Đánh giá giờ chót: Dùng đòn hạng nặng, Trump thề quét tan IS

Cuộc chiến chống IS trong kỷ nguyên Trump sẽ rất nhanh, rất mạnh và cũng có thể sẽ phải trả giá rất lớn.

Vào thời điểm lễ nhậm chức của Tổng thổng Mỹ thứ 45 đã có thể được tính bằng giờ, lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS vẫn đang “ngoan cường” chống trả tại ba quốc gia và sắp bị đánh bại tại một quốc gia khác. Hai năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi những tay súng Hồi giáo cực đoan chiếm cứ miền Bắc Iraq, Lầu Năm góc và các quan chức ngoại giao đang rất lạc quan về một chiến thắng quân sự, ít nhất tại những thành trì chính.

QUYẾT TĂNG TỐC CÁC CHIẾN DỊCH

Tuy nhiên với 10.000 tay súng vẫn đang hoạt động và một số đơn vị vũ trang đang có dấu hiệu tái hoạt động theo hướng trở thành phong trào khủng bố - IS giờ đây là một mối đe dọa khiến ông chủ tương lai của Nhà Trắng cho rằng, nước Mỹ đã tốn quá nhiều thời gian cho vấn đề này mà không thu được kết quả như ý muốn.

“Mọi việc cần phải kết thúc nhanh chóng,” Tổng thống mới đắc cử Donald Trump nói với kênh CNN trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái. “Chúng ta vẫn chưa chiến đấu đủ mạnh mẽ.”

Ông Trump cho rằng Mỹ chưa dùng hết sức trong cuộc chiến chống IS

Theo tờ Washington Post, trong khi ông Trump đưa ra lời hứa về một chiến dịch quân sự hiệu quả hơnngười tiền nhiệm mình, những gì ông có thể thực hiện - nhằm tăng tốc diễn biến tại Iraq và Syria - sẽ đem lại những “phản ứng phụ” tiêu cực. Đó có thể là viễn cảnh về một mối quan hệ đổ vỡ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ; sự gia tăng thương vong cho quân đội và thường dân hay nhu cầu tuyển quân tăng mạnh.

“Tôi nghĩ, họ sẽ nhận ra rằng không có nhiều quả ở cành thấp – ý tôi là những thứ rõ ràng và chi phí thấp để đạt được mục đích mà không để lại những hệ quả tiêu cực hoặc ngoài dự đoán,” Philip H. Gordon, người từng giữ vị trí điều phối viên cho các vấn đề Trung Đông dưới thời Tổng thống Obama vào thời điểm IS chiếm đóng thành phố Mosul của Iraq vào tháng Sáu, 2014 nói.

Chính quyền Tổng thống Obama thường cho rằng, chiến lược “chậm và chắc” của Mỹ – tập trung vào sức mạnh chiến đấu của nước sở tại, được hỗ trợ bởi không lực Mỹ - đã dần giúp lấy lại những phần lãnh thổ từng bị IS kiểm soát tại cả Iraq và Syria trong vòng 2 năm qua. Không lực Hoa Kỳ cũng đã giáng một đòn mạnh vào nhánh lớn của IS tại Afghanistan, và gần đây vừa xóa bỏ một căn cứ khác của nhóm này lại Libya.

Trong khi ông Trump mới chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung cho kế hoạch của mình, các quan chức Lầu Năm góc đã chuẩn bị những phương án khác nhau để đề cử lên tân Tổng thống và tân Bộ trưởng Quốc phòng mới Tướng James Mattis.

Ông Mattis từng chia sẻ với các nhà lập pháp rằng, kế hoạch hiện nay để giành lại thành phố Raqqa (Syria) cần phải được xem xét lại và có thể sẽ thắt chặt hơn về thời gian. Tuy nhiên, cũng như ông Trump, Tướng Mattis không đưa ra những chi tiết cụ thể.

DỌN ĐƯỜNG CHO CUỘC XUNG ĐỘT CUỐI CÙNG?

Các binh lính người Syria được Mỹ hỗ trợ đã tìm cách bao vây Raqqa, cùng với sự trợ giúp của khoảng 500 thành viên thuộc Lực lượng thực thi đặc biệt Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ dựa vào Lực lượng Dân chủ Syria, một nhóm binh lính do người Kurds dẫn đầu, trong cuộc chiến Raqqa đã tạo nên nhiều “sóng gió” trong mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ - chính phủ luôn coi người Kurds là kẻ đe dọa cho an ninh quốc gia của mình.

Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria nói, nước Mỹ đã “dọn đường” cho cuộc xung đột cuối cùng tại Syria bằng cách trao quyền lực cho YPG - một lực lượng vũ trang của người Kurds, từng “gây thù chuốc oán” không chỉ với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn với hầu hết phần còn lại của Syria.

Kể từ năm 2014, Mỹ đã rất nỗ lực để thiết lập một lực lượng đủ tin cậy về cả quy mô lẫn chất lượng nhằm đối kháng với IS, mà không làm khuấy động sự mâu thuẫn sắc tộc hay tinh thần của các chiến binh Hồi giáo… tại những quốc gia Arab phản đối người Kurds.

