Đạo diễn Việt: Đường dài hụt hơi

Có câu “Đường dài mới biết ngựa hay”, quả thực là số đạo diễn Việt ổn định phong độ là vô cùng hiếm hoi. Số lượng đã đành, còn chất lượng thường xuyên phập phù. Từ đạo diễn gạo cội hàng NSND cho đến các đạo diễn trẻ ở ta cũng rơi vào tình trạng đuối dần sáng tạo…

Sáng tạo không chỉ là trời cho

Đúng là trời cho, nhưng sự khổ luyện, cập nhật tri thức và nỗ lực liên tục làm mới mình, coi như mình chưa hề nổi tiếng để bắt đầu lại từ đầu lại khó ai làm được. Ngay như đạo diễn thuộc diện “cây đa cây đề” của điện ảnh Việt như NSND Đặng Nhật Minh sắp được vinh danh tại LHP Amiens (Pháp) tháng 11 tới đây, thì trong 8 phim của ông cũng thể hiện sức sáng tạo “thăng trầm”.

Ngoài một “Bao giờ cho đến tháng mười” hay “Thương nhớ đồng quê” thực sự sáng giá, nhất là phim “Bao giờ cho đến tháng mười” được CNN bình chọn năm 2008 là 1 trong 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, thì các phim sau của Đặng Nhật Minh không cùng đẳng cấp. “Hà Nội mùa đông năm 1946” và “Đừng đốt” dù có giành vô số giải tại các liên hoan phim trong nước nhưng khi được gửi đi dự thi quốc tế thì thất bại.

Diễn viên Thanh Tú trong phim “Dịu dàng” của Lê Văn Kiệt. Ảnh: TL.

Các đạo diễn Việt kiều đem lại luồng gió mới cho điện ảnh trong nước với cách làm phim hiện đại kiểu Mỹ. Duy có một Victor Vũ khá ổn định và đang ở độ chín của nghề nghiệp, nhất là với loạt phim về giới showbiz, tiêu biểu như “Scandal, bí mật thảm đỏ” rồi xoay qua làm một phim về tuổi thơ lại đặc biệt ăn khách là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Còn các đạo diễn Việt kiều khác thì biểu đồ sáng tạo là hình sin. Một Lê Văn Kiệt sau khi bị cấm phát hành hai phim đầu tiên “Rừng xác sống” và “Bẫy cấp ba” lại vẫn hăng hái, “tỏ ra nguy hiểm” trong “Ngôi nhà trong hẻm”, tự nhiên có phần đằm xuống, cố tỏ ra “Dịu dàng”, để rồi làm tiếp một “Nữ đại gia” với sự xuất hiện lần đầu của MC Kỳ Duyên, với nhiều tình tiết phức tạp hơn nhưng cũng thua về doanh thu phòng vé.

Một diễn viên đóng phim hành động có số má chuyển sang làm đạo diễn là Dustin Nguyễn. Anh dường như bị “tẩu hỏa nhập ma” khi tạo ra một món cổ - kim Đông - Tây hỗn loạn với triết lý vay mượn trong “Lửa Phật” đột nhiên “lột xác” làm một phim người tốt việc tốt rất duyên dáng trong “Trúng số”, rồi lại loay hoay sa vào mê hồn trận do chính mình tạo ra trong một phim liêu trai “Bao giờ có yêu nhau”.

Từ một diễn viên có duyên trong các phim của Trần Anh Hùng, Ngô Quang Hải mơ mộng làm đạo diễn và có “Chuyện của Pao” khá ấn tượng, được coi là một thế hệ mới. Nhưng “Mùa hè lạnh” và sau đó là “Hit: Hoàng tử và Lọ lem” bị dư luận “ném đá” tơi bời đã dập tắt phũ phàng tham vọng của Hải.

Đạo diễn trẻ thuộc diện hàng đầu Việt Nam Phan Đăng Di sau một “Bi, đừng sợ” làm nổi sóng làng điện ảnh Việt thì “Cha, con và…” dù được tuyển chọn chính thức tham dự Liên hoan phim Berlin danh giá nhưng theo giới phê bình thì có dấu hiệu đuối sức so với phim đầu tay. Không biết bộ phim thứ ba “Dạ tiệc trăng tròn” của anh sẽ ra sao, nhưng chí ít Phan Đăng Di còn mang lại nhiều hy vọng hơn vì anh là người cầu tiến và kỹ tính đến nghiệt ngã…

“Lệch pha”

Nhìn sang nước khác mới thấy sức sáng tạo của các đạo diễn khác ra sao. Khỏi kể tên các đạo diễn nổi tiếng của Iran có người làm phim nào thắng giải phim ấy. Hoặc không đều về chất lượng nhưng con số 18 phim đã làm của đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk (Hàn Quốc) thực sự gây choáng. Sức lao động của Kim Ki Duk là không mệt mỏi, và dù bộ phim thứ 18 “Moebius” của ông đuối hơn hẳn thì ít nhất như Kim Ki Duk lần đầu tiên đã dám làm một phim mà cả phim không có lời thoại nào, chỉ hình ảnh nói lên tất cả, vì như ông từng nói: “Tôi nghĩ, im lặng cũng là thoại. Sự im lặng là lời thoại đa nghĩa nhất. Tiếng khóc và nụ cười là những lời thoại rất sâu sắc”.Trong khi đó, nhiều đạo diễn Việt đuối sức vì nhiều lý do… Tự ảo tưởng, huyễn hoặc mình sau một vài thành công ban đầu cũng có, thiếu một “phông” văn hóa vững chãi và đặc biệt là nỗ lực liên tục cập nhật làm mới mình, thường trực ý nghĩ về sáng tạo.

Có nhiều đạo diễn Việt không thèm xem phim nước ngoài đã đành mà ngay phim của đồng nghiệp cũng ngó lơ. Một đạo diễn già có tên hay cười ha hả và rất thích bàn về điện ảnh, nhưng khi hỏi thì gần như không hề xem một phim Việt nào, kể cả phim đó gây tiếng vang. Có đạo diễn lại cứ bê nguyên xi công thức thành công của phim đầu, kể cả bộ máy theo mình (quay phim, diễn viên…) sang phim sau và kết quả là phim sau đuối hơn phim trước.

Và một điều nữa, phẩm chất nghệ sĩ - “kỹ sư tâm hồn” - không chỉ cần có trong tác phẩm mà phải từ ngay trong con người nghệ sĩ.

“Văn là người” - câu này là sai trong nhiều trường hợp và với điện ảnh cũng vậy. Có người làm phim hay nhưng lối sống rất tệ, nói thẳng là nhân cách yếu và điều đó cả giới ai cũng biết. Có sự biện minh rằng bao tinh túy tập trung hết vào tác phẩm, còn con người ngoài đời có thể là “rác thải”. Không đúng, nếu bản thể bên trong anh đã hỏng thì dù anh có thể làm ra một số tác phẩm cứ gọi là hay đi chăng nữa cũng không thể giữ mãi phong độ được, vì chính sự “lệch pha” này sẽ phá vỡ anh.

Những đạo diễn bậc thầy như Terrence Malick với tác phẩm nổi tiếng “Cây đời” (Tree of Life) là minh chứng hùng hồn nhất vì sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/dao-dien-viet-duong-dai-hut-hoi-604954.bld