Đăng ký bảo hộ sáng chế quốc tế: Tốn kém nhưng hiệu quả chưa cao

Dù Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Cooperation Treaty - PCT) hơn 20 năm (10/3/1993), khái niệm nộp đơn PCT đối với những người có nhu cầu đăng ký sáng chế ra thị trường quốc tế vẫn được xem là “còn khá mới mẻ”.

Đơn PCT có những ưu điểm gì?

“Trước đây, các nhà sáng chế Việt Nam khi muốn đăng ký sáng chế bảo hộ ra toàn cầu thì gặp vấn đề rất nan giải là không biết đăng ký ở đâu để đỡ phí tiền. Vì đăng ký trên khắp các nước trên thế giới rất tốn tiền. Chúng ta phải lựa chọn, nhưng lựa chọn thì phải có thời gian,” ông Phạm Vũ Khánh Toàn – Trưởng Văn phòng luật sư (VPLS) Phạm và Liên danh, người có rất nhiều kinh nghiệm nộp đơn PCT chia sẻ tại hội thảo Đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế PCT diễn ra mới đây tại TP.HCM.

Trước khi có PCT, theo Công ước Paris về Sở hữu công nghiệp, các nhà sáng chế sẽ có quyền ưu tiên 12 tháng để cân nhắc ngoài đăng ký ở nước sở tại thì có nên đăng ký ở một thị trường nước ngoài tiềm năng nào khác hay không.

Ý nghĩa của quyền ưu tiên không liên quan đến việc xử lý đơn nhanh hay chậm mà liên quan đến mốc thời gian để cơ quan tiếp nhận đơn đánh giá tính mới của sáng chế so với các tài liệu đã công bố. Nếu một người đã nộp đơn tại một quốc gia là thành viên của Công ước Paris, có nhu cầu muốn nộp đơn ra quốc tế, thì các đơn nộp sau vẫn sẽ được tính chung một mốc thời gian với đơn đã nộp đơn ở nước sở tại.

Ông Phạm Vũ Khánh Toàn – Trưởng Văn phòng luật sư (VPLS) Phạm và Liên danh chia sẻ tại hội thảo

“Nhưng 12 tháng đó vẫn chưa đủ, vẫn cập rập quá , chính vì vậy mới xuất hiện hệ thống PCT cho phép người nộp đơn thêm một năm rưỡi. Hai năm rưỡi đó là khoảng thời gian tương đối đủ để ta xác định đâu là thị trường tiềm năng, đâu là nơi cần đăng ký sáng chế”, ông Toàn nhận xét.

Một lợi thế nữa khi nộp đơn PCT tại Việt Nam là chủ thể nộp đơn là cá nhân (có quốc tịch Việt Nam) sẽ được giảm đến 90% lệ phí quốc tế. Để tận dụng được ưu thế này, theo ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT, trong quá trình nộp đơn bảo hộ sáng chế với chủ thể là doanh nghiệp thì nên có bước chuyển nhượng cho người đứng tên nộp đơn là cá nhân và cần có hợp đồng chặt chẽ giữa hai bên để tránh mâu thuẫn lợi ích và quyền lợi về sau.

Theo quy trình nộp đơn PCT, người nộp có quyền chỉ định một trong các cơ quan tra cứu quốc tế để đánh giá và thẩm định sơ bộ cho đơn. Các cơ quan này được quyền thu phí, mức phí sẽ đa dạng tùy thuộc cơ quan. Người nộp đơn thường có xu hướng chọn cơ quan thu phí thấp nhất để tiết kiệm tiền mà bỏ qua một vấn đề hết sức quan trọng là chất lượng của báo cáo tra cứu quốc tế. Báo cáo này đóng vai trò rất quan trọng, giúp người nộp đơn đánh giá gần như chính xác khả năng được cấp bằng để tiếp tục theo đuổi đơn hay không, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.

Khi nào thì nên đăng ký sáng chế ra quốc tế?

Ông Toàn cho biết việc đăng ký sáng chế ở nước ngoài chỉ có thể gọi là thành công trong hai trường hợp: thứ nhất là giải pháp mang tính tiên phong.

Toàn cảnh hội thảo Đăng ký bảo hộ sáng chế ra nước ngoài theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế PCT diễn ra mới đây tại TP.HCM.

