[Đánh giá] Samsung Galaxy J7 2016: hoàn thiện tốt, hiệu năng khá, pin trâu, giá hợp lý

Samsung Galaxy J7 2016 là chiếc điện thoại Android tầm trung vừa được Samsung bán ra tại Việt Nam với mức giá khoảng 6 triệu 290 ngàn đồng. Nâng cấp từ Galaxy J7 năm ngoái, phiên bản J7 2016 đã có thiết kế tốt hơn với viền kim loại, cấu hình mới với CPU 8 nhân, 2 GB RAM và thỏi pin đến 3300 mAh. Mình đã mượn được một chiếc và dưới đây là chia sẻ của mình sau vài ngày sử dụng:

Thiết kế:

Khi nhắc đến những chiếc điện thoại tầm trung của Samsung thì chúng ta thường liên tưởng đến thiết kế vỏ nhựa rẻ tiền. Hãng đã từng làm điều này với phiên bản Galaxy J7 năm ngoái nhưng với phiên bản Galaxy J7 2016 năm nay thì thiết kế đã trở nên cao cấp hơn nhiều.

Máy vẫn có thiết kế bo tròn các cạnh quen thuộc của Samsung, khi mới nhìn qua mặt trên của Galaxy J7 2016 thì nó hao hao Galaxy Note 5 bởi cùng có màn hình cỡ lớn, của Galaxy J7 2016 là 5,5" và cùng có viền bằng kim loại vát kim cương.

Cảm giác cầm Galaxy J7 2016 khá đằm tay bởi máy có trọng lượng khoảng 170 g, ngang với chiếc Note 5. Phần viền kim loại trên Galaxy J7 2016 lại được xử lý khá giống với viền của chiếc Galaxy S6 với thiết kế cong mềm mại tại các cạnh tròn và cắt phẳng tại 2 bên nên khi cầm máy, viền ôm sát vào lòng bàn tay, rất thoải mái. Phần viền có các đường phân tách sóng tại viền trên và dưới, bố trí đối xứng và phần nhựa cũng được sơn màu vàng hồng tiệp với màu viền kim loại nên không ảnh hưởng nhiều dến thẩm mỹ của máy.

Là một chiếc máy tầm trung nên màn hình của Galaxy J5 2016 không được trang bị mặt kính 2,5 D mà thay vào đó chỉ là một lớp kính phẳng, tràn ra sát viền kim loại. Lớp kính này cũng nằm hơi lõm xuống so với viền kim loại nên khi thực hiện thao tác vuốt từ các cạnh thì ngón tay sẽ bị cấn vào viền, không đã tay nhưng chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá cao ở chiếc máy này.

Trên và dưới màn hình 5,5" được chia thành 2 khoảng bằng nhau, viền 2 bên khoảng 2,5 mm, tỉ lệ choáng chỗ của màn hình đối với thân máy khoảng 72,3%. Phần phía trên màn hình có loa thoại, camera trước nằm bên trái và bên phải là các cảm biến ánh sáng, tiệm cận và đèn LED trợ sáng. Phần bên dưới màn hình là 3 phím bấm quen thuộc trên điện thoại Samsung với phím Home vật lý cỡ lớn và 2 phím Recent, Back cảm ứng.

Điều đáng tiếc là 2 phím cảm ứng này lại không có đèn nền nên khi sử dụng ban đêm, đôi khi mình nhấn không trúng phím do chưa quen với vị trí phím. Một khi đã quen rồi thì chúng ta vẫn có thể bấm chính xác mà không cần đèn nền.

Các phím bấm cũng được bố trí hợp lý với cụm phím tăng giảm âm lượng nằm cao phía trên tại cạnh trái trong khi phím nguồn nằm riêng tại cạnh phải. Mình thường cầm máy bằng tay trái nên vị trí các phím bấm rất dễ tiếp cận và dễ bấm mà không cần dùng nhiều lực.

