Đặng Tiểu Bình và ba cuộc hôn nhân thăng trầm

Nếu như phải bình chọn danh sách các nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử Trung Quốc đương đại thì tên của Đặng Tiểu Bình chắc hẳn phải đứng trong top đầu.

Ông là người đã đưa Trung Quốc đi lên theo con đường cải cách "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", cũng là người có công đưa hai mảnh đất Hồng Công và Ma Cao về với Trung Quốc. Nhiều ý kiến thống nhất rằng tuy chưa bao giờ chính thức đứng ở vị trí cao nhất trong chính phủ nhưng ông chính là người nắm thực quyền trong suốt những thập kỷ 70, 80 và 90. Nhà chính trị nổi tiếng với những quyết sách sắc sảo này có một cuộc sống hôn nhân khá thăng trầm với tất cả ba người vợ: Trương Tích Viên, Kim Duy Ánh và Trác Lâm.

Cuộc hôn nhân đầu lãng mạn và nhiều éo le: Có con gái thì mất vợ

Đặng Tiểu Bình sinh ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, mẹ ông là người vợ thứ hai của cha ông (cha ông có bốn bà vợ và mỗi bà vợ đều có vài ba đứa con). Cha vốn là người có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, cho nên ngay từ khi học trung học, ông đã được hướng theo con đường để sau này đi du học. Và cuối cùng, cậu thanh niên Đặng Tiểu Bình mới được 16 tuổi đã vượt qua kỳ sát hạch của Tổng lãnh sự quán Pháp tại Trùng Khánh để lên đường sang Pháp học.

Chính trong quá trình học tại Pháp, ông đã tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây (năm 1924). Sau sáu năm học tại Pháp, đến năm 1926, Đặng Tiểu Bình sang Nga theo học một thời gian tại Trường Đại học Phương Đông mang tên Tôn Trung Sơn. Sau đó ông về nước tham gia chiến tranh chống Nhật.

Năm 1928, Đặng Tiểu Bình kết hôn với người vợ đầu tiên - Trương Tích Viên.

Cuộc hôn nhân khởi đầu khá mỹ mãn. Trương Tích Viên kém Đặng Tiểu Bình 2 tuổi, sinh ra và lớn lên tại vùng ven thành phố Bắc Kinh. Cô theo học Trường Đại học Phương Đông tại Matxcova, chính tại đây, cô gái xinh đẹp, tính cách thân thiện và mạnh mẽ với mái tóc cắt ngắn "thời thượng" đã gặp gỡ chàng thanh niên họ Đặng vừa mới trải qua một quãng thời gian dài du học tại Paris.

Mối tình trong trường đại học của hai con người trẻ tuổi trong sáng và mãnh liệt như chính tuổi trẻ và niềm tin của họ. Khi kết hôn, Đặng Tiểu Bình 24 tuổi và Trương Tích Viên 22 tuổi. Cùng có chung nhiệt huyết với phong trào cách mạng, hai người đã tổ chức một hôn lễ đơn giản nhưng vô cùng lãng mạn theo kiểu "đồng chí" tại một nhà hàng Tứ Xuyên (quê hương Đặng Tiểu Bình) ở Thượng Hải, hôm đó có tới hơn 30 người ở các cơ quan trung ương tới chia vui với đôi bạn trẻ, và cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của họ bắt đầu.

Song số phận thật ác nghiệt, sau khi sinh hạ con gái, Trương Tích Viên bị sốt hậu sản và qua đời ở tuổi 24. Đây là một cú sốc vô cùng lớn với Đặng Tiểu Bình, vừa kịp bế con gái trên tay thì người vợ thân yêu đã ra đi, chỉ sau chưa đầy hai năm chung sống.

Cuộc hôn nhân thứ hai: Gặp gỡ và chia tay đều nhanh chóng

Người vợ thứ hai của Đặng Tiểu Bình là Kim Duy Ánh, người Đại Sơn, Triết Giang. Năm 1931, cuộc cách mạng của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trắc trở, Đặng Tiểu Bình cùng Mao Trạch Đông về tỉnh Giang Tây lập căn cứ của Hồng quân. Năm 1932, Đặng Tiểu Bình cùng một nữ đồng chí tên là Kim Duy Ánh kết hôn tại khu căn cứ địa, tạo nên một "cặp vợ chồng cách mạng".

Một năm sau, Tưởng Giới Thạch phái quân tấn công vào căn cứ cách mạng Giang Tây. Nội bộ lãnh đạo cũng bắt đầu xuất hiện lục đục, bản thân Đặng Tiểu Bình phải chịu sự phê bình và bị khai trừ khỏi ban lãnh đạo của Đảng. Sau cuộc phê bình, Kim Duy Ánh yêu cầu li dị và hai vợ chồng chia tay nhau một cách êm đẹp.

Kim Duy Ánh và Trương Tích Viên

Cuộc hôn nhân nơi hai người được ghép lại với nhau bởi thời thế, thì khi thời thế thay đổi, họ cũng nhanh chóng lìa xa nhau. Mặc dù vậy, "tình đồng chí" giữa họ dường như không bị ảnh hưởng. Sau này, trong những trang hồi ký, Kim Duy Ánh vẫn thể hiện sự tôn trọng đối với người chồng cũ chỉ chung sống với bà thời gian một năm ngắn ngủi.

Cuộc hôn nhân thứ ba: Bên nhau đến lúc đầu bạc răng long

Quá tam ba bận, đến khi kết hôn với người vợ thứ ba, Đặng Tiểu Bình mới có cơ hội cảm nhận được sự gắn bó của gia đình bên vợ và các con, cùng trải qua không ít cay đắng và vinh quang. Người vợ thứ ba của ông là Phố Trác Lâm, người Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam.

