Đằng sau sự biến mất của những ngôi làng ở Nga

"Lâu rồi chẳng có đám cưới hay lễ rửa tội nào, hầu như chúng tôi chỉ thấy những đám ma", Alexander Fyodorov, một trong 17 người còn lại ở ngôi làng từng có 500 người, nói.

Với những con đường trồng tử đinh hương quanh co uốn khúc, những căn nhà gỗ cũ kỹ và nhà thờ có mái vòm trang nhã, ngôi làng Baruta bé nhỏ từng là biểu tượng về cuộc sống hạnh phúc ở xứ sở bạch dương.

"Chỉ thấy những đám ma"

Biểu tượng đó nay chỉ còn là ký ức. Ngày càng nhiều dân làng rời bỏ cõi sống, nằm chen chúc trong nghĩa trang nhà thờ chật hẹp. Nông nghiệp dần đi xuống, những ngôi nhà đá đẹp đẽ bị bỏ hoang, rừng rậm xâm lấn cánh đồng.

Trong khi gia tăng dân số tự nhiên của Nga bước vào giai đoạn suy giảm kéo dài, các làng mạc như Baruta đang dần biến mất trên khắp đất nước này.

"Lâu rồi chẳng có đám cưới hay lễ rửa tội nào, hầu như chúng tôi chỉ thấy những đám ma", Alexander Fyodorov, 59 tuổi, một trong số 17 người đàn ông còn lại ở ngôi làng từng là nơi sinh sống của 500 nông dân, cho biết.

Nhà thờ và khu nghĩa trang ở làng Baruta, vùng Pskov, phía tây bắc nước Nga. Ảnh: New York Times.

Những ngôi làng đang chết dần

Tăng trưởng mạnh về dân số thường được nhắc đến như là một trụ cột giúp khôi phục lại vị thế hàng đầu của Nga trong trật tự thế giới. Tuy nhiên, Nga hiện nay gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh đẻ.

Trong năm 2016, số người chết đi nhiều hơn số người được sinh ra tới vài nghìn và dự báo trong những năm tới, tình hình cũng không có gì sáng sủa. Từ 2013 đến 2015, gia tăng tự nhiên của Nga đạt mức cao nhất là vào năm 2015 với 32.038 số người sinh ra nhiều hơn chết đi. Trong khi cùng năm đó, Mexico, với quy mô dân số nhỏ hơn gần 10%, ghi nhận khoảng 1,7 triệu người sinh ra nhiều hơn số người chết.

Những vùng nông thôn, từ lâu được coi là cội nguồn văn hóa và đặc trưng của nước Nga, đang chết dần.

Valentin Kurbatov, cây bút trong dòng văn học nông thôn, từng tới Pskov, vùng nông thôn trù phú ở tây bắc nước Nga vào năm 1964. Thời điểm đó, toàn bộ khu vực là nơi trồng lanh nổi tiếng.

"Lanh mang màu xanh đẹp tuyệt trần và khi tôi tới đây, bầu trời như phản chiếu sắc màu của những cánh đồng lanh vậy", ông Kurbatov nói. "Giờ thì cây dại và đầm lầy đã quay lại xâm lấn".

Như chiếc bánh xe thủng lốp sắp cạn hơi, những làng mạc như Baruta ở Pskov, cách Moscow hơn 600 km về phía tây bắc, cứ thế lụi tàn sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ngôi nhà bị bỏ hoang ở làng Baruta. Ảnh: New York Times.

Mô hình Hợp tác xã tự do, chất keo gắn kết các ngôi làng, đã bị giải thể. Không còn bị ràng buộc bởi những quy định nghiêm ngặt thời Liên Xô, lớp thanh niên đổ xô tới những thành phố lớn mong tìm kiếm tương lai tốt đẹp.

Trường học đóng cửa, nhà thờ ngừng hoạt động. Nơi tụ họp duy nhất còn lại cho những công dân của ngôi làng 160 năm tuổi là một cửa hàng tạp hóa nhỏ, nơi bán hàng tá chai vodka và một chút các hàng hóa khác.

"Như cá tìm chỗ nước sâu, người ta tìm đến những nơi tốt hơn để sống", Fyodorov, một người nông dân bày tỏ.

Vấn đề nhân khẩu học dai dẳng

Vấn đề về nhân khẩu học của Nga có từ cách đây ít nhất 100 năm, bắt đầu từ cuộc cách mạng 1917, tiếp sau đó là cuộc cải cách của Stalin trong những năm 1930. Cả hai sự kiện đều kìm hãm sự tăng trưởng dân số, chưa kể sức tàn phá của Thế chiến thứ hai, khi Liên Xô mất đi khoảng 20 triệu người. Gần đây hơn, tỷ lệ sinh giảm trong những năm khủng hoảng sau khi Liên Xô sụp đổ (1991).

