Đăng ký khám bệnh qua điện thoại, Internet: Bệnh nhân chưa quan tâm

Cuối tháng sáu, Bộ Y tế đã chọn 10 bệnh viện (BV) tuyến T.Ư thực hiện thí điểm hẹn khám - chữa bệnh qua điện thoại, Internet. Điều này giúp giảm phiền hà trong việc khám - chữa bệnh và BV chủ động nhân lực.

BV quá tải, phải bố trí giường cho bệnh nhân tại khu vực hành lang - Ảnh chụp tại BV Chợ Rẫy, TPHCM. (LĐ) - Tuy nhiên, tại TPHCM, số người đăng ký qua dịch vụ này rất ít và BV tiếp tục rơi vào quá tải... Tại TPHCM, hai BV lớn được Bộ Y tế chọn thực hiện chương trình này là BV Chợ Rẫy và Thống Nhất. BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc BV Thống Nhất - cho biết, từ tháng 8.2008, BV đã trang bị 4 máy điện thoại sẵn sàng tiếp nhận các cuộc hẹn đến khám - chữa bệnh của tất cả bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Bệnh nhân được chủ động giờ giấc và đến BV được khám ngay, không phải mất thời gian chờ đợi. Bệnh nhân chỉ cần gọi điện thoại, đọc mã số bệnh trên thẻ bảo hiểm y tế hoặc trên sổ khám bệnh, kể sơ lược bệnh sử; nhân viên tiếp nhận điện thoại của BV sẽ lên lịch, sắp xếp giờ hẹn, thông báo số phòng khám, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Đây là quy trình đơn giản; thế nhưng, từ ngày đưa vào vào sử dụng đến nay, trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh của BV cũng chỉ nhận được chưa đến 10 cuộc điện thoại để hẹn khám. Để giúp cho người bệnh nắm được chủ trương mới này, BV đã nhanh chóng dán các mẫu thông báo, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng dịch vụ này, thế nhưng mọi người chỉ đọc xong rồi quên. Trong khi đó, mỗi buổi sáng, hàng trăm bệnh nhân vẫn tập trung ngồi đông nghẹt để đợi khám theo cách truyền thống. Riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi ngày BV tiếp nhận từ 3.400- 3.500 người không chỉ ở TPHCM mà nhiều tỉnh, thành đến khám - chữa bệnh. Trong số đó, có trên 2.000 bệnh nhân khám BHYT. Từ lâu, BV là nơi luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng. TS-BS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV - cho biết, BV bố trí 7 bàn tiếp nhận bệnh nhân bắt đầu từ 5 giờ hằng ngày, cấp phát số thứ tự cho bệnh nhân theo từng chuyên khoa, thông báo trên bảng điện tử và bố trí phân luồng hợp lý, tránh ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong tháng 7, BV sẽ đưa vào hoạt động thêm một khu khám bệnh và xét nghiệm mới để giảm tình trạng quá tải tại một số chuyên khoa, triển khai hẹn khám bệnh theo giờ qua điện thoại để chủ động phân bổ thời gian khám hợp lý và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. BS Sơn cho biết thêm, bệnh nhân đến khám - chữa tại BV chủ yếu là bệnh nhân ở các tỉnh. Mỗi lần khám bệnh không chỉ là một lần đến BV mà còn là một lần tính toán, thu xếp nơi ăn, chốn ở, thuê xe cộ... Việc đăng ký qua điện thoại là cách làm mới; tuy nhiên, khi chúng tôi gọi đến xin đăng ký khám bệnh tại BV Chợ Rẫy thì nhân viên trực tổng đài "lạnh tanh" thông báo: "Chúng tôi chưa có dịch vụ này!". Đăng ký khám bệnh qua điện thoại đã khó, đăng ký qua mạng nghe càng xa vời. Theo phản ánh của các BV này, hệ thống quản lý công nghệ thông tin phần lớn đều trong tình trạng lỗi thời. Lãnh đạo BV Thống Nhất cho biết, mạng công nghệ thông tin BV vẫn "chạy" bằng phần mềm do chính BV tự thiết kế nên chưa chuyên nghiệp. Chưa kể, máy chủ quá chậm cũng làm bệnh nhân chờ lâu hơn. Nếu được đầu tư hệ thống máy, phần mềm quản lý mới thì mới tính đến chuyện đặt hẹn qua mạng. Còn tại BV Chợ Rẫy, trong tháng 7, BV sẽ tiến hành đấu thầu công ty cung ứng hệ thống quản lý mới. Dự tính, số tiền đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Đến khi mạng chạy ổn định thì BV mới triển khai việc đặt hẹn khám bệnh qua mạng. Điều này có nghĩa là bài toán quá tải tại các BV sẽ vẫn tiếp tục! Võ Tuấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/dang-ky-kham-benh-qua-dien-thoai-internet-benh-nhan-chua-quan-tam/20097/146785.laodong