Năm 1937, khi đến Diên An tham gia hoạt động cách mạng, bà gặp gỡ và cùng làm việc với Đặng Tiểu Bình. Sau hai cuộc hôn nhân đầu tiên nhiều đau khổ: cuộc hôn nhân thứ nhất tràn đầy tình yêu nhưng mới chung sống hai năm thì người vợ đã qua đời, cuộc hôn nhân thứ hai đến với nhau vì tình đồng chí, chung sống một năm thì lại bị người vợ đề nghị chia tay bởi thời thế thay đổi, giờ đây Đặng Tiểu Bình cảm thấy không tha thiết lắm với việc bắt đầu một cuộc sống gia đình mới. Tuy nhiên, lãnh đạo và các đồng chí liên tục thúc giục, động viên ông "tìm vợ".

Trong số những nữ đồng chí mà ông quen biết tại Diên An, Trác Lâm là người khiến ông có nhiều cảm tình nhất. Bà có một thành tích học tập đáng nể, dung mạo ưa nhìn, đặc biệt tính cách bà rất nhiệt tình vui vẻ, lúc nào cũng nhìn về phía trước với thái độ lạc quan, khiến cho con người đã phải chịu nhiều thăng trầm trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư như Đặng Tiểu Bình cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ. Kết quả là tháng 9 năm 1939, trước cửa hầm của Mao Trạch Đông, hôn lễ của Đặng Tiểu Bình và Phố Trác Lâm đã được cử hành.

Hai người sống bên nhau rất hòa thuận, trước sau có năm đứa con, hai trai ba gái. Trác Lâm luôn là người vợ hiền, người mẹ đảm, sát cánh bên Đặng Tiểu Bình khi ông đang nắm giữ nhiều trọng trách lẫn khi sự nghiệp của ông gặp khó khăn.

Đặng Tiểu Bình và Phố Trác Lâm

Đáng kể nhất là quãng thời gian đồng cam cộng khổ không thể nào quên từ năm 1966 đến năm 1972. Năm 1966, "Đại cách mạng văn hóa" Trung Quốc bùng nổ, mở đầu cho thời kỳ sau này được người Trung Quốc gọi là "10 năm động loạn" trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Các cuộc thanh trừng, đàn áp và lật đổ cuốn cả triệu gia đình Trung Quốc vào cảnh ly tán đau khổ.

Đặng Tiểu Bình là một trong những nhân vật bị phê phán nặng nề nhất trong thời gian này, bị quy là kẻ thù, kẻ phản bội, đi theo chủ nghĩa tư bản bởi những tư tưởng cởi mở của ông trong việc cải cách kinh tế. Các chức vụ ông đang nắm giữ đều bị tước bỏ hoàn toàn, ông bị khai trừ khỏi Đảng, bị đưa đi diễu hành trên phố, rồi phải về nông thôn làm việc ở xưởng máy kéo. Gia đình ông rơi vào cảnh chia lìa, hai vợ chồng ông bị đưa đi "giam lỏng" ở Giang Tây, các con cái đều bị đưa đi các tỉnh khác để lao động cải tạo.

Sự cố đáng tiếc nhất là con trai cả Đặng Phác Phương của hai người đang học tại Đại học Bắc Kinh đã bị những phần tử quá khích làm cho ngã từ tầng 4 xuống và trở thành người tàn phế. Về sau, mặc dù hai vợ chồng tìm mọi cách để chạy chữa song con trai không thể trở lại làm người lành lặn.

Suốt trong những năm tháng đau đớn và khó khăn ấy, Trác Lâm luôn ở bên cạnh ông như một người vợ hiền, một người bạn thủy chung như nhất, một người đồng chí kiên cường. Tình yêu của họ được thử thách qua bao trắc trở, đến khi ông lại một lần nữa trở lại chính trường và bắt tay vào điều hành công cuộc cải cách kinh tế, hiện đại hóa đất nước, bà Trác Lâm vẫn luôn là trợ thủ đắc lực của ông.

Các con của họ: Đặng Lâm, Đặng Dung, Đặng Nam (con gái) và Đặng Phác Phương, Đặng Chất Phương (con trai) thừa hưởng tính cách kiên cường và tư chất thông minh của cả cha lẫn mẹ, đều đã trở thành các kỹ sư, bác sĩ, nhà nghệ thuật có nhiều đóng góp cho đất nước.

Năm 1997, khi Đặng Tiều Bình từ trần tại Bắc Kinh ở tuổi 93, hình ảnh bà Trác Lâm đau đớn bên linh cữu của ông đã khiến cho cả Trung Quốc phải xúc động. Người ta nhận xét rằng Trác Lâm là người phụ nữ "không dao động, cả cuộc đời không dao động, trải qua bao bể dâu cũng không dao động, không phải vì bà là phu nhân của Đặng Tiểu Bình, mà vì bản thân bà là con người như vậy", thật không quá lời.

Người vợ thứ nhất Trương Tích Viên ra đi quá sớm để lại trong lòng Đặng Tiểu Bình những ký ức vô cùng đẹp đẽ xen lẫn đau buồn. Người vợ thứ hai Kim Duy Ánh vội vã đến và đi trong những bộn bề của cuộc chiến. Còn người vợ thứ ba Phố Trác Lâm là người đã ở bên ông cho đến lúc ông từ giã cõi đời, cùng ông chia ngọt sẻ bùi trong những tháng năm dài. Ba người phụ nữ ấy, mỗi người một cách, đã góp phần làm nên cuộc đời nhiều biến động với đầy đủ cả cay đắng lẫn vinh quang của Đặng Tiểu Bình.

Theo Linh Anh (Cảnh sát toàn cầu)

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20120701052818815p1112c1116/dang-tieu-binh-va-ba-cuoc-hon-nhan-thang-tram.htm