Đánh giá học sinh tiểu học: Thay điểm số bằng A, B, C

Theo Dự thảo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến, sẽ đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học bằng các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kì. Riêng lớp 4 và lớp 5 có bài kiểm tra giữa kỳ được chấm theo thang điểm 10...

Đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học bằng các mức A, B, C - ảnh minh họa

Thông tư 30 còn nhiều bất cập

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa chính thức ký công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học để xin ý kiến góp ý của toàn xã hội. Sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý, Bộ sẽ lắng nghe, chỉnh sửa cho thật phù hợp để bắt đầu thực hiện Thông tư ngay trong năm học mới 2016-2017.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, qua 2 năm học 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30), Bộ GD&ĐT đã tổng hợp báo cáo sơ kết hai năm thực hiện theo Thông tư 30 của 63 sở Giáo dục và đào tạo và báo cáo của hai nhóm chuyên gia (khảo sát, đánh giá thực hiện Thông tư 30), chỉ ra một số ưu điểm, bất cập như sau:

Về ưu điểm, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30 phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh học được, tự tin, thích học, học tốt, không so sánh học sinh này với học sinh khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Thông tư 30 đang gặp phải một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, quy định nhận xét bằng lời và viết nhận xét trong thông tư chưa rõ, cứng nhắc nên giáo viên hiểu chủ yếu là ghi nhận xét, do vậy ghi nhận xét từng học sinh vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục làm nặng công việc của giáo viên;

Ngoài ra, quy định ghi sổ theo dõi chưa hợp lý; hồ sơ đánh giá học sinh còn áp lực cho giáo viên; Cha mẹ học sinh chưa nắm bắt kịp thời mức độ học tập, rèn luyện của con em do chưa có lượng hóa đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh; Quy định việc khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên có nhiều lúng túng…

Về quá trình tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là chưa làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu đúng bản chất, mục đích, yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30; Công tác tập huấn bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học triển khai thực hiện Thông tư 30 chưa làm thường xuyên; Công tác quản lý các cấp còn máy móc, hành chính cũng gây nặng nề công việc cho giáo viên.

Đánh giá theo A, B, C

Trên tinh thần bổ sung và kế thừa những ưu điểm cũng như khắc phục những bất cập ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư Thông tư 30 với những nội dung quan trọng.

Theo đó, về đánh giá thường xuyên, giữ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số nhưng Thông tư sửa đổi không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp.

Hồ sơ đánh giá gồm Học bạ của học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp (thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục).

Về việc giúp cha mẹ học sinh nắm bắt mức độ học tập rèn luyện của con em, bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kì.

Cụ thể, giữa học kì và cuối học kì, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh theo các mức sau:

Mức A: nắm vững kiến thức, thành thạo kĩ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kĩ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục;

Mức B: nắm được kiến thức, có kĩ năng, biết vận dụng kiến thức kĩ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục;

Mức C: chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kĩ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục;

Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra đối với môn Toán, môn Tiếng Việt vào giữa học kì I và giữa học kì II. Đề bài kiểm tra định kì phù hợp chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức độ nhận thức của học sinh.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Riêng đối với môn Tiếng Anh, học sinh học thời lượng 4 tiết/tuần trở lên, khuyến khích áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh cuối lớp 5 (bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Về khen thưởng, Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học, các năng lực, phẩm chất đạt mức A; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Học sinh hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá có ít nhất 50% các môn học đạt mức A, các môn học còn lại đạt mức B; các năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc mức B; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Khen thưởng đột xuất những học sinh có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc có thành tích đột xuất trong năm học.

Ngoài ra, học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Tuệ Khanh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201609/danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-thay-diem-so-bang-a-b-c-540560/