Đạo diễn Đặng Hồng Giang: Tiếp tục 'yêu đời' với phim mới 'Đáng sống'

Ngày 18/11/2016,đạo diễn Đặng Hồng Giang, người đã từng tạo nên cơn sốt nhẹ vào năm ngoái với phim tài liệu ra rạp “Lửa Thiện Nhân” tiếp tục ra mắt khán giả cả nước đứa con tinh thần mới của mình : “Đáng sống”. Phim lọt vào mắt xanh của BHD Cineplex và được chiếu trên toàn bộ hệ thống 7 cụm rạp của BHD tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cụm rạp Tháng Tám- Hà Nội.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang (phải) cùng ông Nguyễn Ngọc Triệu (nhân vật trong phim) chia sẻ trong buổi ra mắt phim Đáng sống.

“Đáng sống” chứ không là "Phải sống”

Trong buổi ra mắt phim Đáng sống sáng 18/11, đạo diễn Đặng Hồng Giang nói vui rằng: Không có ý so sánh nhưng "Phải sống" của Trương Nghệ Mưu đẩy nhân vật vào bi kịch tột cùng còn trong phim Đáng sống, nhân vật từ bi kịch, tai ương đều tìm ra lối thoát cho mình để sống có ích, sống một cuộc đời tươi vui hơn- Như vậy thực sự là "Đáng sống".

Đáng sống là một bộ phim, nói đúng hơn là một chùm phim gồm 3 phim : Mầm sống- Đáng sống-Một con đường. Cả chùm phim dài 90 phút với mỗi phim có thời lượng 30 phút. Không thể nói mỗi phim trong chùm phim là một phim ngắn bởi chỉ trong 30 phút, các nhà làm phim đã dựng nên cả một câu chuyện dài lay động lòng người . Ngược lại chùm phim Đáng sống không thể coi là là dài, bởi khán giả “bị “ đoàn làm phim, đạo diễn phim kéo đi trong 90 phút mà không chút để ý đến thời gian. Mặc dù là 3 câu chuyện độc lập, với 3 tuyến nhân vật hoàn toàn khác nhau- Một là trí thức, một là doanh nhân còn người kia là nông dân, nhưng lại được xâu chuỗi bởi một thông điệp chính: Cuộc đời này không thiếu những khúc quanh bi thảm nhưng nếu biết lạc quan, tư duy tích cực để tìm ra lối thoát thì cuộc đời thực sự đáng sống với những niềm vui, những thành quả đáng tự hào.

Chùm phim Đáng sống bắt đầu bấm máy từ tháng 11/2012 dến 11/2016 được hoàn thành. 4 năm bền bỉ cho một chùm phim dài 90 phút, kiếm tiền bằng các công việc khác để có thể hoàn thành đứa con tinh thần của mình, đạo diễn Đặng Hoàng Giang cho biết: " Thể loại phim hiện thực này không thể ăn xổi được". Quả thực những hình ảnh đẹp và chân thực cùng chia sẻ của nhân vật trong phim đã thể hiện điều này.

Mầm sống

TS. BS Lê Vương Văn Vệ cùng hai em bé- mầm sống được ươm từ tri thức và tình yêu trong phim Đáng sống

Phim mở ra với những hình ảnh của một câu chuyện tình yêu. Một tiến sĩ, giảng viên đại học kể về chuyện tình của mình với người chồng đã mất do tai nạn giao thông. Khi chồng qua đời, nhìn anh trong bệnh viện, chị
chỉ nghĩ, làm sao có thể giữ lại một chút gì đó của anh hiện hữu trên đời này. Giữ lại tinh trùng của chồng là mong muốn tức thời của chị. May mắn thay chị đã làm được và 3 năm sau, mầm sống được tạo nên từ tinh trùng của người chồng đã khuất đã được ươm mầm trong chị. Ca sinh đôi của chị Hoàng Thị Kim Dung (tên nhân vật) khi ấy là một sự kiện đặc biệt của y tế Việt Nam và cũng là một câu chuyện xã hội gây xúc động lòng người. Vị bác sĩ góp phần tạo nên kỳ tích này là TS. Lê Vương Văn Vệ, chuyên gia nam học và hiếm muộn. “Mầm sống” kỳ diệu thực sự đã được tạo nên bởi tri thức và tình yêu và đó cũng là tên mà đạo diễn Đặng Hồng Giang đặt cho phim thứ nhất này.

