jeju có thể khiến cơ thể “lảo đảo”. Vậy mà dân nhiệt đới gió mùa chính hiệu như tôi lại chẳng chút hề hấn khi vừa rời khỏi máy bay.

Trong khi các bạn Hàn Quốc “đất liền” lúp xúp chạy tránh gió, cô gái bé con Việt Nam có thể ngẩng mặt khoái trá tận hưởng từng cơn gió mặn mùi biển cứ từng đợt từng đợt thốc vào người, như thể chỉ muốn hất tung con người ta xuống biển. Nhiều gió như thế nên có khá nhiều mô hình cối xay gió khổng lồ trên đảo. Thậm chí, cô bạn Jeju còn đưa cả nhóm đến một nơi cơ man nào là cánh quạt, lợi dụng “kho tàng” gió để chuyển thành năng lượng.

Jeju vốn được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa. Do đó, trên đảo đâu đâu cũng thấy đá đen. Đá nằm khắp nơi hai bên đường, đá xếp thành hàng rào bao quanh vườn quýt, đá nằm dọc bờ biển, đá được tạc tượng… nhiều không kể xiết. Đá nhiều, ít đất nông nghiệp nên ở Jeju chỉ trồng được một số loại cây ăn trái như quýt, hồng. Cả hai loại trái cây này đều trở thành đặc sản nổi tiếng của Jeju. Ngoài ra, có một loại đặc sản còn quý hơn quýt và hồng, đó chính là linh chi.

Ghé thăm bất kỳ nhà người dân Jeju nào, bạn cũng sẽ được mời dùng linh chi mật ong. Chỉ mới ngửi sơ qua, cơ hồ đã thấy tinh thần sảng khoái. Vậy là chỉ cần vừa “chạm mặt”, bạn đã có thể tận hưởng hai nét đặc trưng đầu tiên của Jeju. Nét đặc trưng thứ ba chính là các “mỹ nhân ngư” tuổi 60.

Thật trùng hợp và may mắn, mẹ cô bạn tôi là một trong khoảng hơn ba nghìn “mỹ nhân ngư” tuổi 60 ở Jeju hiện nay. Jeju ngày trước nghèo lắm, không thể trồng lương thực. Con người phải dựa vào việc săn bắt hải sản để đổi lấy lương thực trong đất liền. Đó là chưa kể, vì xa xôi, lộ trình khó khăn, những người đảm nhận công việc vận chuyển thường là đàn ông. Hơn nữa, vùng đất hẻo lánh hoang vu này là nơi giam cầm các tội phạm nguy hiểm. Đàn ông phải kiêm thêm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ.

Người đàn ông chỉ săn bắt hải sản khi không còn sự lựa chọn nào khác, vì thu nhập thấp mà còn bị đánh thuế cao. Trong khi đó, phụ nữ làm công việc này lại được miễn thuế. Chính sách đó vô tình tạo ra điểm đặc trưng thứ ba của Jeju: Các nữ thợ lặn, chuyên gia “sục sạo” dưới đáy biển sâu, trở thành trụ cột chính của gia đình. Nữ thợ lặn Jeju không đeo bình khí như nam giới vì vật dụng này quá nặng với họ. Chỉ cần bộ đồ lặn màu đen và một kính bơi là có thể “hành nghề”.

Cô bạn Jeju cười bẽn lẽn khi tôi hỏi: “Bạn có thể lặn như mẹ không?”. Tất nhiên là không! Các cô gái Jeju giờ đây thường vào “đất liền” hay ra nước ngoài học đại học chứ không nối nghiệp mẹ. Những năm 50 thế kỷ trước, Jeju có khoảng 30 nghìn “mỹ nhân ngư”. Hiện nay, nơi đây chỉ còn khoảng gần sáu nghìn người. Hơn

80% số này đã trên 60 tuổi. Có lẽ, khi “mỹ nhân ngư” trở thành “đặc sản” - đã có cả bảo tàng Haenyo (tiếng Hàn nghĩa là mỹ nhân ngư - Sea woman), số phụ nữ theo nghề lặn sẽ dần mai một.

Một anh bạn ghiền phim thứ thiệt trêu cô bạn Jeju khi cô nàng chẳng nhớ nổi tên bộ phim điện ảnh nổi tiếng về “mỹ nhân ngư” của hòn đảo này. Đó là phim Ineo Gongju (My Mother, the Mermaid), có sự góp mặt của nữ hoàng điện ảnh Jeon Do Yeon.

Nếu có dịp, bạn thử xem bộ phim thú vị này để hiểu thêm về “đặc sản” của đảo Jeju nhé!

