“Đánh thức” không gian kiến trúc bằng điêu khắc

Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn” lần thứ 4 vừa được khai mạc tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Kể từ năm 2010, triển lãm dần tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ, giới thiệu những tác phẩm điêu khắc mới nhất nhằm đưa nghệ thuật điêu khắc tới gần không gian công cộng, không gian sống của người dân.

Cuộc hội ngộ của điêu khắc 2 miền

Diễn ra tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn” lần thứ 4 kéo dài 10 ngày (12 – 22/12), trưng bày 56 tác phẩm của 26 nhà điêu khắc ở hai miền đất nước. Số lượng thành viên tham gia triển lãm điêu khắc lần này cũng đông nhất trong các lần đã tổ chức, độ tuổi trải rộng, người trẻ nhất 28 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng xấp xỉ 70. Khoảng cách thế hệ giữa các nghệ sĩ là rất lớn cùng với cá tính sáng tạo mang đến sự đa dạng, phong phú cho các tác phẩm trong triển lãm, từ chất liệu đến hình thức, khuynh hướng và quan niệm sáng tác điêu khắc hiện nay.

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm

Triển lãm được tổ chức lần đầu năm 2010 với mục đích hình hành, duy trì một cộng đồng mới trong giới điêu khắc, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần với cộng đồng xã hội. Từ đó đến nay triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn” được duy trì tổ chức hai năm một lần, trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa những người cùng ngành nghề.

“Tôi cho rằng triển lãm giống như cuộc hội ngộ của nghệ sĩ hai đầu đất nước. Mong muốn của họ là sau 2 năm tập trung sáng tác, họ sẽ gặp nhau định kỳ để trao đổi nghề nghiệp, thúc đẩy động lực sáng tạo trong nghề. Tôi đánh giá qua 4 lần tổ chức, triển lãm là một đại diện tiêu biểu cho điêu khắc Việt Nam, ít nhất trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây” – nhà nghiên cứu nghệ thuật Vũ Huy Thông chia sẻ.

Tác phẩm “Đồng bào” làm bằng đồng của tác giả Hoàng Tường Minh lấy ý tưởng từ truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con”. “Có lẽ ông cha ta sáng tạo ra truyền thuyết này để nói việc tất cả chúng ta đoàn kết lại thành một khối. Hiểu rõ nguồn gốc của mình không phải để co cụm lại mà để phát triển” – tác giả Hoàng Tường Minh cho biết.

Nói về triển lãm, nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải (đại diện nhóm họa sĩ thành phố Hà Nội) cho biết: “Mục đích và ý nghĩa xuyên suốt của triển lãm “Điêu khắc Sài Gòn – Hà Nội” là duy trì một hoạt động nghề nghiệp mang tính chất chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Thông qua đó chúng tôi có thể giới thiệu những tác phẩm, ý tưởng mới nhất liên quan đến nghệ thuật điêu khắc đương đại Việt Nam ở những nơi: trường đại học nghệ thuật, văn hóa và một số công chúng yêu mến nghệ thuật”.

Tác giả Lê Hoài Nam đen đến tác phẩm điêu khắc “Răng” làm từ ván ép

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà điêu khắc ở 2 miền Nam – Bắc muốn duy trì và phát triển quy mô của triển lãm điêu khắc. Nguyên nhân sâu xa vẫn là tiếp cận công chúng trẻ, nhất là những người cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để điêu khắc ở Việt Nam phát triển và có một tiếng nói, ảnh hưởng với đời sống xã hội.

Tác phẩm điêu khắc bằng đồng mang tên “Cuộn” của Phạm Đình Tiến

Các nghệ sĩ đều thống nhất, điêu khắc vốn gắn bó mật thiết với kiến trúc. Vì chúng đều là hình khối, rất dễ hòa quyện và tô điểm cho nhau. Đặc biệt, trong đời sống hiện đại, khi nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của con người ngày một lớn thì những tác phẩm điêu khắc trong không gian đô thị, không gian công cộng hoặc nhà ở phần nào thỏa mãn nhu cầu tất yếu đó. Trong khi đó, thực tế Việt Nam ngày nay rất thiếu sự tương tác giữa các công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm điêu khắc nói riêng. Thêm vào đó ứng dụng những tác phẩm điêu khắc và những ý tưởng nghệ thuật mang tính chất kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc vào quy hoạch không gian đô thị còn rất yếu kém.

Nói về nguyên nhân khiến điêu khắc vắng bóng tại các không gian công cộng, nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân như trong chủ trương, định hướng quy hoạch đô thị, xây dựng, tổ chức trung tâm văn hóa cộng đồng của chúng ta còn nhiều yếu kém. Yếu kém lớn nhất là không có định hướng gì cho công việc này”.

