Đạo diễn Lê Lâm: Vinh danh Đặng Nhật Minh, tiếng nói của tự do sáng tạo

Từ ngày 11 - 19.11.2016, tại LHP quốc tế Amiens lần thứ 36 tại Pháp, một chương trình vinh danh đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sẽ được tổ chức. Đây chính là ý tưởng và nỗ lực của đạo diễn Lê Lâm (người Pháp gốc Việt) nổi tiếng với nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng danh giá tại các LHP quốc tế như “Long Vân Khánh Hội”, “Đế chế tàn vụn”, “Công binh đêm dài Đông Dương”… Mấy năm gần đây, ông liên tục về nước tham gia Ban giám khảo LHP quốc tế HN 2014 rồi Cánh diều Hội điện ảnh VN 2016 và tự nguyện tổ chức một số hoạt động quảng bá điện ảnh VN ra thế giới…

Thưa đạo diễn Lê Lâm, vì sao ông có ý tưởng vinh danh các đạo diễn nổi tiếng VN? Và để biến ý tưởng đó thành hiện thực, hẳn ông đã phải rất nỗ lực?

- Sự kiện vinh danh điện ảnh Việt Nam tại LHP Amiens lần này là tiếp nối những gì tôi đã bắt đầu làm từ năm 1981 để quảng bá điện ảnh Việt Nam ở phương Tây. Khán giả phương Tây lần đầu tiên được xem phim VN là “Chom và Sa” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam mà năm 1981 tôi đã liều lĩnh “ăn trộm” của sứ quán VN tại Paris đem đi trình chiếu ngoài lề LHP ba lục địa Nantes, và tự dùng micro trực tiếp dịch sang tiếng Pháp trong buổi chiếu phim. Năm 1982 tôi về nước quay phim “Đế chế tàn vụn” thì được biết bác Phạm Văn Khoa vừa quay xong phim “Chị Dậu”, tôi đề xuất và khuyên LHP Nantes nên tuyển lựa ngay phim này. “Chị Dậu” đã đoạt giải vàng năm 1984 tại LHP Nantes. Tôi đã chủ động tiên phong mở đường vinh danh điện ảnh VN từ năm 1981. Năm 2015 tôi tự tuyển và lựa chọn phim “Lạc giới” của đạo diễn Phi Tiến Sơn tham dự LHP Á Đông TP Tours, và trực tiếp tham gia tư vấn và phiên dịch cho phim.

Tôi hoàn toàn tự nguyện, chủ động trong các hoạt động trên với tư cách cá nhân, dựa trên uy tín và mối quan hệ đã đạt được trong nghề điện ảnh của mình trên đất Pháp. Tôi hoạt động tự do, độc lập mà không lệ thuộc vào một tài trợ hay tuyên truyền nào ngoài sự say mê và tìm hiểu điện ảnh. Điện ảnh VN đã trưởng thành nhưng còn thiếu chiều sâu, phong cách, ngôn ngữ đặc biệt đặc trưng cho một nền điện ảnh - Viet Nam style - như điện ảnh Ấn Độ hay Thái Lan đương đại. Con đường hòa nhập của điện ảnh VN còn dài và bập bềnh.

Nếu cứ 4 - 5 năm mới có một phim VN (Phan Đăng Di, Hoàng Điệp) được tuyển lựa thi giải tại các LHP quốc tế có uy tín như Cannes, Venice, Berlin v.v... thì làm sao điện ảnh VN có được hy vọng hòa nhập điện ảnh quốc tế trong tương lai gần? Phải chăng hai đạo diễn trẻ này có sự hỗ trợ tài chính của các quỹ điện ảnh Châu Âu nên mới được đi dự LHP quốc tế? Các phim sản xuất bằng chính các nguồn đầu tư, ngân sách, quỹ hỗ trợ... trong nước chỉ được đi dự và đoạt giải trong khuôn khổ chật hẹp của các LHP Đông Nam Á?

Vì sao ông lại chọn đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là cái tên đầu tiên? 8 phim lần này là do ông chọn hay Ban tổ chức LHP Amiens chọn?

