Đằng sau việc Tổng thống Philippines bất ngờ đổi giọng với Trung Quốc

Từ tuyên bố không muốn chiến tranh với Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte đã chuyển sang cảnh báo về một cuộc chiến đẫm máu nếu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Người dân Philippines ăn mừng sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài khẳng định “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Ảnh: Reuters

Một tuần trước khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, ông Duterte đã có bài phát biểu trước lực lượng không quân, nói rằng chiến tranh là từ “bẩn thỉu”, Philippines “không chuẩn bị để giao chiến” và nếu phán quyết nghiêng về Philippines, Manila sẽ tiến hành đàm phán song phương với Bắc Kinh. Ngày 12/7, Tòa Trọng tài được Liên hợp quốc hậu thuẫn đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Theo chuyên gia Termsak Chalermpalanupap thuộc Viện Nghiên cứu ASEAN, phán quyết hay “chiến thắng cho tất cả” như nhìn nhận của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III là đòn giáng mạnh vào “niềm kiêu hãnh và thể diện của Trung Quốc”.

Về phần mình, Trung Quốc tái khẳng định lập trường không công nhận, không thừa nhận phán quyết. Khi tiếpChủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tới dự Hộinghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 18 tổ chức ở Bắc Kinh hôm 12/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tuyên bố nước này "không bao giờ chấp nhận bất kỳ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài”. Dẫu vậy, Bắc Kinh vẫn tìm cách “ve vãn” Philippines, thậm chí, theo Reuters hôm 26/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn đề nghị người đồng cấp phía Mỹ John Kerry hỗ trợ nối lại đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, vào ngày 27/8 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào (có thể diễn ra trong năm 2016 như ông Duterte cho biết vào tối 23/8) với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đều phải dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài. Thậm chí, hôm 24/8, phát biểu với các binh sỹ tại một doanh trại quân đội Philippines, ông Duterte yêu cầu các binh sỹ phải chuẩn bị tốt để bảo vệ tổ quốc khi xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và nhấn mạnh “nếu họ (Trung Quốc) xâm lược, đó sẽ là (cuộc chiến) đẫm máu”.

Tuyên bố cứng rắn nêu trên của tân Tổng thống Philippines khác hẳn so với cách tiếp cận mềm mỏng và hy vọng một "cú hạ cánh nhẹ nhàng" trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông được chính ông Duterte nêu ra trong quá trình tranh cử và sau khi đắc cử. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ chính cái ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết hôm 12/7, ông Duterte chủ trì họp Nội các và mọi người tất vui mừng khi nhận được thông tin phán quyết có lợi cho Philippines. Nhưng sau đó, niềm vui đã bị phá vỡ bởi tiết lộ của một vị bộ trưởng, cho biết tối 11/7 đã dùng bữa với Đại sứ Trung Quốc ở Manila và nhận được một danh sách chi tiết các yêu cầu của Bắc Kinh, từ việc muốn Chính phủ Philippines nên nói gì, không nên nói gì khi Tòa Trọng tài ra phán quyết.

Trước đây, ông Duterte từng có lần công khai nói rằng mình không tin vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Nhưng sau khi nghe vị bộ trưởng kia nói, ông Duterte đã rất tức giận vì cảm thấy phía Trung Quốc đang giễu cợt mình, thậm chí còn nói với các thành viên Nội các rằng mình hoan nghênh Mỹ gửi tàu chiến đến phô diễn sức mạnh, nguồn tin của tờ Wall Street Journal là một trong những trợ thủ thân tín nhất của tân Tổng thống Philippines cho hay.

Một nguyên nhân khác, đó là ông Duterte cũng phải chú ý tới tình cảm chủ nghĩa dân tộc ở Philippines. Là một Tổng thống mới lên nắm quyền, nền tảng quyền lực chưa vững chắc, ông Duterte không những cần phải tạo dựng môi trường địa chính trị ổn định, mà còn phải cân nhắc tới kỳ vọng của cử tri lẫn xử lý quan hệ với các thế lực chính trị khác ở trong nước. Từ việc ông Duterte phải cử cựu Tổng thống Fidel Ramos, 88 tuổi tới Trung Quốc để phá băng quan hệ cho thấy thế lực thân Trung Quốc ở Philippines vẫn mỏng yếu và tình cảm chủ nghĩa dẫn tộc vẫn chiếm thế thượng phong ở nước này.

Sinh viên Philippines biểu tình phản đối hành vi bồi đắp trái phép, quân sự hóa Trường Sa của Trung Quốc. Ảnh: AP

Do vậy, ông Duterte cần phải đưa ra những phát biểu mang sắc thái chủ nghĩa dân tộc để thu hút thêm sự ủng hộ, nhất là sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết xác định Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) còn Trung Quốc vẫn ngăn cản ngư dân Philippines tới đây đánh bắt cá. Gần đây nhất là việc truyền thông Philippines tiết lộ Trung Quốc có thể đã khai thác trái phép đất cát tại tỉnh Zambales của Philippines để sử dụng vào việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Ngoài ra, dư luận cho rằng ông Duterte dù thế nào cũng không thể xem nhẹ hiện thực rằng ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản đối với Philippines trên cả phương diện kinh tế lẫn quân sự vẫn rất lớn. Với tình trạng kinh tế, quân sự hiện nay, Philippines hoàn toàn ở thế yếu so với Trung Quốc nếu xảy ra đối đầu, xung đột. Cho nên, quan hệ tốt với Mỹ và Nhật Bản, đối với Philippines không chỉ là câu chuyện cân bằng nước lớn, mà còn có thể giúp tăng cường quốc lực và sự tự tin trong đấu tranh với Trung Quốc.

Hoàng Hà

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-viec-tong-thong-philippines-bat-ngo-doi-giong-voi-trung-quoc-20160828202050079.htm