Đánh giá hạn, mặn vụ đông xuân 2016 - 2017

Mặc dù được dự báo bớt khốc liệt hơn so với vụ ĐX trước, tuy nhiên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn sẽ rất căng thẳng ở ĐBSCL trong vụ ĐX 2016 - 2017.

Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục là thách thức vụ ĐX 2016 - 2017

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, mặc dù đang là mùa lũ nhưng tình hình thiếu hụt dòng chảy của hệ thống sông ĐBSCL tiếp tục tái diễn không khá hơn so với năm 2015, năm đỉnh điểm lịch sử của hạn ở vùng này.

Hiện dòng chảy hệ thống sông Tiền và sông Hậu thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) ở mức từ 1 đến 4m. Từ đầu mùa lũ tới nay, hệ thống sông ĐBSCL chỉ xuất hiện 2 - 3 đợt nước dâng, tuy nhiên cao nhất chỉ ở mức dưới báo động một.

Dự báo từ nay tới cuối mùa mưa, sông Mekong sẽ còn 1 - 2 đợt nước lên, tuy nhiên mực nước dự báo cao nhất cũng chỉ khoảng dưới 3,5m. Trong khi đó, lượng mưa tại ĐBSCL trong tháng 9 và tháng 10/2016 dự tính cũng chỉ xấp xỉ so với mức TBNN.

Từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017, mưa sẽ bắt đầu giảm do bắt đầu vào mùa khô, lượng mưa vùng này sẽ tiếp tục giảm so với TBNN từ tháng 3 tới tháng 6/2017. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong sẽ tiếp tục tụt giảm từ 15 - 30% so với TBNN, tương đương so với mùa khô năm 2014 - 2015.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cảnh báo: Kể từ năm 2012 đến nay, khi các công trình thủy điện thượng nguồn sông Mekong mọc lên ngày càng nhiều cho thấy do các hồ thủy điện tích nước nên giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô hàng năm mực nước hạ nguồn sông Mekong ở ĐBSCL luôn ở mức rất thấp.

Các kết quả giám sát dòng chảy sông Mekong của viện này cho thấy diễn biến dòng chảy thời gian qua tại ĐBSCL là không có nhiều khác biệt so với năm 2015. Vì vậy nếu không có gì thay đổi, hạn hán và xâm nhập mặn ĐBSCL sẽ tiếp tục gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, các nhận định khí tượng và thủy văn cho thấy, mùa khô 2016 - 2017, hạn mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sớm, sâu và kéo dài. Cụ thể, xâm nhập mặn có khả năng đến sớm hơn TBNN từ 1 đến 1,5 tháng so với TBNN, tức từ giữa tháng 12/2016 xâm nhập mặn đã có thể diễn ra.

Ranh mặn 4g/lít có thể ăn sâu cách biển từ 25 - 35km từ tháng 12/2016. Trong các tháng từ tháng 2 đến tháng 4/2016, ranh mặn 4g/lít có khả năng ăn sâu vào 45 - 65km, các vùng cách biển 65km có khả năng có độ mặn 4g/lít trong các đợt triều cường.

Các vùng có khả năng nhận định bị ảnh hưởng xâm nhập mặn gồm vùng Gò Công (Tiền Giang); Trà Vinh (dự án nam Mang Thít) từ tháng 11 - 12/2016 đã bị ảnh hưởng, và nặng nề từ tháng 2 tới tháng 4/2016. Vùng Long Phú - Tiếp Nhật (Sóc Trăng) dự báo gặp khó khăn lớn về nước tưới từ giữa tháng 1/2017 trở đi; các vùng ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau) xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ vận hành các cống ngọt hóa ven QL 1 từ Bạc Liêu đi Cà Mau.

Các vùng đông Hà Tiên bị ảnh hưởng từ tháng 1 đến tháng 4/2017. Đặc biệt, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), mặn có thể xâm nhập với nồng độ từ 2 - 4 g/lít vào các tháng 3 và 4/2017 nếu không có mưa, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tiếp tục xảy ra.

Trước tình hình hạn, mặn được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tinh thần trong vụ ĐX 2016 - 2017 vẫn sẽ tập trung nhất cho việc đối phó hạn mặn ở ĐBSCL.

Theo đó, Bộ trưởng đã có chỉ đạo các cơ quan của Bộ gồm Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản khẩn trương thành lập các đoàn công tác vào các tỉnh ĐBSCL rà soát, đánh giá lại toàn bộ tình hình, đặc biệt là kinh nghiệm về SX trong vụ ĐX 2015 - 2016 để kịp thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo sớm nhất trước vụ ĐX 2016 - 2017.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc rà soát, đánh giá hiệu quả để có lịch thời vụ xuống giống vụ ĐX phù hợp nhất, cần phải xác định rõ phân ranh ở các vùng mặn - ngọt để có giải pháp cho lĩnh vực rất quan trọng đó là thủy sản, nhất là chủ trương mở rộng các diện tích nuôi tôm - lúa kết hợp trong vụ ĐX tới để có phương án hỗ trợ về nước ngọt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi rà soát, đánh giá để có quyết định vận hành các hệ thống thủy lợi liên tỉnh ở ĐBSCL cho phù hợp, đặc biệt là rà soát, đánh giá về tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương có nguy cơ cao. Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các đơn vị mở rộng thêm diện và thời gian quan trắc dự báo xâm nhập mặn để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo SX trong vụ ĐX 2016 - 2017.

Hiện tại, do mùa mưa ở ĐBSCL vẫn chưa kết thúc nên cần tiếp tục giám sát theo dõi, trên cơ sở tổng hợp lại tình hình mưa và dự báo dòng chảy sông Mekong, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị để Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, đưa ra cơ cấu SX phù hợp.

Mặc dù hạn, mặn được dự báo vẫn khốc liệt, song nhiều dự báo cũng cho thấy tình hình sẽ được cải thiện hơn so với vụ ĐX 2015 - 2016.

Do mùa mưa vùng ĐBSCL được dự báo sẽ kết thúc muộn hơn TBNN, lượng mưa trong tháng 11/2016 cũng được dự báo sẽ lớn hơn so với TBNN nên tại các vùng không bị phụ thuộc vào dòng chảy sông Mekong như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng bán đảo Cà Mau nhiều khả năng hạn hán sẽ bớt căng thẳng hơn và có nhiều tín hiệu thuận lợi cho SX, nhất là thủy sản.

Mùa mưa năm 2016 dự báo cũng sẽ kết thúc muộn hơn TBNN nên theo các dự báo, tình hình hạn hán tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên có thể sẽ được cải thiện trong mùa khô 2016 - 2017.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/danh-gia-han-man-vu-dong-xuan-2016-2017-post175841.html