“Ví dụ như trên thế giới đang dùng máp chụp ảnh phim chẳng hạn, mà chúng ta phát minh ra máy chụp kỹ thuật số thì chắc chắn bằng giá nào cũng phải nên đăng ký. Bởi vì những sản phẩm tiên phong như thế sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh sẽ áp dụng sáng chế của chúng ta”, ông Toàn giải thích.

Nhưng người nộp đơn cũng phải hết sức thận trọng khi đánh giá sáng chế của mình có tính tiên phong hay không, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới khoa học kỹ thuật đang là xu thế của thế giới.

Thứ hai, ông Toàn cho rằng: “Phải xem sáng chế có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không. Còn nếu không thì chỉ đăng ký chơi chơi để tự hào một chút rồi khả năng thương mại hóa lại thấp. Hay kể cả thương mại hóa được nhưng mang lại lợi nhuận chẳng đáng kể gì và chỉ sau một vài năm, trình độ kỹ thuật thế giới đã vượt xa rồi thì tất cả những cái đã đăng ký đều vứt vào sọt rác hết.”

Theo số liệu của VPLS Phạm và Liên danh, trong số 10.000 đơn sáng chế mà văn phòng đã nộp trong những năm qua, chỉ có 10 đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam. Và trong số 10 đơn này thì có một đơn đã bỏ, còn 9 đơn còn lại, theo ông Toàn, thì khả năng thành công gần như là không có, vì tốc độ phát triển khoa học công nghệ của nước ta còn kém, đuổi không kịp với các nước khác.

Nhọc nhằn chuyện pháp luật và dịch thuật

Ưu thế của người nộp đơn PCT là chỉ làm một bộ đơn duy nhất để nộp vào tất cả các nước thành viên. Tuy nhiên, đây cũng là điểm bất lợi vì để viết ra một bản mô tả và bộ yêu cầu bảo hộ đáp ứng yêu cầu của luật sáng chế ở rất nhiều nước là việc không dễ dàng. Mặc dù trước khi nộp đơn vào từng quốc gia cụ thể, người nộp đơn có quyền sửa đơn để phù hợp với luật pháp từng nước, nhưng họ lại phải tốn thời gian tìm hiểu, xin tư vấn.

Lời khuyên của ông Toàn là người nộp đơn PCT nên chọn ra thị trường lợi ích cơ bản nhất rồi viết yêu cầu bảo hộ càng phù hợp với điều kiện quy định, pháp luật tại thị trường đó thì khả năng được cấp bằng bảo hộ tại đó càng cao.

Một vấn đề hết sức quan trọng khác cũng theo ông Toàn là dịch thuật bản yêu cầu bảo hộ. Nếu như bản dịch không chính xác thì bằng sáng chế cũng trở nên vô nghĩa. “Từ bản tiếng Việt mà dịch ra sai một thuật ngữ thôi thì đã khác biệt hẳn rồi. Hoặc dù cho thuật ngữ đúng nhưng cấu trúc câu không chuẩn thì lại sai về bản chất. Như thế thôi đã biến đăng ký của chúng ta thành số 0”, ông Toàn nói.

Cũng đồng quan điểm với ông Toàn, anh Nguyễn Quang Ngọc, một nhà sáng chế độc lập đã từng nộp nhiều đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cả trong nước và đơn PCT chia sẻ: “Tôi mất bốn cái đơn PCT đầu tiên chỉ vì mỗi phiên dịch. Mất rất nhiều tiền, dịch trật hết, đọc không hiểu.Chúng ta phải chọn phiên dịch đúng chuyên ngành, có vậy thì may ra cái đơn của mình mới có thể lấy được cái độc quyền ở quốc gia người ta”.

Theo ông Toàn, hiện tại đa số các sáng chế của Việt Nam chỉ phù hợp áp dụng trong nước vì người sáng chế hiểu rõ thị trường và nắm rõ sản phẩm. “Đăng ký ra nước ngoài tốn kém rất nhiều, và hiệu quả sử dụng tới đâu? Có thể bán được, có khi giá chẳng được bao nhiêu. Mà thế giới phát triển rất nhanh, chỉ một vài năm là đã ra một trình độ phát triển khác hẳn. Nhiều giải pháp rất hay nhanh chóng bị bỏ qua và trở thành lạc hậu. Vì thế người đăng ký nộp đơn PCT, theo tôi phải nên hết sức cân nhắc.” ông Toàn kết luận.

Hoàng Nguyên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dang-ky-bao-ho-sang-che-quoc-te-ton-kem-nhung-hieu-qua-chua-cao-c7a464923.html