Đắng lòng chuyện ở Quảng Ninh

Than Quảng Ninh đang chơi tốt tại V-League, ít nhất là đến lúc này. Thứ bóng đá họ chơi gây sự cuốn hút rất lớn, điều đó cho thấy họ là đội bóng có chất lượng không tệ. Để một đội bóng như vậy rơi vào tình trạng “không biết đá để làm gì” là một cái tội của những người có trách nhiệm.

Hỡi ôi, cũng chẳng biết ai là người có trách nhiệm ở câu chuyện đắng lòng này cả.

Đầu tiên là chuyện dàn đèn. Thật ra, dàn đèn của sân Cẩm Phả chẳng dính dáng gì đến CLB cả, bởi đây là tài sản chung của ngành thể thao Quảng Ninh. Nhưng một khi tỉnh Quảng Ninh đầu tư dàn đèn thì cũng là một tín hiệu cho thấy địa phương sẵn sàng ủng hộ việc duy trì đội bóng đá V-League bởi không lẽ làm dàn đèn hơn chục tỷ đồng mà không sử dụng.

Thành ra, khi dàn đèn chưa được lắp đặt thì cầu thủ của Than Quảng Ninh có lý do để tin rằng địa phương chưa thật sự quyết tâm duy trì CLB ở hạng cao nhất.

Nếu yên tâm về chuyện tiền nong thì rõ ràng qua 4 vòng đấu thực lực của tân binh Than Quảng Ninh (phải) cũng chẳng hề kém so với các đội bóng mạnh (V.Ninh Bình - Than Quảng Ninh 1-3). Ảnh: Internet

Chuyện kế tiếp là tiền bạc. Với lý do tiền chưa về tài khoản, hàng loạt hợp đồng tái ký chỉ có thời hạn 1 năm. Tiền lót tay cũng bị giảm xuống. Đồng ý thì ký, không thì cứ tự động ra đi. Lương, thưởng thì sẽ có chuyện trễ hạn dù cầu thủ có muốn hay không.

Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của cầu thủ, không khó để nhìn thấy một tương lai ngắn ngủi của CLB. Rõ ràng, không có một sự đầu tư mạnh mẽ nào ở đây dù lần đầu tiên trong lịch sử, Quảng Ninh mới được đá V-League.

Cuối cùng, là chuyện tế nhị: Rốt cục đội bóng này thuộc sở hữu của ai? Ngân sách hoạt động tạm thời hiện đang do Công ty Than Cửa Ông chi trả nhưng nguồn tài chính quan trọng nhất lại đến từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Than KSVN) cũng như ngân sách địa phương.

Số tiền đó chưa về, cũng chưa biết bao giờ về đến tài khoản CLB. Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp nhà nước như Than KSVN không được phép đầu tư ngoài ngành thì liệu có ai dám chắc Than KSVN sẽ chi tiền “nuôi” đội Than Quảng Ninh không? Mà nếu Than KSVN không “bảo lãnh” thì rốt cục, đội bóng có cái tên rất chung chung Than Quảng Ninh là của ai?

Cả 3 câu chuyện nói trên, người ngoài còn biết thì làm sao cầu thả không nắm rõ. Mà nếu họ không được giải quyết thỏa đáng, cầu thủ sẽ nghĩ ngay đến số phận của mình như trường hợp của Kiên Giang.

Vậy ai dám chắc, cầu thủ của Than Quảng Ninh vừa đá cho CLB vừa “làm kinh tế” cho mình? Hãy xem, họ đá 4 vòng đầu rất “ngon lành” dù gặp toàn “thứ dữ”. Với phong độ đó, muốn thắng họ trên sân bóng là không đơn giản chút nào nhưng biết đâu, Than Quảng Ninh “chưa đá đã thua” không chừng. Lúc đó, họ giải thích là bị “phân tán tinh thần” vì “chuyện trong nhà” thì sao?

Đấy chính là nguồn gốc của tiêu cực. Lẽ ra, đây là chuyện cần được phòng ngừa, cần giải quyết ngay trước khi “có chuyện”. Thế nhưng, như đã biết là người ta vẫn để Than Quảng Ninh thi đấu trong tình trạng như vậy. VPF vẫn cho phép sân Cẩm Phả tổ chức thi đấu không cần dàn đèn.

Họ cũng chẳng kiểm tra xem Than Quảng Ninh có đủ 25 tỷ đồng tiền vốn hoạt động hay không. Họ cũng không thật sự kiểm tra tính pháp lý của CLB này để có thể “nắm người có tóc” một khi xảy ra chuyện. Càng để sự việc trôi đi thì chẳng khác nào những nhà quản lý đang “nuôi dưỡng” những mầm mống tiêu cực trong tương lai.

Thiết nghĩ cứ hô hào bóng đá sạch, yêu cầu các CLB phải chơi hết mình mà những chuyện có thể làm nẩy sinh tiêu cực có thể phòng ngừa lại thờ ơ bỏ qua kiểu đó thì cũng đừng chờ mong ý thức chuyên nghiệp nơi cầu thủ hay HLV.

Giải đấu số 1 Việt Nam V-League cứ tồn tại những chuyên đắng lòng như vậy thì hy vọng cái nỗi gì cho tương lai của làng cầu nội địa?!

Nguồn YTT: http://www.bongda.com.vn/VDQG-V-League/Tin-tuc-V-League/318039_Dang_long_chuyen_o_Quang_Ninh.aspx