“Hiện nay các công trình đô thị của Việt Nam chỉ nghĩ đến thiết kế nhà, công năng sử dụng mà quên đi tính nghệ thuật, tạo cái đẹp cho đô thị. Nếu qua các tác phẩm điêu khắc ở đây mà gắn với những không gian kiến trúc, công cộng thì tôi thấy rất tuyệt vời. Những kiến trúc sư rất hiểu khi thiết kế một công trình đô thị phải gắn liền với tác phẩm điêu khắc. vì nói đến kiến trúc, phải có không gian. Chính tác phẩm điêu khắc tạo nên giá trị tinh thần, thẩm mỹ cho các công trình, không gian kiến trúc” – nhà điêu khắc Đặng Thành Long nhận định.

Dùng điêu khắc “định nghĩa” không gian kiến trúc

Các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi

Ngành thiết kế kiến trúc của Việt Nam trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, nổi lên với nhiều gương mặt tiêu biểu giành được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Như kiến trúc sư (KTS) Võ Trọng Nghĩa với các công trình “kiến trúc xanh”, gắn bó với thiên nhiên. Tháng trước, Giải thưởng kiến trúc nổi bật châu Á 2016 được trao cho KTS Hoàng Thúc Hào tại Singapore… Trái ngược thành công ngày càng lớn của kiến trúc là một sự phát triển khiêm nhường hơn của nghệ thuật điêu khắc, dù chúng được coi là gắn bó, phụ thuộc vào nhau.

Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho rằng: “Ngày xưa, chức năng của điêu khắc phụ thuộc nhiều vào kiến trúc, mang tính trang trí cho công trình kiến trúc. Sau này vì nhiều yếu tố mà giảm dần. Điêu khắc truyền thống của Việt Nam luôn gắn chặt với các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Thực tế ở Việt Nam, mối liên quan giữa điêu khắc và kiến trúc không được xem trọng và sự phát triển của nó cũng hạn chế. Các nghệ sĩ điêu khắc và kiến trúc sư rất mong muốn có sự phát triển song hành giữa điêu khắc và kiến trúc. Tuy nhiên ta phải chờ đợi nhiều sự hỗ trợ từ phía cơ chế của Nhà nước”.

“Phố” bằng đá của tác giả Lương Văn Trịnh

Trước khi có những cơ chế cụ thể thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc trong thiết kế kiến trúc, những triển lãm như “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn” vừa là môi trường trao đổi chuyên nghiệp, vừa là sân chơi giúp điêu khắc Việt ngày càng hoàn thiện và tìm được hướng đi cho mình.

PGS.TS Lê Quân (Hiệu trưởng trường Đại học kiến trúc Hà Nội) nói: “Ở đây không giới thiệu một sản phẩm điêu khắc hay trường phái điêu khắc mà muốn đem đến sự tìm tòi, thể nghiệm mới mẻ, mang màu sắc đương đại, có sự kết nối với đời sống văn hóa Việt Nam cũng như tiếp cận với đời sống điêu khắc đương đại của thế giới để tìm ra những ngôn ngữ, hình thể thực sự mới mẻ, đem lại phong cách đa dạng, sinh động”.

Tác phẩm “Đêm” của Nguyễn Duy Mạnh lấy ý tưởng từ một cái cây sống trong bóng đêm vươn cành ra tư phía tìm nguồn sáng. Chia sẻ về tác phẩm của mình, anh nói cũng giống như cái cây, “con người cần đến chân lý. Và tôi thấy không gian, môi trường này tôi cũng đang mò mẫm để tìm đến điều mình mong muốn”

Điều tạo nên ấn tượng, điểm nhấn của không gian kiến trúc ngoài công trình kiến trúc (chủ yếu được thiết kế đáp ứng công năng tối đa) còn là những tác phẩm nghệ thuật, có thể là hội họa, điêu khắc. Không nên tách riêng điêu khắc và kiến trúc mà nên xem xét chúng trong sự tương tác lẫn nhau. Nguyễn Duy Mạnh - tác giả của tác phẩm điêu khắc mang tên “Đêm” chia sẻ: “Một căn phòng mà không có một tác phẩm nghệ thuật nào sẽ mang nghĩa khác. Tác phẩm nghệ thuật sẽ đặt nghĩa cho không gian đó hoặc giúp người xem có được một cảm nhận cụ thể khi chiêm ngưỡng nó trong không gian ấy”.

Tác phẩm “Con mắt còn lại” của Phạm Thái Bình. Anh còn mang đến một tác phẩm khác mang tên “Con mắt bỏ đi” để nói tới con mắt của cuộc sống, con mắt của người đời, con mắt của xã hội. Thông điệp anh muốn mang đến là “Trong đời sống các sự kiện văn hóa rất nhiều, đa dạng nhưng đôi khi con người ta họ không phân biệt được đâu là điều hay, đáng trân trọng, cái nên giữ lại và phát triển”.

Mỗi tác phẩm điêu khắc đều hàm chứa một hoặc vài tầng nghĩa, mang giá trị văn hóa tinh thần. Do đó, đưa điêu khắc tiếp cận gần hơn với người dân không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật mà còn hình thành giá trị thẩm mỹ, mắt nhìn thẩm mỹ cho mỗi người qua những hiệu quả thị giác tuyệt vời khi kiến trúc và điêu khắc kết hợp với nhau.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/%e2%80%9cdanh-thuc%e2%80%9d-khong-gian-kien-truc-bang-dieu-khac