Tất cả các cổng kết nối của Galaxy J7 2016 đều được đặt tại cạnh dưới với cổng microUSB chính giữa, bên phỉa là jack tai nghe 3,5 mm và bên trái là mic thoại. Vị trí của jack 3,5 mm có hơi bất hợp lý nhất là khi chúng ta vừa cắm sạc, vừa cắm tai nghe và sử dụng máy. Tình huống sử dụng này mình bắt gặp khá nhiều, chẳng hạn như khi chơi game và xem phim, nếu bạn cầm đáy máy bằng tay phải thì jack tai nghe và dây sạc sẽ chiếm hết diện tích, khá khó cầm, tượng tự nếu bạn cầm máy bằng tay trái ở phần đỉnh máy thì 2 sợi dây này sẽ kéo đáy máy xuống, khá vướn víu.

Mặt sau của máy được làm bằng nhựa, một tấm nhựa mỏng màu vàng hồng, bề mặt được hoàn thiện theo kiểm nhám mịn với các vân phay xước trang trí. Bề mặt này chống bám dấu vân tay và mồ hôi tốt nhưng cũng khá dễ trượt. Do đó khi cầm máy theo tư thế thấp xuống dưới để ngón cái có thể nhấn vào các phím dưới màn hình thì cảm giác cầm hơi thiếu tự tin.

Nắp lưng có thể tháo rất dễ dàng với một phần khuyết để đặt móng tay vào và nạy ra. Điều mình thích là mặc dù nắp lưng tháo rời, thiết kế mỏng nhưng rất khít với viền máy, vừa tăng tính liền mạch, vừa hạn chế bụi lọt vào.

Tại mặt sau của Galaxy J7 2016 là cụm camera thiết kế lồi. Viền camera được làm bằng kim loại, mặt kính camera hơi lõm vào trong nhưng vẫn dễ trầy. Bên trái camera chính 13 MP là loa thoại thiết kế khá đẹp và đối xứng với đèn flash LED bên phải. Cả 2 thành phần này đều được đặt trong một viền mạ chrome, hoàn thiện rất tốt. Ngoài ra phiên bản Galaxy J7 2016 mình mượn được từ FPT cũng có logo 4G cho biết chiếc máy này hỗ trợ kết nối dữ liệu tốc độ cao 4G LTE.

Mặt trong của nắp lưng có tích hợp một mạch NFC. Kết nối NFC mặc dù không được sử dụng phổ biến nhưng vẫn là một điểm cộng trên chiếc máy tầm trung này.

Galaxy J7 2016 được trang bị thỏi pin Li-on khá lớn với dung lượng 3300 mAh. Máy cũng hỗ trợ 2 SIM 2 sóng, dùng chuẩn micro SIM. Như đã nói ở trên, Galaxy J7 2016 hỗ trợ mạng 3G WCDMA và 4G LTE. Để thay SIM thì bạn buộc phải tắt máy tháo pin, không thể thay nóng được. Thẻ nhớ microSD thì có thể thay nóng.

Với những đặc điểm thiết kế trên, Galaxy J7 2016 mang lại cảm nhận cao cấp hơn hẳn so với phiên bản Galaxy J7 năm ngoái cũng như các mẫu điện thoại tầm trung trước đây của Samsung. Mình là người ít khi dùng Samsung nhưng với Galaxy J7 2016 thì mình cảm thấy hài lòng với thiết kế của một chiếc máy tầm giá 6 triệu.

Màn hình và âm thanh:

Màn hình của Galaxy J7 2016 có kích thước 5,5", chỉ nhỏ hơn 0,2" so với Note 5. Tấm nền được Samsung trang bị dĩ nhiên là "đặc sản" Super AMOLED. Chiếc màn hình này có độ sáng khá cao, hơi ám vàng nhẹ. Samsung cho chúng ta thiết lập các chế độ hiển thị của màn hình, theo mình thì bạn nên để màn hình ở chế độ Adaptive hoặc Cinema để có được màu trắng chính xác nhất.

Độ sáng tốt khiến màn hình của Galaxy J7 2016 có thể hiện thị rõ ràng dưới điều kiện ánh sáng ngoài trời. Để tăng khả năng hiển thị, bạn có thể kích hoạt chế độ Outdoor Mode để giữ độ sáng màn hình cao nhất trong 15 phút.

Độ tương phản cao, tỉ lệ màu đen và góc nhìn rộng vẫn là ưu điểm của màn hình Super AMOLED. Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu của màn hình AMOLED vẫn là độ bão hòa màu cao khiến màu sắc quá no và rực rỡ. Mặc dù vậy, các nội dung giải trí như phim ảnh sẽ trở nên bắt mắt hơn khi xem trên chiếc màn hình này.

