Đằng sau việc Donald Trump bổ nhiệm Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc

Việc bổ nhiệm cựu Thống đốc bang Nam Caronlina, bà Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc gây ra nhiều bất ngờ trong giới ngoại giao. Có nhiều lo ngại cho rằng với ít kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, bà khó có thể đối phó với các đối thủ giỏi chuyên môn mà một trong số đó đến từ Nga.

Như đã đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử Thống đốc bang Nam Carolina, bà Nikki Haley cho vị trí đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Tờ Politico mới đây cho biết nhiều nhà quan sát tin rằng điều này cho thấy ý định tuân thủ các cam kết thúc đẩy hợp tác với Nga của ông Donald Trump.

Bà Nikki Haley (trái) và Betsy DeVos là hai người phụ nữ đầu tiên có mặt trong nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Nguồn: AP

Tờ báo nhấn mạnh: "Bà Haley không có một cái đầu nóng, và hầu như không có kinh nghiệm trong vấn đề chính sách đối ngoại, vì vậy có nhiều giả định rằng bà này sẽ làm theo sự định hướng của ông Trump".

Khi công bố sự lựa chọn của mình trước công chúng, ông Donald Trump đã gọi bà Haley là "một người biết thương thuyết" và rằng chính quyền của ông có ý định "thương thuyết nhiều thỏa thuận".

Làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc sẽ là một thử nghiệm mới mà bà Haley chưa từng có cơ hội trải nghiệm. Bài báo tiết lộ, bà Nikki Haley sẽ làm các công việc liên quan đến "vấn đề cấp bách của sự sống và cái chết" với một đối tác giàu kinh nghiệm đến từ Nga là ông Vitaly Churkin - người được xem là một trong những đối thủ chính của các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Churkin làm đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc kể từ năm 2006, sau nhiều năm làm công việc ngoại giao. Theo lời cựu phát ngôn viên về nhiệm vụ của Mỹ tại tổ chức này Hagar Chema, thì nhà ngoại giao Nga và đội ngũ của ông luôn luôn đặt các lợi ích an ninh quốc gia Nga lên đầu, và do đó họ không đi ngược lại với lợi ích này ngay cả khi nó không phù hợp với các thành viên khác của Liên Hợp Quốc.

Ông Chema cho biết: "Các nhà ngoại giao Nga là những người khó nhằn và rất giỏi chuyên môn, bà Haley sẽ phải làm việc với quan điểm "chúng tôi muốn hợp tác với các bạn trên cơ sở lợi ích chung", mà không được quên đặt các lợi ích quốc gia của Mỹ lên trên hết".

Các nhà ngoại giao đã từng lo ngại việc cựu đại sứ thưởng trực của Mỹ ông John Bolton, người được nhớ đến như một đồng nghiệp có thái độ thù địch, sẽ trở lại chức vụ tại cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Cũng đã có những tin đồn về việc đề cử cựu đại sứ Mỹ Richard Grinell, người hiện nổi tiếng bởi những công bố về "các hồ sơ gây kích động" trên Twitter

Nhiều người cho rằng Trump đã chú ý đến ứng cử viên Nikki Haley vì thái độ lịch sự và sự điềm tĩnh chuyên nghiệp có tiếng của bà.

Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, ông Francois Lattre chia sẻ ý kiến về người đồng nghiệp Mỹ tiềm năng của mình: "bà Haley được đánh giá cao và là một chuyên gia có uy tín".

Bà Haley, người gốc Ấn Độ, là nhân vật rất đáng chú ý trong chính trường nước Mỹ, khi trở thành nữ thống đốc đầu tiên tại bang Nam Carolina vào năm 2011. Trong giai đoạn tranh cử, bà đã chỉ trích mạnh mẽ ông Donald Trump, và từng ủng hộ hai đối thủ của ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida và Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas.Tuy nhiên, một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bà Haley bất ngờ thay đổi lập trường, và cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Trump.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dang-sau-viec-donald-trump-bo-nhiem-nikki-haley-lam-dai-su-my-tai-lien-hiep-quoc-post214548.info