Đằng sau chuyện ngân hàng giảm lãi suất

Sau khi liên tục tăng từ đầu tháng 6 năm nay, lãi suất huy động đang hạ nhiệt trở lại. Từ ngày 26-9-2016, một số tổ chức tín dụng (TCTD) lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm từ 0,3-0,5%. Đây là động thái bất ngờ của xu hướng lãi suất, khi hầu hết dự báo đều cho thấy lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng lên trong những tháng cuối năm nay.

Tính đến ngày 31-8-2016, tăng trưởng huy động vốn toàn ngành đạt 11%, trong khi dư nợ cho vay chỉ đạt 9,67% so với đầu năm. Ảnh: TUỆ DOANH

Đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động là ba ngân hàng thương mại gốc nhà nước Vietcombank, Vietinbank và BIDV, với mức giảm khá lớn khi có kỳ hạn giảm đến 0,7%.

Chật vật đầu ra tín dụng

Tính đến ngày 31-8-2016, tăng trưởng huy động vốn toàn ngành đạt 11%, trong khi dư nợ cho vay chỉ đạt 9,67% so với đầu năm. Thống kê cho thấy huy động vốn của toàn ngành ngân hàng đã luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm đến nay. Đây là xu hướng trái ngược với năm ngoái khi tăng trưởng huy động vốn luôn thấp hơn tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng kể trên không phải là thấp so với những năm gần đây, nhưng thực tế nguồn vốn này chủ yếu được rót vào các dự án đầu tư dài hạn, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, các ngành nghề ưu tiên hấp thụ vốn không như mong đợi.

Cụ thể, thống kê cho thấy tổng số dư cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT đến ngày 30-6-2016 là 83.611 tỉ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành sáu tháng đầu năm nay là 8,16%.

Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 6395 yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đây là lần cảnh báo thứ ba liên tiếp trong một năm trở lại đây của NHNN về việc cấp tín dụng ở khu vực ngốn rất nhiều vốn này.

Tiếp đến vào giữa tháng 9, NHNN lại có Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dừng thực hiện việc cho vay mới để trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 15 ngày NHNN đã liên tiếp có hai công văn chấn chỉnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, theo hướng thắt chặt và kiểm soát nhiều hơn nhằm hạn chế rủi ro. Nếu như yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông có thể khiến dòng vốn rót vào khu vực này bị hạn chế, thì việc ngừng cho vay tuần hoàn, theo đó thực hiện thu toàn bộ nợ gốc và lãi khi đến hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng vay, không cho vay tuần hoàn toàn bộ hoặc một phần nợ gốc, sẽ có thể khiến dư nợ tại một số ngân hàng không tăng lên mà còn bị sụt giảm khi buộc phải thu hồi các khoản vay.

Ngoài ra, dù luôn có mong muốn đẩy mạnh cho vay để tăng lợi nhuận, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể bị níu lại bởi hệ số an toàn vốn (CAR) không thể đáp ứng. Do dư nợ tín dụng là một thông số đầu vào để tính hệ số CAR, vì vậy với những ngân hàng nào có vốn tự có nhỏ và hệ số CAR đang thấp thì khó có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng. Theo thống kê của NHNN, hệ số CAR của toàn hệ thống đến ngày 30-6-2016 là 12,65%, tuy nhiên nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 9,32%, cận kề với mức quy định tỷ lệ tối thiểu là 9%. Vì vậy nếu không thể tăng vốn tự có thì các ngân hàng cũng khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Ít lựa chọn ở các kênh đầu tư khác, nguồn vốn trở nên dư thừa

Đến ngày 21-9-2016, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 250.890 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, sớm vượt kế hoạch huy động vốn qua kênh này. Mặc dù kế hoạch phát hành trái phiếu đã được điều chỉnh tăng từ mức 220.000 tỉ lên 250.000 tỉ vào cuối tháng 6, nhưng việc dễ dàng hoàn thành kế hoạch chỉ trong chín tháng đầu năm cho thấy nhu cầu mua của các tổ chức là rất mạnh và cũng phản ánh tình trạng dư thừa thanh khoản tại các ngân hàng.

Hệ quả sau khi Chính phủ hoàn thành kế hoạch vay là nguồn cung trên thị trường trái phiếu đột ngột bị giảm mạnh, điều này khiến thanh khoản của các ngân hàng vốn đang dư thừa càng trở nên thừa nhiều hơn, do đó lựa chọn giảm lãi suất đầu vào sẽ dễ dàng hơn đối với các ngân hàng. Hiện tại Kho bạc Nhà nước chỉ ưu tiên phát hành các trái phiếu dài hạn để tận dụng lãi suất trên thị trường trái phiếu giảm xuống mức thấp, do đó các TCTD muốn duy trì biên lợi nhuận ở kênh đầu tư này thì buộc phải giảm lãi suất huy động vốn đầu vào.

Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ở các mức thấp kỷ lục trong bối cảnh các ngân hàng đều thừa thanh khoản, do đó các ngân hàng gần như không thu lợi được ở kênh đầu tư này. Vì vậy, để hút bớt tiền về, NHNN tiếp tục đẩy mạnh phát hành tín phiếu và tất cả đều được các ngân hàng thương mại mua hết dù lãi suất tín phiếu cũng liên tục xuống thấp kỷ lục.

Và những yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho động thái giảm lãi suất

Việc Fed không tăng lãi suất cơ bản đồng đô la trong cuộc họp tháng 9 vừa qua đã giúp thị trường ngoại hối ổn định trở lại sau một vài ngày biến động trước đó. Do đó không loại trừ dòng vốn đầu tư vào đô la Mỹ trong những tuần qua đang dịch chuyển trở lại tiền đồng và gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất, giúp nguồn vốn huy động của các ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, CPI chín tháng đầu năm mới tăng 3,14% so với cuối năm ngoái, vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay và đủ hấp dẫn người gửi tiền.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151945/dang-sau-chuyen-ngan-hang-giam-lai-suat.html/