Mặc dù sở hữu kích thước màn hình đến 5,5" nhưng độ phân giải màn hình chỉ 720p, mật độ điểm ảnh khoảng 269 ppi. Do đó, các biểu tượng và font chữ hơi rỗ khi nhìn gần. Với giao diện Samsung TouchWiz mặc định thì bạn có thể chỉnh lại bố cục biểu tượng thành 4 x 5, lúc đó các biểu tượng được thu nhỏ lại một chút và cảm giác rỗ sẽ giảm đi.

Màn hình hỗ trợ cảm ứng 10 điểm chạm, tốc độ phản hồi nhanh nhưng độ chính xác chưa cao. Mình gặp phải tình trạng khi vuốt lên xuống màn hình, chẳng hạn như trong trình duyệt web thì thao tác này không được thực hiện dứt khoát, khi vuốt lên thì nội dung chạy lên nhưng lại trôi ngược xuống một chút khi ngón tay vừa rời khỏi màn hình, chấm dứt thao tác vuốt. Không rõ là do chiếc máy mình mượn được bị lỗi hay do bệnh chung của dòng Galaxy J7 2016 nên anh em nên kiểm tra kỹ trước khi mua máy.

Loa của Galaxy J7 2016 được đặt phía sau, chỉ có 1 loa nhưng âm lượng đầu ra lớn, rõ ràng, rất phù hợp để đặt báo thức buổi sáng

. Tuy nhiên, nếu muốn chiếc loa này phát ra âm thanh lớn hết cỡ để bạn có thể thức dậy theo giờ hẹn thì cần lưu ý trước khi đi ngủ, lật úp chiếc máy lại để loa hướng lên trên. Do thiết kế loa nằm sau nên khi đặt trên bàn, âm lượng bị ảnh hưởng khá nhiều và đặc biệt là khi đặt trên những bề mặt mềm như bàn có phủ khăn hay chăn, mền thì loa sẽ bị che hoàn toàn và âm thanh rất nhỏ. Đây là một nhược điểm của Galaxy J7 2016, nếu Samsung đặt loa tại cạnh dưới như Galaxy S6 thì sẽ hợp lý hơn rất nhiều.

Hiệu năng và pin:

Samsung Galaxy J7 2016 phiên bản 2 SIM bán tại Việt Nam được trang bị cấu hình như sau:
SoC: Samsung Exynos 7870 8 lõi ARM Cortex-A53 chạy ở xung nhịp 1,586 GHz (~ 1,6 GHz), 64-bit; GPU: Mali-T830 xung nhịp tối đa 1 GHz; RAM: 2 GB LPDDR3; Bộ nhớ trong: 16 GB (hệ thống chiếm dụng 4,98 GB); Kết nối: Bluetooth 4.1, Wi-Fi 802.11 b/g/n + Wi-Fi Direct, ANT+, NFC, GPS, Glonass, Beidou; Cảm biến: gia tốc kế, tiệm cận; OS: Android 6.0.1 + Samsung TouchWiz.

Samsung Exynos 7870 là một con SoC tầm trung được sản xuất trên quy trình 14 nm FinFET. Nó có 8 lõi Cortex-A53 chạy ở xung nhịp gần 1,6 GHz và ở trạng thái bình thường thì 4 lõi được đưa về chế độ nghỉ để tiết kiệm pin. Samsung, Exynos 7870 cũng được tích hợp chip đồ họa Mali-T830, modem Cat.6 LTE, hỗ trợ RAM LPDDR3 và chip xử lý hình ảnh ISP kép.

Trải nghiệm thực tế cho thấy với vi xử lý 8 lõi và 2 GB RAM, Samsung Galaxy J7 2016 chạy đa nhiệm khá tốt. Với 8 tác vụ đang chạy trong đó có 1 game NFS No Limits và các tác vụ văn phòng đơn giản thì bộ nhớ RAM còn trống khoảng 500 - 600 MB. Giữ nguyên các tác vụ này, mình mở trình duyệt web mặc định của Samsung và mở tiếp 8 tab thì dung lượng RAM trống còn khoảng trên 400 MB. Việc chuyển qua lại giữa các ứng dụng vẫn rất nhanh. Tuy nhiên, với những tựa game đòi hỏi nhiều tài nguyên thì một khi đang chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, game sẽ load lại hơi mất thời gian.