Đáng sống

Anh Tăng A Pẩu trong phim Đáng sống

Đây là câu chuyện thứ hai trong phim và có lẽ cũng là câu chuyện mà đạo diễn tâm đắc, làm cảm hứng cho cả bộ phim. Phim Đáng sống kể về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư của Tăng A Pẩu- một doanh nhân tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Cách đây 11 năm, ông Tăng A Pẩu phát hiện ra khối u quái ác nằm trong gan đã 5cm. Giải pháp điều trị là phẫu thuật với khả năng 90% … thất vọng. Thế nhưng ông đã đi tiếp được quãng đường 11 năm. Sau phẫu thuật, Tăng A Pủ xuất viện, mua ngay một cái máy ảnh và …vào rừng. Từ bỏ những bữa tiệc với rượu bia, sơn hào hải vị trong thành phố, ông lặn lội vác theo cái máy ảnh có ống kính chuyên dụng to đùng cùng đủ các phụ kiện như lưới ngụy trang, chân máy… để rình chụp những chú chim đặc hữu của Việt Nam. Một hành trình rong ruổi trên các cung đường, các cánh rừng trong hơn chục năm với bao vất vả nhưng tràn đầy đam mê, kiên trì đã cho ông một gia tài to lớn, hiếm có: Hơn 500 loài chim được ghi lại hình ảnh, trong đó nhiều loài quý hiếm và chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Dù trong phim đã đưa ra con số thống kê nhói lòng “ mỗi ngày tại Việt Nam có 200 người chết vì ung thư” nhưng câu chuyện của nhân vật Tăng A Pủ đem đến cho người xem một động lực sống mạnh mẽ với một thái độ sống tích cực.

Một con đường

Đây có lẽ là một câu chuyện rất bình thường, của một con người bình thường mà ai cũng có thể gặp trong cuộc sống trên dải đất hình chữ S này. Một người nông dân không thể cày cấy, trồng trọt trên mảnh đất cằn cỗi chỉ có thể cuốc lên mảnh bom, mìn, đạn pháo- Ông Triệu đã kiên cường sống và nuôi các con trưởng thành. Oái oăm là nguồn sống của những người nông dân như ông Triệu lại chính là hàng ngày đối mặt với cái chết: “Làng tôi cứ đào được bom là mừng lắm”- hiện thực khắc nghiệt này được nhân vật nói ra với nụ cười trên môi. Hình ảnh cuối cùng của bộ phim khiến người xem rưng rưng: ông Triệu sau bao lần góp nhặt những đồng bạc lẻ do bán phế liệu chiến tranh gửi qua bưu điện cho con trai đã có thể ôm đứa con trai út trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của cậu.

Đạo diễn Đặng Hoàng Giang chia sẻ, bác Triệu là nhân vật anh rất thương, quý “ nhìn vào bác Triệu, tôi không còn dám than phiền hay đổ tại cho mỗi lúc khó khăn”.

Kiên trì đi theo thể loại phim tài liệu hiện thực, một cách làm phìm tài liệu khác với truyền thống, loại bỏ những lời bình rườm rà áp đặt chủ quan, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp sau “ Lửa Thiện Nhân” gây sự chú ý tại rạp năm 2015 lại tung ra "Đáng sống". Với anh, việc phim "Đáng sống" được các nhà rạp tiếp nhận là điều đáng mừng cho thể loại phim tài liệu và anh tin tưởng vào tương lai của thể loại này.

Ở một góc độ khác, “Lửa Thiện Nhân” hay “Đáng sống” là một cách khai thác hiện thực cuộc sống theo hướng tích cực. Đạo diễn Đặng Hồng Giang không ngần ngại khi nói về hướng đi này của mình: Tôi cho rằng dù nhiều chuyện tiêu cực được bàn đến, hàng ngày chúng ta, tôi, bạn đều nói về chúng, nhưng đó không phải là tất cả cuộc sống. Nó trở nên như thế là do cách thức truyền thông. Thực sự là cuộc đời này còn nhiều điều đẹp đẽ, nếu tôi là người làm nghề, hẳn không bao giờ thiếu đề tài theo hướng này. Và tôi muốn nói về những điều đẹp đẽ, tử tế để thấy rằng cuộc đời thật sự đáng sống.

Về chùm phim “Đáng sống”, các nhà làm phim có một slogan thế này: “Mỗi câu chuyện là một lối thoát”. Có lẽ Đặng Hồng Giang và những người cộng sự của anh thực sự muốn đi tìm lối thoát tươi sáng cho những khúc quanh khó khăn trong cuộc đời, cũng như lối thoát cho chính thể loại phim tài liệu Việt Nam.

Thu Ba

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dao-dien-dang-hong-giang-tiep-tuc-yeu-doi-voi-phim-moi-dang-song-n124996.html