Đánh chặn tên lửa Mach 5 của Mỹ là chuyện nhỏ

Mỹ đang phát triển thế hệ tên lửa hành trình hoàn toàn mới có thể đạt vận tốc trên Mach 5 nhằm vô hiệu nỗ lực đánh chặn của đối phương.

Phát triển trên nguyên mẫu X-51A

Theo nguồn tin quân sự Mỹ, Không quân nước này đang hợp tác với Cơ quan Nghiên cứu Các dự án quốc phòng tiên tiến (DAPRA) nhằm tạo ra một loại tên lửa hành trình mới với vận tốc lên tới 6.100km/h, tức là trên Mach 5.

Cùng với tốc độ siêu nhanh, tên lửa mới sẽ được thiết kế để bay ở tầm thấp nên có khả năng tránh được việc bị phát hiện bởi radar cảnh giới của đối phương.

DAPRA tiết lộ, tất cả các tên lửa hành trình hiện nay như Tomahawk của Mỹ và Kalibr của Nga đều chỉ có tốc độ thấp hơn 1.200km/h.

Nhưng vũ khí siêu thanh thở bằng không khí (HAWC) mà Mỹ đang phát triển có thể thay đổi tất cả những điều nói trên. HAWC sẽ sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) để giúp nó đạt được vận tốc lớn hơn Mach 5 (6.100 km/h) thậm chí là Mach 10 (12.200 km/h).

Mỹ thử nghiệm tên lửa X-51A.

Được biết, động cơ scramjet thường được trang bị trên rất nhiều máy bay chiến đấu. Nguyên lí làm việc của nó là bơm không khí vào động cơ trước khi luồng khí này được làm nóng lên bởi nhiên liệu cháy. Khí nóng này được đẩy ra sau khu vực ống xả của động cơ và tạo ra lực đẩy. Do không khí được bơm vào động cơ ở tốc độ siêu âm nên nó cũng có vận tốc siêu âm khi được truyền xuống ống xả, từ đó tạo ra được lực đẩy vô cùng lớn.

Nhờ được trang bị động cơ scramjet tên lửa hành trình mới sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về vũ khí. Với việc tránh được tín hiệu radar và bay với tốc độ siêu thanh, các tên lửa hành trình HAWC có nhiều cơ hội để vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay. Nó được cho là vô cùng thích hợp để tấn công các mục tiêu nhỏ nhưng có giá trị cao của đối phương.

Tuy nhiên, để duy trì tốc độ cao trong hành trình bay, động cơ scramjet cần rất nhiều nhiên liệu, do đó, HAWC có thể duy trì kích thước như các tên lửa cũ nhưng với tầm bắn ngắn hoặc to hơn để có được tầm bắn xa.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ phát triển HAWC theo cách thứ nhất để vừa với các hệ thống phóng hiện có. Theo những thông tin ban đầu, HAWC nhiều khả năng sẽ được xây dựng trên những công nghệ đã đạt được trong việc phát triển tên lửa siêu thanh X-51A.

Đòn vô hiệu của Nga

Dù tên lửa mới của Mỹ có thể bay với vận tốc lên tới trên Mach 5, nhưng để đánh chặn tên lửa này không phải là nhiệm vụ quá khó với tên lửa 55R6M Triumfator-M (tên gọi khác của S-500) bởi theo tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov, hệ thống tên lửa phòng thủ S-500 có thể diệt mọi mục tiêu đường không.

Theo những gì được phía Nga công bố, S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.

Hình ảnh được cho là của S-500.

Về độ cao và vận tốc đánh chặn S-500 hơn hẳn S-400 và đứng đầu thế giới. Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s, trong khi đó, hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu với tốc độ 5km m/s.

Về cơ chế phóng, cả S-400 và S-500 đều được thiết kế để phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng, tương tự như hệ thống S-300. Sau khi phóng tên lửa bay theo hướng nghiêng phía mục tiêu định tiêu diệt, như vậy có thể đáp trả các đòn tấn công tập kích đường không của địch trên mọi hướng.

Sử dụng phương pháp này là giải pháp tối ưu cơ cấu phóng tên lửa, đồng thời giảm được thời gian chuyển hướng bắn của tên lửa, chính vì vậy thời gian chuẩn bị phóng được rút ngắn tới mức tối đa.

Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với người tiền nhiệm S-400, không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.

Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km. Với tính năng siêu việt của mình, S-500 có thể thách thức mọi hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Và theo kế hoạch của Nga, việc trang bị hệ thống phòng không S-500 chậm nhất là vào năm 2018.

Clip mô phỏng S-500 diệt mục tiêu đạn đạo

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/danh-chan-ten-lua-mach-5-cua-my-la-chuyen-nho-3322947/