Dưới đây là kết quả benchmark của Galaxy J7 2016 với các ứng dụng quen thuộc. Anh em có thể so sánh với chiếc máy của mình hoặc những mẫu máy có trong danh sách:

Khi chơi game, nhiệt độ CPU cao nhất đo được vào khoảng 47 độ C, trong khi đó nhiệt độ của thỏi pin Li-ion khi xả vẫn duy trì ở mức ổn định 38 - 39,4 độ C. Cảm nhận bên ngoài, Galaxy J7 2016 chỉ hơi ấm ở viền kim loại bên trái và mặt sau bên phải, ngay phía trên các khe SIM và thẻ nhớ.

Về pin, mình đã thử nghiệm sử dụng Galaxy J7 2016 onscreen với nhiều tác vụ như lướt web, xem YouTube, chụp hình và chỉnh sửa hình. Độ sáng màn hình 50%, âm lượng tối đa nếu có phát nội dung, cứ vài phút lại lặp lại quá trình này, màn hình luôn bật thì từ mức dung lượng 96%, pin còn 54% trong vòng 4 giờ 47 phút. Như vậy thời gian onscreen của chiếc máy này có thể lên đến hơn 8 giờ.

Thử nghiệm xem phim trên YouTube với độ phân giải 720p theo độ phân giải màn hình, độ sáng 50%, âm lượng tối đa thì mình ước lượng pin máy cho phép bạn xem liên tục trong 9 giờ.

Mình dùng chiếc máy này cũng không nhiều, chỉ dùng 1 SIM, 3G luôn bật, Wi-Fi cũng luôn bật thì thỏi pin 3300 mAh của nó có thể đáp ứng nhu cầu của mình cả ngày và đến tối tầm 8 9h mới sạc lại. Mỗi ngày mình nhận khoảng 5 đến 6 cuộc gọi, nghe nhạc khá thường xuyên nhưng dùng tai nghe. Nếu nhu cầu dùng máy của bạn cao hơn thì thời lượng pin dĩ nhiên ngắn hơn nhưng vẫn có thể đủ 8 giờ làm việc.

Camera:

Về camera thì team Camera Tinh Tế sẽ có một bài riêng, chi tiết hơn. Camera chính của máy có độ phân giải 13 MP, cảm biến CMOS, khẩu f/1.9. Camera trước phân giải 5 MP, cảm biến CMOS và khẩu độ cũng tương tự camera chính. Phần mềm camera được Samsung làm riêng và tích hợp khá nhiều chế độ chụp, có cả chế độ chỉnh tay nhưng chỉ cho chỉnh ISO, bù trừ EV và WB. Cá nhân mình cho rằng hệ thống camera này cho hình ảnh hơi nhợt nhạt và sai màu nhiều, lấy nét chậm, độ chi tiết khá.

Dưới đây là một vài hình ảnh mình chụp thử để anh em tham khảo. Hình ảnh đều được resize lại cho dễ tải:

Tạm kết:

Qua vài ngày sử dụng thì mình cho rằng Galaxy J7 2016 là một chiếc điện thoại Android tầm trung khá hấp dẫn. Điều mình thích là nó đã có thiết kế tốt hơn so với những sản phẩm tầm trung giá rẻ của Samsung trước đây. Thêm vào đó Samsung cũng trang bị cho máy một cấu hình vừa đủ, rất cân đối với CPU lõi 8, RAM 2 GB đủ để chạy đa nhiệm mượt mà và thỏi pin đến 3300 mAh rất trâu bò. Camera của máy cho chất lượng ảnh tạm tạm, mình thì không chuyên về camera nên sẽ cần đánh giá chi tiết hơn của Camera Tinh Tế.

Tuy nhiên, chiếc máy này cũng có một số điểm mình chưa thích chẳng hạn như loa đặt tại mặt sau khiến âm thanh đầu ra bị ảnh hưởng, màn hình 720p nên chất lượng hiển thị chưa cao.Trên đây là những cảm nhận của mình, có hơi cá nhân nhưng hy vọng phần nào giúp anh em có cái nhìn chi tiết hơn về chiếc máy này.

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/danh-gia-samsung-galaxy-j7-2016-hoan-thien-tot-hieu-nang-kha-pin-trau-gia-hop-ly.2590530/