Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc: Liên hoan Phim sẽ có nhiều cái để xem

Gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế với vai trò đạo diễn, tại Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc (ảnh) là người Việt Nam duy nhất được mời tham gia ban giám khảo hạng mục phim tư liệu và phim ngắn.

Trong không khí chộn rộn chung của điện ảnh nước nhà nhân dịp VNIFF 2010, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với nhà làm phim này. * Phóng viên: Vừa làm nghề, vừa quản lý, ông nhận xét gì về tác dụng của Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần đầu tiên này? * Ông BÙI ĐÌNH HẠC: Việc tổ chức Liên hoan phim quốc tế trong bối cảnh nhiều Liên hoan Phim khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang hoạt động, đã làm chúng ta khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính. Tuy nhiên, Liên hoan Phim lần này đã tạo nên một cơ hội mới cho điện ảnh, không chỉ của Việt Nam mà còn có tác động tích cực tới nền điện ảnh chung của khu vực. Đây là Liên hoan Phim quốc tế đầu tiên với ban giám khảo quốc tế và sự tham gia nhiều phim hay của các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Á, nên nó sẽ có tác dụng phát triển, đẩy mạnh vấn đề hội nhập của điện ảnh. Lần này có điều đặc biệt mà tôi chú ý đến, đó là có nền điện ảnh lớn và có những nền điện ảnh khá non trẻ tham gia Liên hoan Phim nên sẽ có rất nhiều cái để xem. * Theo ông, điều gì quyết định sự thành công của một Liên hoan Phim quốc tế? * Yếu tố giữ vai trò quan trọng nhất chính là ban tổ chức. Tiêu chí đầu tiên là mời được nhiều tác phẩm điện ảnh hay, mời được ban giám khảo quốc tế uy tín, giỏi nghề, nhìn nhận ra giá trị đích thực của mỗi tác phẩm dự thi. Và một trong những yếu tố mang tính chất quyết định Liên hoan Phim có thành công hay không là phải tạo ra được sự chú ý đối với các nền điện ảnh thế giới; có mời được nhiều đạo diễn, diễn viên uy tín, được khán giả hâm mộ đến tham dự... * Ông đã từng là thành viên ban giám khảo của nhiều Liên hoan Phim trong nước và quốc tế, vậy có áp lực gì khi làm giám khảo của Liên hoan Phim quốc tế ngay tại nước mình? * Việc lựa chọn ban giám khảo cho mỗi liên hoan phim thể hiện uy tín của chính họ, vì thế người tham gia ban giám khảo không những gánh trên vai uy tín nghề nghiệp của chính mình mà còn mang thêm trọng trách và uy tín của chính Liên hoan Phim đó. Mỗi người đều phải rất công bằng và công minh. Trách nhiệm của chúng tôi là phải chọn ra được những tác phẩm điện ảnh xuất sắc để trao giải và tôn vinh xứng đáng. Không có chuyện tổ chức Liên hoan Phim ở đâu thì nước chủ nhà sẽ có lợi thế. Tôi đã ví Liên hoan Phim giống như một trận đấu bóng đá. Trước trận đấu có rất nhiều thông tin, phỏng đoán được đưa ra. Lực lượng cổ động viên đội nhà cũng rất nhiệt tình, hò reo, gõ trống, thổi kèn xung trận… trước mỗi đợt tấn công của đội nhà. Song, kết quả cuối cùng thuộc về đội có lối đá sáng tạo, chiến thuật tốt và ghi được bàn vào lưới đối phương. * Giờ đây, dường như trong điện ảnh đang tồn tại một xu hướng thích cũ hơn mới? Một số phim những năm 70-80 của thế kỷ trước vẫn thu hút khán giả nhiều hơn so với không ít tác phẩm điện ảnh mới. Ông lý giải sao về vấn đề này? * Điện ảnh là một môn nghệ thuật tổng hợp, nó có quy luật rất riêng, không giống như bất cứ một môn nghệ thuật nào khác. Sự thành công của tác phẩm không phụ thuộc vào tuổi của tác phẩm cũng như tuổi của đạo diễn đã nhào nặn, sáng tạo ra tác phẩm ấy. Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim vừa mới ra đời, thậm chí chưa kịp chiếu ra mắt khán giả đã bị “khai tử”, nhưng nhiều phim đã được tôn vinh là tác phẩm kinh điển của thế giới và tiếp tục trường tồn cùng thời gian, ngay cả khi “cha đẻ” của nó không còn nữa. Tác phẩm điện ảnh hay cũng không phụ thuộc quá nhiều tuổi đời hay tuổi nghề của đạo diễn. Như lịch sử Liên hoan Phim San Sebastian (Tây Ban Nha) - một Liên hoan Phim danh tiếng trên thế giới, đã quyết định trao giải thưởng cao nhất cho bộ phim Yesterday- nói về ban nhạc The Beatles - tác phẩm của một đạo diễn đầu tay. Gần đây nhất, Liên hoan Phim Cannes cũng đã tạo ra sự bất ngờ khi đã trao giải cho một bộ phim của điện ảnh Thái Lan, nền điện ảnh được coi là còn non trẻ. Ban giám khảo cũng như người xem, bao giờ cũng phải công bằng và cái đánh giá đầu tiên là đánh giá tác phẩm bằng xúc cảm của mình, sau đó phải đi vào học thuật để đánh giá. Đặc biệt, bao giờ cái mới, sáng tạo của những người làm phim cả về nội dung và hình thức thể hiện cũng nhận được sự trân trọng. * Ông nghĩ gì khi có những tác phẩm điện ảnh mới của Việt Nam ít được ủng hộ như trước. * Trong trường hợp phim của Việt Nam hiện nay sở dĩ ít tạo được dấu ấn với khán giả một phần do tính chuyên nghiệp chưa được đề cao. Bài toán thiếu tính chuyên nghiệp xuất hiện cả trong lĩnh vực phim truyện, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình. Có lần, một đạo diễn đã khoe với tôi rằng có thể quay hơn 100 cảnh trong một ngày. Con số quả là ấn tượng, song với từng đó cảnh quay, diễn viên sẽ diễn xuất như thế nào khi mà ngay cả lời thoại của nhân vật vẫn chưa kịp thuộc? Thế giới, họ đề cao diễn xuất của diễn viên. Thậm chí họ còn gọi phim truyện là phim của tác phẩm diễn xuất của diễn viên. Người diễn viên còn chưa “sống”, chưa “cảm” được với nhân vật của chính mình thì làm sao có thể truyền tải cảm xúc tới cho khán giả. Việc làm phim quá nhanh không phải là một ưu điểm, vì làm nghệ thuật cũng cần phải có thời gian, phải nuôi dưỡng cảm xúc. Trước đây, tôi còn nhớ rất kỹ diễn viên Lâm Tới khi đóng phim “Đường về quê mẹ” đã từng trăn trở, mất ngủ cả đêm để tìm những cách diễn xuất thể hiện chân thực cảm xúc nhất cho mỗi cảnh quay vào ngày kế tiếp. Đó là cái rất thiếu của điện ảnh trong nước thời điểm này. Hy vọng, tính chuyên nghiệp VNIFF 2010 sẽ có những tác động tích cực tới nền điện ảnh trong nước. * Xin cảm ơn ông! VĨNH XUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dienanh/2010/10/240414/