Binh lính người Kurds trong cuộc chiến chống IS

Tuy nhiên, việc tăng cường sự ủng hộ với các lực lượng người Kurds có thể là một trong không nhiều lựa chọn mà chính quyền Trump phải chấp nhận để đẩy nhanh chiến dịch Raqqa. Chính quyền Obama từ lâu đã cân nhắc khả năng trực tiếp cung cấp vũ khí cho YPG nhưng lại e ngại việc này sẽ châm ngòi một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cựu đại sứ Ford đưa ra cảnh báo về động thái trên. Ông cho rằng, để ngăn chặn một cuộc xung đột kéo dài và rắc rối hơn xảy ra, nước Mỹ chỉ nên cung cấp vũ khí một cách giới hạn cho các nhóm Arab. “Đổi lấy việc trì hoãn sáu tháng là nhiều cơ hội hơn để làm giảm bớt những căng thẳng sắc tộc mà chắc chắn sẽ được IS lợi dụng trong các cuộc nổi loạn sau này của mình,” Ford nói.

Từng đưa ra tuyên bố “Nga có thể giúp chúng ta [Mỹ]” trong cuộc chiến chống lại IS, tân Tổng thống Trump cũng từng bày tỏ ý định sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với Moscow tại Syria. Trong năm vừa qua, quân đội Tổng thống Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của Nga đã đạt được những bước tiến mới trong cuộc xung đột từng kéo dài hơn 5 năm tại Syria; trong khi đó, các quốc gia phương Tây cũng không ít lần cáo buộc, những cuộc không kích của không quân Nga đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường Syria.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một mối quan hệ đối tác với Nga tại Syria có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối không nhỏ từ Lầu Năm góc. Năm ngoái, các quan chức quốc phòng Mỹ từng tìm cách phong tỏa một đề xuất nhằm tăng cường hợp tác với Moscow về vận hành bay tại Syria – một kế hoạch theo Lầu Năm góc sẽ giúp Điện Kremlin có cơ hội tiếp cận với thông tin tình báo Mỹ.

THÊM BAO NHIÊU LÍNH MỸ LÀ ĐỦ?

Một lĩnh vực mà đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump có lẽ sẽ không bỏ qua, đó chính là quy mô triển khai quân đội Mỹ nhằm hỗ trợ cho các binh đoàn sở tại của Iraq và Syria.

Mỹ sẽ triển khai thêm quân tại Syria và Iraq?

Tại Iraq, tăng cường binh lực có thể đồng nghĩa với việc gia tăng đội ngũ cố vấn trực tiếp cho quân đội Iraq, vốn đang phải chịu những thiệt hại nặng nề kể từ khi chiến dịch giành lại thành phố Mosul được phát động. Tổng thống Obama đã dần tăng quân số lính Mỹ tại Iraq lên tới con số hơn 6.000 nghìn người - hầu hết trong số này đều giữ vai trò cố vấn phía bên ngoài chiến trường.

Còn tại Syria, tăng cường quân đội Mỹ có thể là thêm sự hỗ trợ về công tác tuyển lính, huấn luyện và cố vấn cho các binh đoàn Arab trước chiến dịch Raqqa.

Trong khi các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp có lẽ sẽ đồng ý với một sự gia tăng quân đội vừa phải, những đề xuất tăng thêm vài nghìn hoặc mười nghìn lính như ông Trump từng nhắc đến, có khả năng vấp phải sự phản đối.

Bị “ám ảnh” trước những đợt triển khai quân liên tiếp tại Iraq và Afghanistan, nhiều quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ từng cho rằng, mạng sống của người Mỹ đang bị thiệt hại vô ích trong những cuộc xung đột mà viễn cảnh, kết quả sẽ đem lại thay đổi dài lâu cho đất nước sở tại, có thể sẽ không bao giờ xảy ra.

TẦN SUẤT KHÔNG KÍCH VẪN CÒN QUÁ CHẬM

Lời hứa hẹn nước Mỹ sẽ “rải bom đánh tung” IS có lẽ sẽ dẫn đến sự gia tăng hoạt động của không lực Mỹ. Mặc dù, Mỹ đã tiến hành hơn 13.000 cuộc không kích tại Iraq và Syria kể từ năm 2014, nhiều chuyên gia vẫn chỉ trích tần suất này là thấp hơn so với những chiến dịch trên không trước đây.

Chiến dịch không kịch của Mỹ tại Syria và Iraq vấp phải chỉ trích

Tướng Joseph Dunford từng chia sẻ với phóng viên, các cuộc không kích chỉ bị giới hạn bởi tốc độ của các chiến dịch dưới mặt đất khi Mỹ và đồng minh tìm cách giúp lực lượng sở tại tiến công vào lãnh thổ quân địch.

Trong khi đó, giới chức quân đội cho rằng, họ đã tấn công tất cả các mục tiêu quân sự cần thiết, chứ không chỉ dừng ở những khu vực nơi quân đội dưới mặt đất đang hoạt động và bị giới hạn bởi những quy định nhằm tránh gây thương vong cho thường dân.

Khi còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông Trump từng thể hiện một thái độ khá cầu thị đối với những trường hợp thường dân bị thiệt mạng khi nói, mình sẽ “quan tâm” đến gia đình của những tên khủng bố.

(Theo Washington Post)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/danh-gia-gio-chot-dung-don-hang-nang-trump-the-quet-tan-is-226321.html