- Muốn hòa nhập với ai ít nhất phải cùng ganh đua ngang hàng với họ. Phim Việt nói chung thiếu chiều sâu về văn học, văn hóa, phong tục tập quán dân gian để cho khán giả và các nhà phê bình quốc tế chú ý. Chỉ vì muốn quốc tế hóa, muốn hòa nhập kinh tế thị trường, phim Việt đã đánh mất cái tầm, cái hồn Việt. Quốc tế chỉ chú ý đến mình khi mình khác họ, hay hơn họ, hoặc làm những gì họ không có, không làm được, đó chính là bản sắc dân tộc. Như chiến tranh VN là: Một̀ bài học, một sự trả giá khốc liệt, một tấm gương... cần được sử dụng cho điện ảnh VN nếu muốn hòa nhập điện ảnh quốc tế.

Và xét trên phương diện đó, hiện tại chỉ có phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. “Người và tác phẩm đi đôi với nhau một cách chân thật và huyền ảo” là xứng đáng. Vì thế, tôi đã đề nghị chương trình vinh danh 8 phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, chính là vinh danh nền điện ảnh VN trên trường quốc tế, tại một LHP nổi tiếng thế giới về chương trình vinh danh. Hằng năm các nhà nghiên cứu, phê bình và giới say mê điện ảnh quốc tế đều đổ xô về tham gia LHP Amiens dành riêng cho chương trình này.

Tại LHP Amiens năm nay ngang hàng với đạo diễn Đặng Nhật Minh có thêm 2 chương trình vinh danh đạo diễn Pháp nổi tiếng thế giới, từng giành giải Oscar ông Louis Malle, và nhà họa sĩ thiết kế Mỹ danh tiếng thế giới ông Douglas Trumbull chuyên gia hậu kỳ những phim nổi tiếng thế giới…

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sẽ cùng tôi làm một cuộc hội thảo – masterclass - về điện ảnh VN. Đây là chương trình vinh danh đạo diễn Việt lần đầu tiên ở Châu Âu. Tôi đề nghị danh sách phim bởi chính tôi phải viết sơ lược về lịch sử, môi trường xã hội, kinh tế, văn hóa v.v... từng phim một để khán giả quốc tế hiểu thêm bộ phim. Rất may là Bộ VHTTDL ở ta đã tài trợ cho Viện Phim VN làm định dạng DCP cho 8 phim để đủ tiêu chuẩn chất lượng chiếu tại Amiens.

Trong danh sách tôi rất tiếc phải bỏ rơi phim “Chị Nhung” dù anh Minh chỉ là phụ tá và kiêm đạo diễn vì đạo diễn chính Nguyễn Đức Hinh đã phải bỏ trường quay vào bộ đội đi B trong thời kỳ chiến tranh năm 1971. Trong phim đó phong cách điện ảnh sau này của anh Minh đã lộ rõ. Thiếu phim tài liệu “Tháng năm những gương mặt” quay ngày Sài Gòn thất thủ cũng thật tiếc…

“Tinh thần tự do đấu tranh và tự do sáng tạo” - tiêu chí lựa chọn để vinh danh của LHP Ammines được thể hiện khái quát qua 8 phim của Đặng Nhật Minh như thế nào?

- Ngoài đạo diễn Đặng Nhật Minh điện ảnh VN chưa ai làm được 8 phim cùng xuất sắc về nội dung, kịch bản, nghệ thuật đầy tâm hồn Việt và ý tưởng tự do sáng tạo, với ngôn ngữ điện ảnh ngang hàng quốc tế. Phim Đặng Nhật Minh không vuốt ve thị trường, không nịnh bợ ai... Vinh danh Đặng Nhật Minh là vinh danh tiếng nói của tự do sáng tạo. Tôi sẽ giới thiệu, phê bình và phân tích phim trong buổi hội thảo vể̀ điện ảnh VN. Khi chương trình LHP Amiens được phát hành trên mạng và in ra sách với 220 trang độc giả sẽ được hiểu thêm, hiện tôi chưa muốn tiết lộ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Việt Văn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/dao-dien-le-lam-vinh-danh-dang-nhat-minh-tieng-noi-cua-tu-do-sang-tao-603682.bld