Nhiều bảo tàng đẹp và rất thú vị không thể bỏ qua khi đến nơi này. Gợi ý cho bạn là Bảo tàng Gấu Teddy, Bảo tàng Haenyo vinh danh các nữ thợ lặn Jeju, hình ảnh 3D tạo hiệu ứng như chụp với cảnh thật. Kế đó là Bảo tàng Trà xanh O’Sulloc, Làng dân tộc Seongeup - phim trường của bộ phim dẫn đầu làn sóng Hàn "xâm chiếm” thế giới Dae Jang Geum

Khó so sánh về chất lượng hay quy mô như ở Seoul nhưng bảo tàng ở Jeju chính là phim trường của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật xứ kim chi. Toàn bộ đảo Jeju được ví von là phim-trường-không-tường lớn nhất xứ Hàn.

Nếu Dae Jang Geum là bộ phim cổ trang giúp du lịch Jeju “lên ngôi” thì All In của cặp tình nhân một thời Song Hye Kyo - Lee Byeong Hyeon chính là bộ phim phát hiện tiềm năng của Jeju. Tri ân bộ phim này, người Jeju giữ lại toàn bộ bối cảnh phim và giới thiệu với khách du lịch. Cơn bão lớn Maemi năm 2003 đã phá hủy toàn bộ bối cảnh này nhưng chính quyền Jeju đã chi hơn 3 tỉ won để xây mới lại All In House.

Một lời khuyên cho những ai lần đầu đến thăm Jeju: Đừng bỏ qua cảnh đẹp lúc bình minh tại Seongsan. Với vách núi thẳng đứng, bên dưới là cánh đồng cỏ xanh tốt, Seongsan là điểm đón tia nắng mặt trời đầu tiên tại Jeju. Còn gì thơ mộng hơn khi bạn và người ấy cùng đón bình minh trên cánh đồng cỏ xanh ngát.

Gần Seongsan là con dốc “ma quái”. Đoạn đường ngắn chỉ khoảng 100 mét. Nhìn bằng mắt thường, ta thấy rõ các loại xe dù tắt máy vẫn leo dốc ngon lành. Với các nhà quang học, hiện tượng này không khó giải thích nhưng khách du lịch thì rất khoái thử xem một lần cho biết.

Công viên quốc gia Hallasan, thác nước Cheonjiyeon, hang động Manjanggul, mê cung Gimnyeong là điểm đến tiếp theo của bạn. Đỉnh Hallasan cao nhất Jeju là người-đẹp-bốn-mùa nơi đây. Cheojiyeon nghĩa là “trời và đất”. Cũng chính vì thế nên thác nước Cheojiyeon thật sự hùng vĩ. Mê cung Gymnyeong nối liền hai hang động nổi tiếng là Manjanggul và Gimnyeongsagul. Sau khi thăm thú hai hang động khoảng 300 nghìn tuổi này, bạn nhất định phải ghé thăm mê cung Gymnyeong để “vượt lên chính mình” chứ nhỉ! Nếu có bản đồ trong tay, có lẽ chỉ cần khoảng năm phút, còn nếu không, phải mất hơn 30 phút để bạn thoát khỏi mê cung này.

Điểm du lịch trọng yếu

Bạn chỉ cần visa du lịch là có thể đến thẳng đảo Jeju mà không phải ghé vào "đất liền" với các thủ tục nhập cảnh khá rắc rối.

Người Jeju làm du lịch rất giỏi. Họ cũng nồng nhiệt, niềm nở, chân thành và đặc biệt uy tín. Tài xế taxi ở Jeju (cũng như tất cả các nơi khác tại Hàn Quốc) không đòi thêm tiền bồi dưỡng. Ở khách sạn hay nhà hàng cũng vậy. Họ chỉ tính tiền theo đúng giá niêm yết.

Tuy dân địa phương ít nói tiếng Anh nhưng không vì vậy mà chuyến du lịch "bụi" của bạn gặp rắc rối. Tất cả các điểm du lịch ở Jeju đều có bảng thông tin bằng bốn thứ tiếng Hàn - Anh - Nhật - Trung.

Hệ thống khách sạn đa dạng, giá tương đối dễ chịu, có thể đặt phòng trước qua mạng.

Nếu bạn không đi tour với một công ty du lịch, việc đi lại sẽ khá vất vả. Lý do: các điểm du lịch nơi đây thường nằm rải rác và xa khu trung tâm, khá xa các bến xe buýt. Tốt nhất bạn thuê xe đạp hoặc ô tô để chủ động thăm thú.

Lưu ý: Jeju nhiều gió và mưa nắng bất chợt nên vật bất ly thân của bạn ngoài máy ảnh, bản đồ, còn có dù (nếu đi ô tô) và áo mưa (nếu đi xe đạp).

Mai Khôi

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=34:phia-sau-ong-kinh&id=4996:cha-co-nho-jeju-thien-ng-trng-mt&Itemid=27&option=com_content&view=article