Đạo đức nghề báo: Hướng tới sự chuyên nghiệp

ICTnews - News of the World, tờ báo “lá cải” hàng đầu nước Anh vừa bị đóng cửa đã trở thành một ví dụ vô cùng sinh động về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp mà báo chí Việt Nam đang xây dựng trong quá trình tiến tới sự chuyên nghiệp.

Không chỉ là “lá cải” Lâu nay có nhiều quan điểm thường lên tiếng chê bai những tờ báo “lá cải” của phương Tây, song phương châm “lá cải” đáng tiếc lại đang là hướng đi của một số tờ báo, nhất là báo điện tử hiện nay. Theo ông Lê Quốc Minh, TBT báo điện tử Vietnamplus, nếu thử đặt những nội dung câu khách trên một số báo điện tử của Việt Nam bên cạnh những “lá cải” của phương Tây và đánh giá sòng phẳng, có lẽ khi đó quan niệm của chúng ta sẽ thay đổi ít nhiều và “lá cải” có lẽ trở thành món ăn dễ chấp nhận hơn những thông tin mà độc giả đang phải đọc trên không ít tờ báo điện tử. Theo ông Minh, có thể thấy rõ một “công thức phát triển” duy nhất của các trang tin tức này: kéo người đọc bằng những nội dung gây sốc. Kiểu sốc có phần “đàng hoàng” là những vấn đề gây tranh cãi trong xã hội, tuy nhiều khi sai phạm vì sa vào lối đưa tin một chiều, võ đoán. Kiểu sốc tồi tệ và phổ biến hơn là đưa lên báo đủ thứ chuyện được xếp vào loại “rác”. Trên các trang báo tràn ngập chuyện sao nọ, sao kia “lộ hàng”, chuyện yêu râu xanh, chuyện giết người dã man. “Có một thời gian hình ảnh trên báo in chỉ cần mang ý nghĩa ám chỉ về tình dục là đã bị phạt, nhưng nay những hình ảnh hở hang đồ lót quá phổ biến, việc đua nhau đăng tải thông tin về clip sex, clip nữ sinh đánh bạn mà thay vì phải lên án lại tiếp tay cho việc truyền bá. Đó là chiêu thức không chỉ được áp dụng ở những trang báo mới ra đời để “câu khách” mà thậm chí có cả những trang vốn được coi là những tờ báo điện tử hàng đầu của Việt Nam”, ông Minh cho biết. Đó là chưa kể tới việc không ít tờ báo bới móc chuyện cá nhân của người này, người kia nhất là những người của công chúng, rồi đưa lên báo theo kiểu thông tin một chiều hoặc ý kiến cá nhân. Tệ hại hơn là kiểu phóng viên khai thác bài bằng cách truy cập vào trang xã hội, các diễn đàn, rồi điềm nhiên cắt dán nội dung từ ý kiến của các cá nhân và viết thành bài báo. Gần đây còn có kiểu gây sốc hơn là trang này “tố” đích danh trang kia đưa thông tin sai lệch, rồi khai thác sâu hơn về cái chủ đề mà bản thân nó đã không đáng đề cập vì chẳng có lợi ích gì cho xã hội. “Một khi tác phẩm báo chí không còn hướng tới mục tiêu phục vụ độc giả, lại bỏ qua những tiêu chuẩn nghề nghiệp, thì đã đến lúc tính chuyên nghiệp trong đạo đức nghề nghiệp cần phải xem lại”, ông Minh nhấn mạnh. Quy tắc đạo đức sẽ làm được gì? Đâu là giới hạn giữa những tin để câu khách và tin cần thiết cho độc giả là mục tiêu mà quy tắc đạo đức nghề nghiệp đang được các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy vậy, không ít người băn khoăn, quy tắc sẽ chỉ là những văn bản được viết ra mà ít có hiệu lực trong thực tế bởi về bản chất, không có chế tài mang tính pháp lý nào xử lý những vi phạm đối với các quy ước do chính các nhà báo đặt ra cho mình. Theo PGS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo VN, những chuyện về đạo đức nghề báo đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng vấn đề là thực hiện điều đó như thế nào bởi về nguyên tắc, đạo đức chỉ là những hành vi có tính chất khuyến cáo, còn việc xử như thế nào là tùy đơn vị báo chí thực hiện. TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thậm chí còn cho rằng, cuộc tranh luận về đạo đức nghề báo sẽ còn kéo dài bởi thực tế, vấn đề đạo đức còn xuất phát từ nhận thức của từng người, từng hoàn cảnh, mỗi cơ quan báo chí sẽ có quan niệm khác nhau và quyết định phụ thuộc vào người đứng đầu. “Ở một số nước, việc vi phạm quy tắc đạo đức đôi khi còn dẫn tới mất việc, ngoài việc tờ báo xin lỗi đối với độc giả, người bị vi phạm. Nhưng ở Việt Nam việc này có bị xử lý hay không lại tùy thuộc vào từng cơ quan. Vì thế, nên khi có vi phạm nếu chỉ là nhắc nhở thì sẽ không có tác dụng”, bà Hằng nhận định. Dẫn chứng về một nghiệp vụ cụ thể của nhà báo, nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam thì cho rằng, trong những trường hợp cụ thể, việc nhập vai của nhà báo trong quá trình tác nghiệp nếu xét về khía cạnh đạo đức sẽ được ủng hộ, tuy nhiên điều này tùy thuộc vào mục đích của việc nhập vai, đó là có phải vì lợi ích chung của cộng đồng. Điều này một lần nữa khẳng định, quy tắc đạo đức cuối cùng của nhà báo chính là trách nhiệm với xã hội của người cầm bút. Hồng Minh Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 83

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/bao-chi-xuat-ban/Dao-duc-nghe-bao-Huong-toi-su-chuyen-nghiep/2011/07/2CMSV7584635/View.htm