Đằng sau việc lập đường dây nóng trên Biển Đông

(Petrotimes) - Dư luận trong và ngoài khu vực đang dõi theo những di biến động diễn ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 ở Phnom Penh, Campuchia (từ 18 đến 20/11) bởi tại đây sẽ đưa ra các quyết sách không những có ảnh hưởng tới các quốc gia hữu quan, mà còn tác động tới nhiều nước khác. Vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông là một trong những lĩnh vực được dư luận cũng như các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 quan tâm nhất bởi…

Đường dây nóng trên Biển Đông

Sáng 18/11, tại Phnom Penh, Campuchia, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 dưới chủ đề “ASEAN: một Cộng đồng, một Vận mệnh”. Tại lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung. Lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnom Penh (tối 18/11).

Những tranh chấp trên Biển Đông chiếm một phần quan trọng trong nội dung bàn thảo giữa các nước Đông Nam Á với những đối tác tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và châu Á diễn ra từ 18 đến 20/11, chứng tỏ đây là chủ đề vừa nhạy cảm, vừa khó khăn, phức tạp và không thể giải quyết trong một sớm một chiếu. Cách đây hơn 2 năm, vấn đề Biển Đông từng “nóng” tại các hội nghị, diễn đàn cũng như trên thực địa và lĩnh vực này tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Và những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể trở thành điểm nóng tiếp theo của thế giới trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN ở phiên khai mạc hội nghị

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 17/11, Indonesia đã đề xuất ASEAN và Trung Quốc lập đường dây liên lạc khẩn cấp (đường dây nóng) nhằm kiềm chế nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Ông Surin Pitsuwan khẳng định, đề nghị của Indonesia là một sáng kiến thực tế bởi với đường dây nóng này, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ lập tức được thông báo về những bất thường xảy ra trên biển để nhanh chóng giải quyết, ngăn chặn không để vấn đề bùng phát đến mức không thể kiểm soát. Tuy nhiên, ông Surin Pitsuwan cho biết (17/11) cũng nhận định, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông chỉ được một số bộ trưởng nêu chung chung, chưa đề cập đến các chi tiết có thể gây bất đồng và việc này đang ảnh hưởng đến dòng đầu tư nước ngoài vào khu vực này do lo ngại về an toàn.

Giới truyền thông đưa tin, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), khi trao đổi về tình hình Biển Đông, các đại biểu đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông”, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

ASEAN đã quyết định đề nghị Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán chính thức “trong thời gian sớm nhất có thể” về việc xây dựng một hiệp ước không xâm lược và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn những xung đột lớn có thể xảy ra tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định, sẽ kêu gọi Trung Quốc chấp nhận ký COC nhằm ngăn chặn xung đột trên Biển Đông. Được biết, Philippines muốn mời Việt Nam, Malaysia và Brunei thống nhất lập trường về Biển Đông. Philippines hy vọng sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau khi Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư, thay thế người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Quan điểm của Trung Quốc

Trong khi giới truyền thông lạc quan về triển vọng giải quyết tranh chấp, trong đó có việc thảo luận về Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhưng giới phân tích lại có cách nhìn nhận khác. Nhận định này được đưa ra sau tuyên bố hôm 17/11 của Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh (Oánh) - Bắc Kinh trông đợi các bên tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế, chứ không để các tranh chấp làm lu mờ những vấn đề và triển vọng hợp tác phát triển. Bà Phó Doanh thậm chí còn muốn lái công luận quốc tế đi theo một hướng khác khi cho rằng, vấn đề Biển Đông đã bị thổi phồng tại mọi hội nghị khu vực và quốc tế có liên quan tới Trung Quốc và các nước ASEAN bởi “tình hình đang được kiểm soát và các nước có liên quan có thể giải quyết sự khác biệt của mình.

Và trên thực tế mấy năm qua, Trung Quốc và các nước tiếp giáp Biển Đông kiểm soát tranh chấp một cách thành công và không để nó gia tăng”. Ngoài ra, bà Phó Doanh còn cho rằng, khu vực Biển Đông có thể được kiểm soát và khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua các cuộc hội đàm, các cuộc đàm phán… Tuy nhiên, dư luận chung đều cho rằng, tuyên bố của Thứ trưởng Phó Doanh trái với những gì đang diễn ra trong thực tế tại Biển Đông - vấn đề đang trở nên căng thẳng với diễn biến phức tạp sau những động thái leo thang gần đây của Bắc Kinh (đưa tàu tuần tra giám sát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” và “khu phòng thủ Tam Sa” trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Không những cương quyết phủ nhận đàm phán đa phương và cố tình đưa vấn đề Biển Đông về bàn đàm phán song phương, Trung Quốc còn kịch liệt phản đối ý định tham gia vào vấn đề này của Mỹ. Báo chí Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, sẽ nhấn mạnh lợi ích cơ bản của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông, sẽ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng đạt thỏa thuận về COC. Dư luận cho rằng, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm lỗi thời - không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng lại liên tục gây hấn với các quốc gia hữu quan.

Ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác để xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, Trung Quốc và ASEAN sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán và đồng thuận để cuối cùng đạt được một bộ quy tắc ứng xử. Cũng trong ngày 16/11, Trung Quốc đã tổ chức hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng dưới sự chủ trì của tân Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. Nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng tham dự và có bài phát biểu trước hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đánh giá cao công lao to lớn của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đối với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, cũng như trong việc xây dựng quốc phòng và quân đội. Cũng trong ngày 16/11, hơn 60 chuyên gia nghiên cứu quân sự đến từ 21 quốc gia đã tham dự một diễn đàn tại thủ đô Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình dương do Hiệp hội Khoa học quân sự Trung Quốc tổ chức. Dư luận đang quan tâm tới thông tin nói rằng, Trung Quốc kêu gọi Nga, Hàn Quốc và Mỹ thành lập liên minh để chống lại Nhật Bản. Ý tưởng này được đưa ra tại hội nghị 3 bên Nga - Hàn - Trung diễn ra hôm 14/11 ở Moskva.

Biển Hoa Đông vẫn chưa lắng dịu

Giới truyền thông đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ đưa vấn đề tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21. Nhà Trắng thông báo, ngày 20/11 Tổng thống Barack Obama sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda bên lề Hội nghị Đông Á (EAS) tại Campuchia. Trong khi đó, ngày 17/11, Thứ trưởng Ngoại giao Phó Doanh cho biết, Trung Quốc ủng hộ hợp tác kinh tế và thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc. Bởi hợp tác Trung - Nhật - Hàn là một phần quan trọng trong hợp tác Đông Á và 3 nước này đã đẩy mạnh liên lạc và hợp tác kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác năm 2008 - sự hợp tác giữa ba nước không những có lợi cho bản thân các nước này, mà còn góp phần đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (phải) tại Siem Riệp, Campuchia ngày 16/11

Tuyên bố của bà Phó Doanh được đưa ra sau khi tờ Sankei của Nhật Bản (14/11) đưa tin, Tokyo đã quyết định hoãn kế hoạch khởi động đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Hàn - Trung - Nhật bởi căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi.

Tư lệnh phụ trách các hoạt động của Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert vừa kêu gọi về một công ước để đối phó với các hoạt động hàng hải tại khu vực biển Hoa Đông nhằm ngăn chặn đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 17/11, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 4 tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào khu vực ngay sát vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày thứ 29 liên tiếp. Trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật xung quanh chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa lắng dịu, một số trường mẫu giáo ở tỉnh Chiết Giang và Hà Nam, Trung Quốc đã tổ chức những trò chơi gắn với tên gọi “bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Đây là một hình thức “giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo” đối với công dân nhí tại Trung Quốc.

Mỹ thể hiện sự quan tâm tại Châu Á - Thái Bình Dương

Mỹ tiếp tục tái khẳng định mối quan tâm đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà cho rằng, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an ninh hàng hải, tự do thương mại và Biển Đông không những có trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào, mà còn là tuyến vận tải vô cùng quan trọng đối với thương mại thế giới. Trước đó (13/11), khi phát biểu tại Trường đại học Tây Australia, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tăng cường hợp tác quân sự và tài chính đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận nhiều vấn đề đối với khu vực như an ninh hàng hải, thực thi luật pháp, ứng phó với thảm họa, an ninh lương thực và năng lượng.

Tổng thống Barack Obama cũng sẽ tái khẳng định những nguyên tắc cơ bản về Biển Đông - phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không cản trở thương mại hợp pháp, đảm bảo tự do hàng hải và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc gây sức ép kinh tế để giải quyết bất đồng. Đặc biệt, Mỹ ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Bởi COC sẽ tạo ra một khung giải quyết và ngăn ngừa tranh chấp dựa trên các quy tắc.

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, ông Thomas Donilon cho biết, quyết định chọn châu Á (Thái Lan, Myanmar và Campuchia) làm đích đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với khu vực này, đồng thời đánh dấu bước khởi đầu của giai đoạn tiếp theo trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã hội đàm với các Bộ trưởng ASEAN tại Campuchia, trong đó thảo luận về vấn đề an ninh Biển Đông và hợp tác quân sự với các quốc gia Đông Nam Á. Ông Leon Panetta kêu gọi thực hiện các biện pháp hòa bình, đa phương, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và các nước hữu quan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các sáng kiến an ninh mở rộng tại Châu Á - Thái Bình dương, cùng các đối tác trong khu vực giải quyết những thách thức an ninh đang đặt ra như bảo đảm an ninh trên biển, an toàn hàng hải, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, đối phó với thiên tai.

11 ủy viên Quân ủy Trung ương khóa 18 gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình; Thượng tướng Phạm Trường Long, nguyên Tư lệnh đại quân khu Tế Nam vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Thường Vạn Toàn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị; Thượng tướng Phòng Phong Huy, nguyên Tư lệnh Đại quân khu Bắc Kinh vừa được bầu làm Tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Trương Dương, nguyên Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu vừa được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Triệu Khắc Thạch, nguyên Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh vừa được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, nguyên Tư lệnh Đại quân khu Thẩm Dương, vừa được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị; Thượng tướng Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng vừa được cử làm Tư lệnh Quân chủng Không quân; Trung tướng Ngụy Phượng Hòa, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng vừa được điều động làm Tư lệnh Binh chủng Pháo binh 2 (Tên lửa chiến lược).

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/bien-dong/dang-sau-viec-lap-duong-day-nong-tren-bien-dong.html