Những thảm họa về nhân khẩu học như thế này tiếp tục quay trở lại kìm hãm sự phát triển dân số hai thập kỷ sau đó, khi mà số phụ nữ đạt độ tuổi sinh đẻ giảm xuống. Nga đang bước vào một trong những thời kỳ như vậy, khi số trẻ sinh ra trong vòng 5 tháng đầu của năm 2017 giảm 83.000 bé so với cùng kỳ năm ngoái.

Nói về thiếu hụt dân số, vùng Pskov, nơi giáp với Latvia và một phần Estonia, là một trong những khu vực đang trong tình trạng tồi tệ nhất ở Nga. Dân số khu vực này đạt mức cao nhất khoảng 1,8 triệu người trong những năm 1920, Andrei Manakov, nhà nhân khẩu học tại Đại học Quốc gia Pskov, cho biết. Con số này hiện nay là 642.000 người và dự kiến giảm xuống chỉ còn 513.000 người cho tới năm 2033.

Các nhà nghiên cứu ước tính trong số 8.300 ngôi làng năm 1910, 2.000 làng không còn dân sinh sống.

Cửa hàng tạp hóa nhỏ tại ngôi làng thưa vắng Baruta thuộc vùng Pskov gần biên giới, một trong những khu vực có tình trạng dân số tồi tệ nhất ở Nga. Ảnh: New York Times.

Một vài, nếu không nói là hầu hết, thôn trong Baruta đều đã bị bỏ hoang. Cây cối mọc chen lấn những con đường cũ, chắn cả lối đi. Một số người lái taxi thậm chí còn không thể định hướng và sóng điện thoại thì rất kém.

Bà Antonia M. Levedova, 73 tuổi, sinh ra ở làng Seletskoe, cho biết trong 50 ngôi nhà tại làng, chỉ còn 3 căn có người ở suốt cả năm. Bà nói chẳng mấy mà làng rồi cũng sẽ không còn. "Người trẻ đi mất, còn người già thì chết đi", bà nói.

Bên cạnh tỷ lệ sinh giảm đi, các vấn đề khác cũng khiến dân số thu hẹp. Tỷ lệ tử vong ở Nga đã cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước phương Tây. Tuổi thọ trung bình chỉ đạt 72 tuổi, mức cao kỷ lục tại Nga trong khi ở các nước phát triển, thường là 76 tuổi cho nam giới và 85 tuổi cho nữ giới.

Việc tiêu thụ vodka cao và chất lượng dịch vụ y tế không toàn diện cũng khiến tuổi thọ ngắn đi. Alexander N. Tkachev, bộ trưởng nông nghiệp, từng gây chú ý vào mùa hè này khi phát biểu rằng xu hướng uống rượu vang nhiều hơn và ít vodka hơn sẽ cải thiện tình hình nhân khẩu học.

Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện để khuyến khích sinh đẻ, ví dụ như hỗ trợ 7.500 USD cho gia đình sinh con thứ hai, hay trao danh hiệu "Vinh quang cha mẹ" cho gia đình nào sinh ít nhất 7 con. Tổng thống Putin trực tiếp trao danh hiệu này tại một buổi lễ ở Kremlin phát sóng trên toàn quốc. Nhưng các biện pháp đó đều không thể tạo nên thay đổi đáng kể.

Nga có thể đánh mất vị thế quốc tế

Vùng Pskov là nơi có tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử đáng quan ngại nhất trên toàn nước Nga, với 18/1.000 người chết đi và chỉ 11/1000 người được sinh ra mỗi năm.

Đây là xu hướng trên toàn bộ nước Nga. Theo dự báo lạc quan nhất từ các nhà nhân khẩu học, dân số tới năm 2050 sẽ không có gì thay đổi, khoảng 146 triệu người, nếu như người nhập cư từ Trung Á - vốn đang giảm - bù lại được tỷ lệ sinh thấp. Những số liệu bi quan hơn thì cho rằng dân số Nga tới 2050 chỉ ở mức 130 triệu người. Con số bi quan nhất thậm chí còn là dưới 100 triệu.

"Chúng ta hiểu rằng nếu dân số thu hẹp, Nga sẽ không còn đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, trong nền kinh tế toàn cầu", Giáo sư Manakov tại Đại học quốc gia Pskov nhận định. "Đó là lý do vì sao nhà chức trách muốn tỷ lệ sinh tăng lên".

Theo Ngụy An (Zing)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/dang-sau-su-bien-mat-cua-nhung-ngoi-lang-o-nga-c5a570284.html